Nhà văn Nguyệt Tú: “Cách mạng là mật ngọt, là nguồn sống của đời tôi”

Ở cái tuổi gần đất xa trời, nhưng mỗi khi nhắc đến Cách mạng Tháng Tám là nhà văn Nguyệt Tú (95 tuổi), phu nhân của cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo lại rưng rưng xúc động, "Cách mạng là mật ngọt, là nguồn sống của đời tôi".

Trong một chiều Thu Hà Nội, tôi tìm đến gặp nhà văn Nguyệt Tú, ở cái tuổi 95 nhưng những ký ức về Cách mạng Tháng Tám thì không thể nào phai trong trí nhớ của bà. Ngoài trời, những cơn gió mùa Thu nhẹ đưa qua, những chiếc lá vàng rơi rải rác trên khoảng sân rộng.

Nhà văn Nguyệt Tú: “Cách mạng là mật ngọt, là nguồn sống của đời tôi” - Ảnh 1.

Nhà văn Nguyệt Tú và chồng - Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo.

Nhà văn Nguyệt Tú sinh năm 1925, tên thật là Nguyễn Nguyệt Tuệ, bà là con đầu lòng của danh họa Nguyễn Phan Chánh. Thuở bé bà sống ở Hà Nội, khi đó cha bà là giáo sư dạy bộ môn Mỹ thuật ở trường Bưởi. Với mức lương 100 đồng Đông Dương mỗi tháng, ngoài nuôi mẹ, vợ và các con, trong nhà còn thuê thêm 4 người giúp việc. Tuy nhiên, trong một lần khảng khái không chịu vẽ theo yêu cầu của người Pháp, cụ Phan Chánh đã nghỉ dạy, rời Hà Nội và đưa cả gia đình trở lại quê ở thị xã Hà Tĩnh.

Nữ sinh áo dài gan dạ mang truyền đơn qua trạm gác của lính Nhật

Trở về Hà Tĩnh, để nuôi sống gia đình, cụ Phan Chánh đi nhiều nơi vẽ tranh truyền thần làm ảnh thờ cho người dân trong vùng. Cảnh nhà nhiều khi lâm vào cảnh khó khăn túng quẫn, vì công vẽ của cụ đôi khi chỉ là mấy củ khoai. Trong hoàn cảnh này, bà vẫn được cha mẹ động viên cho đi học, "Cha đi vắng rồi, theo mẹ nghĩ, con cứ nên đi Huế thi. Con trai hay con gái, đứa nào học được cứ cho học", bà Tú nhớ lại lời mẹ dặn năm 14 tuổi.

Để có đủ tiền cho con đến Huế, mẹ bà đã phải bán đi 2 cái mâm đồng to (của dự trữ trong nhà) được 2,5 đồng. Trong đó, 5 hào dùng để đi xe ô tô từ Hà Tĩnh ra Vinh, còn 2 đồng để bắt tàu hỏa vào Kinh đô Huế, thời đó tàu hỏa không dừng lại ở Hà Tĩnh. Không phụ lòng cha mẹ, vượt qua hàng trăm thí sinh khác, bà đỗ đầu vào trường nữ sinh Đồng Khánh, khóa 1940 - 1944. Vì đỗ đầu nên bà được trường Bảo Hộ của Pháp cấp học bổng trong suốt 4 năm học và được ưu tiên ở nội trú.

Với bản tính thông minh, cần cù, trong thời gian học tập tại trường, bà luôn là nữ sinh có thành tích học tập đứng đầu lớp và luôn nhận được những phần thưởng của ban giám hiệu. Tuy vậy, là một người có ý thức cao về lòng tự tôn dân tộc, bà đã nhiều lần phản ứng trước giáo viên người Pháp – khi họ có những lời nói mang tính miệt thị đối với người Việt Nam. Dẫu rằng sau đó là những nguy cơ bị phạt, bị tước phần thưởng và thậm chí là bị đuổi học.

Nhà văn Nguyệt Tú: “Cách mạng là mật ngọt, là nguồn sống của đời tôi” - Ảnh 2.

