Người "tiên phong" nuôi cá tầm tại vùng núi Tiên Yên

Mạnh dạn đầu tư

Được sự giới thiệu và dẫn đường của cán bộ Hội LHPN huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh chúng tôi đến xã Phong Dụ để thăm và trải nghiệm điểm nuôi giống cá nước lạnh đặc biệt do anh Trần Văn Mạ (42 tuổi, dân tộc Sán Chỉ) làm chủ tại Khe San. 

Con đường di chuyển từ quốc lộ 18C đến ao nuôi cá khá khó khăn, hoàn toàn là đường mòn trong rừng. Mặc dù quãng đường chỉ dài khoảng 5km nhưng chúng tôi phải mất khoảng 30 phút ngồi sau những “tay lái cừ khôi" mới tới nơi. “Đây cũng là một trong những trở ngại, khó khăn ban đầu khi tôi bắt đầu xây dựng mô hình. Ngày đó mình phải đi bộ hoàn toàn, cứ vừa mò đường vừa phát quang cây cối. Chưa kể những ngày mưa gió lại càng vất vả hơn nữa, nhiều đoạn đường dốc lên xuống, trơn trượt” - anh Mạ chia sẻ.

Khu vực nuôi cá nằm trong núi Khe San với lối đi vào vẫn rất hoang sơ

Anh Mạ biết tới giống cá này hết sức tình cờ và cũng biết nhiều hộ ở huyện Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) đã nuôi thành công, cho giá trị kinh tế cao. Nhận thấy điều kiện tự nhiên nuôi cá tầm ở Bình Liêu này giống với vùng núi xã Phong Dụ nơi anh đang sinh sống, anh bắt đầu có ý tưởng đưa giống cá tầm về địa phương để nuôi bán. 

Được sự động viên rất lớn từ vợ, anh Mạ bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu và tiếp cận với các kiến thức chăn nuôi, mạnh dạn đầu tư số tiền gần 500 triệu đồng vào mô hình "có một không hai" tại huyện Tiên Yên lúc bấy giờ.

Chị Nịnh Thị Nùng bồi hồi nhớ lại: "Trong nhà có bao nhiêu vốn liếng là bỏ ra hết, rồi mình còn đi vay mượn thêm cho chồng làm.  Lúc mới làm, nhiều người trong gia đình bảo mình sao liều thế, nhưng mình nghĩ rồi, nếu không làm thì cuộc sống không thay đổi được. Bởi vậy, chỉ có cách vợ chồng đồng lòng thì mới mong hái được trái ngọt".

Mô hình nuôi cá tầm của anh Mạ phát triển trong hệ thống bể lưu thông nước với diện tích khoảng 6.000m2, lấy nước từ suối đầu nguồn Khe San

Khác hẳn với cá trắm và cá rô phi, cá tầm phải được nuôi ở nơi có khí hậu mát mẻ, nguồn nước có nhiệt độ thấp, đặc biệt là phải sạch nên mất rất nhiều giai đoạn. Bởi vậy hành trình từ khi tìm được điểm nuôi cá cho đến lúc hình thành được ra các bể là cả một câu chuyện dài mà anh Mạ nói vui "chắc phải nói 3 ngày mới hết câu chuyện".

Hiện tại, vợ chồng anh Mạ đã cơi nới, phát triển hệ thống bể, lưu thông nước với diện tích khoảng 6.000m2, đầu tư hệ thống lọc nước, mái che, tận dụng nguồn nước đầu nguồn dồi dào đảm bảo sạch và có nhiệt độ ổn định từ 20-25 độ C - một trong những điều kiện khắt khe để cá tầm phát triển. "Giống cá này ưa sạch nên mình phải thường xuyên rửa bể, trời mưa là phải túc trực ở đây luôn vì nếu không kịp tháo nước, cá sẽ thiếu oxy và không sống được. Có lần hàng trăm con cá đã bị chết rồi nên mình phải sát sao lắm" - anh Mạ cho biết.