Nhà văn Nguyệt Tú (16 tuổi), nữ sinh trường Đồng Khánh

Hè năm 1942, trong một lần trường Đồng Khánh tổ chức cho học sinh đi dã ngoại ở Đà Lạt (Lâm Đồng), bà Tú may mắn được gặp bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng – khi đó đang theo học tú tài phần 2 ở trường Quốc học Huế. Về sau, với tư cách là thành viên Việt Minh – bà Diệu Hồng là một trong hai người đọc lời hiệu triệu kêu gọi đồng bào Hà Nội đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền tại Nhà hát Lớn, ngày 17/8/1945. Bên ánh lửa trại trên một ngọn đồi, bà Tú đã được nghe bà Diệu Hồng kể nhiều chuyện về những tấm gương yêu nước và cứu nước như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt… Những câu chuyện này đã khơi gợi trong bà lòng yêu nước, ý chí của tuổi trẻ về độc lập chủ quyền.

Khi ngọn lửa đã được nhen nhóm, nó sẽ âm ỉ và chờ ngày bùng lên dữ dội. Bởi vậy, sau khi từ Đà Lạt trở lại Huế, bà Tú có thêu chữ T.Q (viết tắt của từ Tổ quốc) và dán bí mật trong tủ cá nhân của mình. Để mỗi ngày, khi lấy đồ dùng bà đều nhìn thấy, và mỗi lần nhìn thấy bà đều nhớ đến Tổ quốc, nhớ đến câu nói của nữ anh hùng Triệu Thị Trinh khi bị ép làm tì thiếp cho nhà giàu: "Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp người".

Bà Triệu

“Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp người”

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), bà Tú khi này đã chuyển sang trường Quốc học Huế để học lên Thành chung. Để thuận tiện cho hoạt động cách mạng, bà không sống ở trong ký túc xá Đồng Khánh nữa mà chuyển đến thôn Vỹ Dạ (cách đó khoảng 3km) ở và nhận làm gia sư. "Tôi và một số bạn học trong lớp tham gia hoạt động cách mạng. Chúng tôi viết truyền đơn bằng tay. Sợ bị lộ chữ, tôi phải nhờ bạn cùng lớp đánh máy hộ, việc đánh máy diễn ra tại ký túc xá của trường Đồng Khánh", bà Tú nhớ lại.

Thời điểm này, trước phong trào yêu nước sục sôi ở Huế, phát xít Nhật ra sức khủng bố, chúng mổ bụng ngựa và nhét những người mà chúng tình nghi là Việt Minh vào để đe doạ, cảnh cáo những người có ý định lật đổ ách cai trị của chúng. Không run sợ trước hành động dã man của quân cướp nước, bà Tú vẫn bí mật giấu truyền đơn trong túi xách, gan dạ đi qua đồn bốt của lính Nhật.

Có lẽ, chúng cũng không ngờ được rằng, trong túi xách của nữ sinh áo dài, chân đi guốc mộc với những bước thong thả, trên đầu đội chiếc nón lá và mái tóc ngang lưng phất phơ bay đầy dễ thương của trường Quốc học ấy lại là những truyền đơn "Đánh Pháp, đuổi Nhật".

Bởi vậy, từ ký túc xá của trường Đồng Khánh, bà Tú mới có thể mang những truyền đơn an toàn đến thôn Vỹ Dạ. Những truyền đơn này sau đó được tổ Việt Minh của bà chia nhau rải ở các rạp chiếu bóng hoặc ở những nơi bến đò, khơi gợi và dấy lên khát vọng độc lập của người dân mảnh đất Thần Kinh.

Nhà văn Nguyệt Tú: “Cách mạng là mật ngọt, là nguồn sống của đời tôi” - Ảnh 4.

Nhà văn Nguyệt Tú (ở giữa, người đánh dấu X) và các bạn lớp đệ nhị niên trường Đồng Khánh, năm 1941

Đứng đầu đoàn người, giương cao ngọn cờ giành chính quyền ở Hà Tĩnh

Sang hè năm 1945, chính sách tàn bạo của phát xít Nhật – bắt người nông dân bỏ lúa trồng đay, buộc người dân bán lúa gạo với giá rẻ mạt đã gây ra nạn đói năm Ất Dậu – chỉ trong một thời gian ngắn, từ Quảng Trị đến miền Bắc, hơn 2 triệu đồng bào bị chết đói. Để sống sót, nhiều người dân đến bước đường cùng phải kéo nhau đi phá kho thóc Nhật, đường tàu hỏa từ Huế ra Vinh bị phá nhiều quãng.

Trước tình cảnh này, đoàn thể ra chủ trương, "Ai quê ở đâu về đấy hoạt động, chờ thời cơ". Nắm bắt cơ hội, bà Tú và ông Hoàng Kim Hải (thành viên Việt Minh) trở về Hà Tĩnh. Do đường sắt đã bị phá, nên họ phải đi bộ, đi thuyền, đến Đồng Hới (Quảng Bình) mới có thể bắt được xe ô tô về Hà Tĩnh.

Trở lại nhà, sau gần 5 năm xa cách, bà Tú thấy mẹ mình đã già đi nhiều. Trong nhà, vẫn niêu cơm đồng nhỏ xíu méo mó, rổ khoai lang luộc, đĩa nhút (làm từ vỏ mít). Thấy chị cả về, em Phan Quang thì thầm với chị, "Thầy mẹ cầm ngôi nhà chỉ đủ tiền mua gạo ăn dè đến vụ gặt. Còn hồi đói, cả nhà ăn cháo loãng cầm hơi. Chỉ riêng cha và em gái út Nguyễn Lệ được ăn cơm. Quang lên núi Nài hái sim ăn. Mẹ không biết nên mắng em vì tội trưa không về nhà".

Nhà văn Nguyệt Tú: “Cách mạng là mật ngọt, là nguồn sống của đời tôi” - Ảnh 5.

Cha bà lúc này đang đi vẽ truyền thần ở các vùng quê. Khi trở về, cụ Phan Chánh kể chuyện nhìn thấy lá cờ đổ sao vàng phấp phới bay trên ngọn tre ở một làng. Cụ làm bài thơ "Hoàng tinh xuất thế" (Sao Vàng xuất hiện), nhân dịp ông Hoàng Kim Hải đến nhà chơi, cụ hào hứng nói:

- Nếu Việt Minh về đây, tôi hoan nghênh, ủng hộ ngay. Tuy tôi chưa được gặp Việt Minh, nhưng biết họ chủ trương đánh Pháp, đuổi Nhật.

Ông Hải cười tủm tỉm với bà Tú:

- Cụ biết đâu Việt Minh trong nhà rồi!

Bà Tú nhớ lại, lúc đó ông Hải là người thông báo tình hình Việt Minh và trực tiếp giao công việc cho bà. Công việc của bà là làm bông băng chuẩn bị cứu thương và học băng bó những vết thương bên ngoài như ở tay, đầu gối, trên đầu.

Nhà văn Nguyệt Tú: “Cách mạng là mật ngọt, là nguồn sống của đời tôi” - Ảnh 6.

Gia đình nhà văn Nguyệt Tú:: Danh họa Nguyễn Phan Chánh, ông Lê Quang Đạo (ngoài cùng, bên phải), em trai chồng và các con chụp ảnh cùng anh hùng La Văn Cầu (đứng giữa), năm 1953

Một ngày giữa tháng 8, những tên lính Nhật trú tại Câu lạc bộ thể thao thị xã áo quần lôi thôi, lê đôi bốt xộc xệch, xách hăng - gô đi lấy nước, mặt buồn thiu. Chúng không còn ngạo mạn, hống hách. Nhật đã đầu hàng Đồng Minh. Quân Tưởng theo sự phân công của quân Đồng Minh đang chuẩn bị tràn vào nước ta kể từ vĩ tuyến 16 ra Bắc. Trước đó, ngày 13/8, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc được thành lập và ban bố "Quân lệnh số 1", chính thức phát lệnh Tổng khởi nghĩa trong cả nước. Thời cơ cách mạng đã chín muồi, "Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập", Bác Hồ dặn dò đồng chí Võ Nguyên Giáp từ chiến khu Việt Bắc.

Sáng 18 tháng 8 năm 1945, trời đẹp, nắng và gió nhẹ. Tại một địa điểm ở Thị xã Hà Tĩnh, cuộc mít tinh được triệu tập từ sớm. Bà con thị xã Hà Tĩnh đến dự rất đông. Lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên. Tất cả đứng im, trật tự trong giờ phút thiêng liêng ấy. Những người bà Tú quen ở xóm Tân Giang như: ông trợ Đào, trợ Liệu, bà Khang, anh chị Nhọ Tịnh… hôm nay trông khác lạ. Nét mặt họ rắn giỏi, cương quyết. Thầy giáo Nguyễn Danh Dương đứng lên diễn thuyết. Sau đấy, hàng trăm con người ùn ùn tiến vào tòa Công sứ, khí thế rầm rộ.