Công việc nuôi cá tầm vất vả, vợ chồng anh Mạ chị Nùng phải trực tiếp trông coi và dành nhiều thời gian ở khu nuôi cá

Cuộc sống thay đổi

Hơn 1 năm nay, vợ chồng anh Mạ mỗi ngày đều thay nhau trông coi cá, bởi không tìm được nhân công có kinh nghiệm chăm sóc cá tầm. Các con của anh chị đứa lớn nhất đã lập gia đình, thời gian rảnh cũng đều lên phụ bố mẹ một số công việc, cả nhà cùng nhau chung sức làm kinh tế. "So với trồng rừng thì nuôi cá đem lại lợi ích kinh tế hơn, thời gian thu hồi vốn nhanh hơn. Từ bể cá này tôi đã phát triển được thêm nhiều công việc khác, nhất là từ khi kết hợp làm được du lịch sinh thái cho quê mình, mình càng có động lực cố gắng" - anh Mạ hào hứng.

Đi 1 vòng hồ cho cá ăn rồi vợt nhẹ cho chúng tôi xem mấy con cá ở bể cá lớn, anh Mạ cho biết: "Đây là con cá tầm đạt trọng lượng hơn 2kg, vài tháng tới là có thể xuất bán. Năm nay thị trường Trung Quốc không xuất khẩu được cá sang Việt Nam do dịch bệnh COVID-19 nên giá của cá tầm tăng rõ rệt so với những năm trước. Hiện tại giá bán cho các nhà hàng đều đạt khoảng 250.000 - 280.000 đồng/kg. Nhiều người biết tới đã đặt mua qua điện thoại và nhờ tôi gửi vận chuyển bằng xe khách. Tuy nhiên, để tiêu thụ một sản lượng lớn cá tầm thì chúng tôi chưa tìm được đơn vị hay doanh nghiệp lớn nào".

Cá tầm là giống có thể nuôi dài hơi, cá càng to càng đạt giá trị cao

Dù chưa tìm được đầu ra thực sự ổn định nhưng anh Mạ cũng không nhiều lo lắng. Cá tầm là giống có thể nuôi dài hơi. Cá càng to càng đạt giá trị cao hơn nhưng cũng cần đầu tư nhiều công sức chăm nuôi, sát sao hơn. Bên cạnh đó, anh Mạ đã mạnh dạn kết hợp nuôi cá tầm với phát triển du lịch thác Khe San - một điểm tham quan mới đang được nhiều du khách tìm đến. Cùng với đó, vợ chồng anh cũng làm nhà hàng để tiêu thụ, chế biến nhiều món ngon từ cá tầm.

Đánh giá về mô hình nuôi cá tầm của gia đình anh Mạ, ông Phạm Văn Hoài, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh) cho biết, anh Mạ và chị Nùng là hai tấm gương tiêu biểu để bà con trên địa bàn noi gương, học hỏi. "Sau khi gia đình anh Mạ quyết định khởi động, UBND huyện đã hỗ trợ 200 triệu đồng làm vốn. Chúng tôi luôn mong muốn đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế gắn với điều kiện tự nhiên của địa phương, tiến tới thoát nghèo bền vững". 

Người "tiên phong" nuôi cá tầm tại vùng núi Tiên Yên - Ảnh 5.

Sau gần 2 năm dày công chăm sóc, những con cá đạt trọng lượng khoảng 2kg có thể đưa ra thị trường

Chia tay anh Mạ và chị Nùng, chúng tôi tiếp tục hành trình đi gặp những người dân tộc thiểu số dám nghĩ, dám làm, có khát vọng làm giàu chính đáng, vượt khó vươn lên. Tới thời điểm hiện tại, mặc dù vẫn còn đó những khó khăn và thách thức nhưng những người như anh Mạ vẫn chọn bước tiếp, không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà còn chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ cho nhiều người dân cùng phát triển các mô hình kinh tế làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.