Nhắc đến đây, bà Tú, giọng nhiều lần đứt quãng vì xúc động, "Tôi đứng hàng đầu cuộc mít tinh. Tôi vô tình đã trở thành người dẫn đầu đoàn đại biểu. Tôi không nhớ cờ đỏ sao vàng của đoàn biểu tình đã sang tay mình từ lúc nào. Cụ Hà Văn Đại, Tỉnh trưởng đã được Việt Minh nói chuyện từ trước. Sáng nay, cụ chỉnh tề áo lương đen dài, quần trắng, giày hạ ra đón đoàn đại biểu. Hai tay cụ nâng chiếc triện Tỉnh trưởng. Cụ trao triện cho đồng chí Phan Đăng Tài, em ruột nhà cách mạng Phan Đăng Lưu". 

"Tôi đứng hàng đầu cuộc mít tinh. Tôi vô tình đã trở thành người dẫn đầu đoàn đại biểu. Tôi không nhớ cờ đỏ sao vàng của đoàn biểu tình đã sang tay mình từ lúc nào. Cụ Hà Văn Đại, Tỉnh trưởng đã được Việt Minh nói chuyện từ trước. Sáng nay, cụ chỉnh tề áo lương đen dài, quần trắng, giày hạ ra đón đoàn đại biểu. Hai tay cụ nâng chiếc triện Tỉnh trưởng. Cụ trao triện cho đồng chí Phan Đăng Tài, em ruột nhà cách mạng Phan Đăng Lưu".

Nhà văn Nguyệt Tú

Với tinh thần đó, cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi nhanh chóng, không xảy ra đổ máu và đưa Hà Tĩnh trở thành một trong những tỉnh lị giành chính quyền sớm nhất trong cả nước.

Cùng ngày, Ủy ban Lâm thời tỉnh Hà Tĩnh được thành lập. Trong Ủy ban có đảng viên đảng cộng sản mới ở tù ra, có học sinh Quốc học Huế, sinh viên Hà Nội. Ủy ban Phụ nữ có hai người: bà Trần Thị Thảo, đảng viên cộng sản từ năm 1930, làm bí thư, và bà Tú là phó bí thư. Cha bà, cụ Nguyễn Phan Chánh làm Ủy viên thường vụ Văn hóa cứu quốc. Mẹ bà ở Ban úy lạo binh sĩ (sau này cụ là Hội trưởng Hội mẹ chiến sĩ". Em trai bà là Nguyễn Phan Quang trở thành thiếu niên cứu quốc.

Về sau bà Tú trở thành phóng viên của Báo Phụ nữ Việt Nam, Báo Nhân Dân và Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ. Hiện nay, mặc dù tuổi đã cao nhưng bà vẫn giữ thói quen đọc báo, đọc sách hàng ngày và gửi nỗi niềm của mình qua những trang viết về mội thời đã qua. Bà mỉm cười nói với tôi, "Người trẻ các anh thường nhìn về phía trước. Người có tuổi như tôi hay nhìn lại phía sau và nhớ". Và trong đó, có những ký ức về Cách mạng Tháng Tám, cuộc cách mạng lịch sử này đã thay đổi cho số phận của bà, của gia đình bà, và cho số phận của hàng chục triệu người Việt Nam – từ người dân của một nước thuộc địa nửa phong kiến, trở thành người dân của một nước độc lập, tự do và dân chủ. Bởi vậy, mỗi khi nhắc về Cách mạng Tháng Tám, bà lại rưng rưng, "Cách mạng Tháng Tám là mật ngọt, là nguồn sống của đời tôi".

Nhà văn Nguyệt Tú: “Cách mạng là mật ngọt, là nguồn sống của đời tôi” - Ảnh 9.

Hai cuốn truyện ký của nhà văn Nguyệt Tú được xuất bản năm 2016 (Đi và nhớ) và tái bản năm 2017 (Chuyện tình chính khách Việt Nam)

Những tháng ngày mật ngọt, nguồn sống đó cũng chính là chất liệu cho hàng loạt các tác phẩm văn học của bà: "Lớn lên với thôn xóm" (NXB Phụ nữ, 1968); "Chị Minh Khai" (NXB Phụ nữ, 1974); "Chị Lê Thị Riêng" (NXB Phụ nữ, 1986); "Nguyễn Phan Chánh" (NXB Khoa học Xã hội, 1996); "Những mẩu chuyện Bác Hồ với thiếu nhi và phụ nữ" (NXB Hội Nhà văn, 2002)…

Ghi nhận những đóng góp của nhà văn Nguyệt Tú đối với sự nghiệp cách mạng và xây dựng đất nước, năm 2009, bà đã được Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba.