Nhờ ơn Bác Hồ thoát khỏi kiếp nô lệ vào “thần quyền”, người phụ nữ dành 15-20 triệu đồng mỗi năm để làm việc thiện

Sống trong cảnh nhà có tới 7 bát hương và hễ có bất cứ việc gì xảy ra đều đi tìm thầy đồng xem bói, chị Phùng Thị Huyền (SN 1980, trú tại phường Quang Trung, TX. Sơn Tây, Hà Nội) đã nhiều năm kiên trì, bền bỉ thuyết phục gia đình 'bỏ cũ, xây mới', thực hiện đúng như lời dạy của Bác về xây dựng đời sống mới. Và khi đường tâm linh đã thông, gia đình chị trở nên hòa thuận, nhanh chóng ổn định cuộc sống, mua được nhà riêng, số tiền mà trước đó dùng đi xem bói, hóa vàng mã nay được dùng để làm từ thiện với mỗi năm lên tới từ 15 - 20 triệu đồng.

Sinh ra ở làng quê chỉ thờ một bát hương và thờ Tổ quốc

Chị Huyền có gốc là người làng Tri Lai, một làng quê nghèo của huyện Ba Vì (Hà Nội) được gọi là "Tri Lai ăn khoai cả vỏ" vì khoai ở đây rất ngon và ngọt, cộng thêm cái đói, cái nghèo nên mới có câu như vậy. Nhưng nơi đây lại có một điều rất đặc biệt, người làng chỉ truyền đời thờ một bát hương, cốt trong bát hương bằng cát đãi sạch phơi khô, bên trên bàn thờ thường treo dòng chữ "Tổ Quốc là trên hết". Sau ngày đất nước được độc lập thì nhiều nhà treo cuốn thư có in ảnh Bác và dòng chữ "Không có gì quý hơn độc lập tự do". Việc thờ Tổ quốc cũng có nguyên do vì trước đây vùng đất này từng là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng hoạt động bí mật.

Dưới chị Huyền còn có 2 em trai, vì nhà thuộc diện nghèo nhất làng, bố mẹ phải 'đầu tắt mặt tối' để kiếm sống, không có thời gian bảo ban con cái, nên khi lên 5 tuổi chị Huyền đã phải nấu cơm và chăm hai em. Tuy cuộc sống gia đình chị vất vả như vậy nhưng không lúc nào thiếu những lời ca tiếng hát từ bố truyền cho các con và từ ông nội truyền cho các cháu về những ca khúc cách mạng, những vở kịch, chèo, cải lương như Tống Trân - Cúc Hoa, Lưu Bình - Dương Lễ, Tắt Đèn... mà ông nội thường biểu diễn cho dân làng xem mỗi khi họ thu hoạch mùa màng về.

Lớn lên trong bối cảnh làng quê đó nên chị Huyền sớm vun đúc trong mình tình yêu gia đình, yêu quê hương và các danh nhân đất nước, trong đó đặc biệt là Bác Hồ. Bởi vậy, cứ mỗi khi vào dịp sinh nhật Bác, các ngày lễ lớn của đất nước, chị Huyền lại rưng rưng nước mắt mỗi khi nghe hát về Bác và các ca khúc cách mạng được phát ra từ loa phóng thanh ở đầu làng.

Cảnh nhà nghèo khó, không thể nuôi lớn ước mơ làm cô giáo nên sau khi tốt nghiệp cấp 3  chị Huyền đi làm 1-2 năm để phụ cha mẹ nuôi hai em và lập gia đình sớm ở tuổi 20. Rời Ba Vì đến thị xã Sơn Tây làm dâu, chị Huyền không mang gì ngoài lời dạy của cha mẹ, "Sống ở trên đời cốt phải giữ lấy tính 'thật thà".

Nhờ ơn Bác Hồ thoát khỏi kiếp nô lệ vào “thần quyền”, người phụ nữ dành 15-20 triệu đồng mỗi năm để làm việc thiện - Ảnh 1.

Chị Huyền và chồng (thời điểm làm lễ ăn hỏi) cùng hai em trai.

Mẹ chồng dạy: "Phải chịu khó đi lễ kêu cầu sức khỏe, tài lộc, con cái"

Gia đình nhà chồng chị Huyền thường có thói quen đi lễ bái vào các ngày mùng một, ngày rằm, vào hè, ra hè, đầu năm, cuối năm,... Thậm chí, có khi chỉ một việc nhỏ xảy ra ngoài ý muốn, gia đình lục đục là mọi người lại đi xem cô đồng bói như thế nào, rồi sắp lễ cúng giải. Sống trong cảnh có nhiều điều vô lý như vậy, nên mỗi khi mẹ chồng bảo chở đi lễ, bảo đội bát hương, bán khoán cho cháu nội… chị đều tìm cách từ chối. Thấy chị không nghe theo, bà có giải thích với con dâu, "Phải chịu khó đi lễ kêu cầu sức khỏe, tài lộc, con cái thì cả nhà mới mạnh khỏe, con cái mới ngoan ngoãn, làm ăn mới phát đạt", nhưng chị vẫn không thuận thì bà đành phải tự đội bát hương thay con dâu và tự bán khoán cho cháu nội ở nhà một cô đồng. Ngoài ra, vào những dịp nhà có giỗ, theo ý mẹ chồng, chị phải đi mua rất nhiều đồ vàng mã như: quần áo, mũ, mã, tiền vàng, nhà lầu, nón, mũ, gậy ba toong,... về hóa cho các cụ và người đã khuất.

Với lối sống tâm linh như vậy, trung bình mỗi năm gia đình nhà chồng phải mất ít nhất từ khoảng 60 - 100 triệu đồng thì mới được cô thương, cô cho hầu một vài giá trong 36 giá hầu. Không chấp nhận cảnh này và lo rằng sẽ ảnh hưởng tới con cái, nên sau đó vợ chồng chị Huyền chuyển ra nhà dì ruột sinh sống. Vì dì không lập gia đình, nên khi vợ chồng chị về ở, bà đã bàn giao cho nhà chị toàn quyền ở nhà đó (bao gồm cả việc thờ cúng). Thời điểm này, chồng chị Huyền vẫn tín tin ở thầy nên anh đã nhiều lần mời thầy cúng đến bốc bát hương với tổng số bát lên tới 7: Thổ Công, ông ngoại, bà ngoại, bà cô tổ, bác liệt sỹ, con của em trai chồng (thầy đồng nói hợp căn nên phải thờ) và một bàn thờ ông Thần Tài ở tại cửa hàng. Không chỉ dừng lại ở đó, thực hiện niềm tin tín ngưỡng của mình, anh thường giấu vợ theo hầu các thầy nổi danh. Khi bị chị phát hiện, hai vợ chồng xảy ra cãi cọ. 

"Hòa thượng Thích Thanh Tứ (1927 - 2011), nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam, từng cho biết, kinh Phật không đề cập việc "cúng sao" có thể "giải được hạn". Bởi theo kinh Phật, không có thần thánh nào gây vận hạn cho con người, tất cả là do con người tạo ra, gieo nhân nào sẽ gặp quả nấy, muốn được phúc thì phải làm phúc, không phải cầu xin là được." (Ngăn chặn tệ mê tín dị đoan, Báo Nhân Dân).

Cũng bởi sống trong cảnh đó, nên khi sinh cháu đầu (tháng 12/2000), chị Huyền bị trầm cảm và cân nặng giảm từ 51kg xuống còn 36kg. "Từ 2000 - 2002, tôi đang còn đi làm thuê, đồng lương ít ỏi khiến cho cuộc sống của hai vợ chồng và một con nhỏ trở nên rất vất vả. Trong khi đó, chồng lại cứ phải đi lễ với hầu thầy khiến cảnh nhà lâm vào sự túng quẫn, bế tắc", chị Huyền tâm sự.

Uống cả vốc Panadol và kháng sinh để tự tử

Chuyển ra ở riêng được gần 3 năm, năm 2003, chị Huyền bàn với chồng nghỉ đi làm thuê để mở cửa hàng in quảng cáo. Thời điểm ấy, một đồng vốn trong tay cũng chẳng có, chị may mắn được người dì ruột cho tiền vay để mua máy tính, máy in, còn chiếc bàn và ghế để khách ngồi giá 25.000 đồng/chiếc anh chị phải xin chịu nợ và trả dần. Cửa hàng mới mở nên những ngày đầu rất thưa khách vì không ai biết đến, hơn nữa kế đó còn có mấy hiệu in rất lớn và đã mở lâu lắm rồi.

Nhưng với phương châm kinh doanh, "Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi. Nếu khách không hài lòng với sản phẩm, cửa hàng sẵn sàng sửa lại và không tính công", chị Huyền chia sẻ. Cộng thêm sự nỗ lực, bởi vậy, chỉ đến năm 2006, cửa hàng của vợ chồng chị trở nên đông khách, từ những người dân cho tới các cơ quan đoàn thể đều ưu ái, tạo điều kiện công việc cho cửa hàng của chị. Cuộc sống tạm thời đang trên đà đi lên nhưng cái tư tưởng lạc hậu và những hủ tục vẫn bám theo gia đình chị, chồng chị một người chăm chỉ làm việc, nhưng hay bị lôi cuốn bởi các đồng thầy. Do vậy, có tiết kiệm được chút nào đều bị tiêu vào tệ mê tín dị đoan.

Trong cảnh chị suốt ngày lam lũ, hết chăm con lớn lại chăm con bé (sinh năm 2004) thì anh lại suốt ngày theo hầu thầy, đến nỗi có thời điểm bỏ vợ con, công việc cả tuần để theo thầy. Bất lực trước tình cảnh đó, cộng thêm ảnh hưởng của chứng trầm cảm sau sinh, chị Huyền rơi vào trạng thái bế tắc đến tột cùng.

"Khi đó, trời đã vào đêm, nhân khi chồng và hai con đang ngủ say, tôi nhẹ tay bóc từng viên thuốc Panadol, kháng sinh từ vỉ này đến hết vỉ khác và cầm cả vốc thuốc trong tay đó cho thẳng vào mồm. Thời khắc này, tôi cũng như biết bao người mẹ khác, trước đi từ giã cõi đời thì đều muốn ngắm nhìn lại những đứa con thân yêu của mình. Trong giây phút sau cuối này, mọi thứ đều trở nên tĩnh lặng đến lạ thường, tôi thấy các con trong giấc ngủ hệt y những thiên thần, từng cái cựa tay, khuôn mặt non nớt trông thật đáng yêu biết bao. Tôi liền nghĩ, 'Tội quá nhỉ? Nếu mình chết như thế này thì các con sẽ ở với ai? Trường hợp bố đi bước nữa thì cuộc sống của các con sẽ như thế nào?'… Và chính những câu tự vấn đó đã đánh động lương tâm của một người mẹ trong tôi, tôi liền nhổ số thuốc chưa kịp nuốt ra, trở lại cuộc sống để chăm sóc, làm chỗ dựa cho các con".

Chị Phùng Thị Huyền

Mặc dù chuyện này đã diễn ra hơn một thập kỷ, nhưng giờ nhớ lại chị Huyền cũng không tránh khỏi cảm giác rùng mình và trách tại sao mình lại có suy nghĩ, hành động dại dột như vậy, vì suy cho cùng mọi chuyện đều có cách giải quyết.

Nhờ ơn Bác Hồ thoát khỏi kiếp nô lệ vào “thần quyền”, người phụ nữ dành 15-20 triệu đồng mỗi năm để làm việc thiện - Ảnh 4.

Dì ruột và 3 người con (khi còn nhỏ) của vợ chồng chị Huyền.

Cơ duyên để bứt phá, quyết đi theo đường lối của Bác

Tình trạng trên tiếp tục kéo dài cho đến nhiều năm sau, mặc dù đã nhiều lần phân tích để chồng hiểu việc lễ bái để cầu hạnh phúc là không có sơ sở, nhưng anh vẫn chưa thể nào thoát khỏi bến mê. Chỉ đến khi, nhiều biến cố liên tiếp xảy đến gia đình vào khoảng tháng 5/2011, con thứ 3 bị ốm nặng và phải nhập Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu (quận Đống Đa), chồng chị vốn thường rất cẩn thận nhưng lại để quên và mất khoảng gần 11 triệu đồng cùng nhiều giấy tờ quan trọng trên xe taxi... đã tạo cho anh chị một cơ hội để bứt phá khỏi những xiềng xích của chiếc gông 'thần quền'.

Đúng cái ngày gia đình chị cho con thứ 3 đi bệnh viện cấp cứu thì có bà Phùng Thị Hiền, người ở cách nơi anh chị ở vài km đến thăm nhà. Thấy tình trạng nhà anh chị có thờ cúng nhiều bát hương, nên ít lâu sau bà có chia sẻ với quan điểm xây dựng đời sống mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Theo Bác, đời sống mới bao gồm cả đạo đức mới, lối sống mới và nếp sống mới. Trong đó, lối sống mới là lối sống có lý tưởng, có đạo đức, văn minh, tiên tiến, kết hợp hài hòa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hóa của nhân loại. Bên cạnh đó, Bác nhấn mạnh, ngoài việc kế thừa chúng ta còn phải biết phát triển cải tạo những phong tục tập quán cũ lạc hậu, bổ sung những cái mới tiến bộ mà trước đó chưa có". Khi quy chiếu vào những lời trên, bà Hiền cho biết vợ chồng chị Huyền vẫn chưa thực hiện đúng theo đường lối đổi mới của Bác như việc trong nhà thờ rất nhiều bát hương, hay xem bói, có thói quen đốt hàng mã vào nhiều dịp lễ trong năm gây lãng phí, gửi gắm niềm tin vào những điều hoang đường không có cơ sở, để rồi trở thành nạn nhân của những đối tượng "buôn thần bán thánh" (những thầy tướng, thầy bói, cô đồng...) có hành vi lừa bịp, trục lợi.

Lắng nghe những chia sẻ của bà Hiền, màn sương mờ của sự u mê trong đầu chồng chị Huyền cũng dần dần được hạ, để rồi sau buổi trò chuyện này, hai vợ chồng chị Huyền tìm được sự thống nhất trong việc thực hành tín ngưỡng: chuyển từ thờ cúng 7 bát hương sang thờ 1 bát hương như quê nhà của chị; không cúng đốt vàng mã; không dâng sao giải hạn; không xem ngày tốt xấu; anh dừng hẳn việc đi xem bói, hầu thầy...

Nhờ ơn Bác Hồ thoát khỏi kiếp nô lệ vào “thần quyền”, người phụ nữ dành 15-20 triệu đồng mỗi năm để làm việc thiện - Ảnh 3.

Nhờ ơn Bác Hồ thoát khỏi kiếp nô lệ vào “thần quyền”, người phụ nữ dành 15-20 triệu đồng mỗi năm để làm việc thiện - Ảnh 4.

Gia đình chị Huyền thay đổi việc thờ cúng theo quan điểm xây dựng đời sống mới của Bác Hồ.

Nhờ ơn Bác Hồ thoát khỏi kiếp nô lệ vào “thần quyền”, người phụ nữ dành 15-20 triệu đồng mỗi năm để làm việc thiện - Ảnh 5.

Tiền sau khi thắp hương xong, vợ chồng chị Huyền bỏ vào hòm dùng để làm từ thiện.

Số tiền mà trước đó dùng vào những việc làm trên, thì giờ đây mỗi khi thắp hương anh chị đều dùng tiền mặt và khi hạ lễ thì đều cho vào hòm sắt ngay dưới ban thờ. Mỗi năm thực hiện như vậy, trung bình anh chị tích lũy được từ 15 - 20 triệu đồng và đều dùng toàn bộ để làm từ thiện như việc: Tri ân ngày thương binh liệt sỹ 27/7, Ủng hộ quỹ khuyến học của địa phương; Ủng hộ người dân vùng thiên tai bão lũ; Ủng hộ gia đình chính sách, gia đình có nạn nhân chất độc màu da cam, tết vì người nghèo...

Cũng kể từ đó, gia đình chị Huyền trở nên hạnh phúc, anh chị chí thú vào làm ăn, ít lâu đủ tiền mua căn nhà mặt phố, mua được xe ô tô riêng, bệnh đau đầu kinh niên của chị cũng không thấy xuất hiện nữa, con út cũng không còn ốm đau, cháu lớn không còn nghịch ngợm mà trở thành học sinh giỏi của lớp và mới đây cháu đỗ vào Đại học Bách khoa Hà Nội. 

"Việc cháu đỗ vào Đại học Bách khoa Hà Nội cũng là một điều kỳ tích, vì trước đó cháu rất lười học, thậm chí còn đánh nhau với cả bạn học. Nhưng sau cùng, kể từ ngày hiểu ra câu chuyện của mẹ, cháu đã học ngày học đêm để có được thành quả trên và để tôi được tự hào vì là người đã cho cháu cuộc sống".

Chị Huyền xúc động nói

Nhờ ơn Bác Hồ thoát khỏi kiếp nô lệ vào “thần quyền”, người phụ nữ dành 15-20 triệu đồng mỗi năm để làm việc thiện - Ảnh 6.

Gia đình chị Huyền kỷ niệm 20 năm ngày cưới (20/3/2000 - 20/3/2020)

Nhờ ơn Bác Hồ thoát khỏi kiếp nô lệ vào “thần quyền”, người phụ nữ dành 15-20 triệu đồng mỗi năm để làm việc thiện - Ảnh 7.

Chị Huyền được trao Giải Đặc biệt tại Hội nghị Biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu 5 năm (2015-2020)

Nhìn thấy những thay đổi tích cực từ phía gia đình chị Huyền kể từ ngày đổi mới theo đường lối của Bác Hồ, các gia đình bên chồng của chị Huyền cũng thay đổi theo và gặt hái được những kết quả tích cực.

Từ câu chuyện của mình, chị Huyền cũng hiểu được phần nào những bi kịch của người phụ nữ không may trở thành nạn nhân của tệ 'mê tín dị đoan', để rồi từ đó vợ chồng chị đã mở cửa hàng "Đồ thờ thế kỷ 21". Cửa hàng này không đặt mục đích kinh doanh là chính, mà quan trọng hơn là giúp mọi người hiểu thêm về việc thờ cúng, thực hành tín ngưỡng một cách đúng đắn như những gì mà chị đã được tiếp nhận từ quan điểm xây dựng đời sống mới của Bác Hồ: "Nếu mỗi người đều tốt, thì thành làng tốt, nước mạnh... Nếu mọi người đều cố gắng làm đúng Đời sống mới, thì dân tộc nhất định sẽ phú cường... Ai cũng làm như thế, thì tự nhiên nước Việt Nam ta trở nên một nước mới, một nước văn minh".

Nhờ ơn Bác Hồ thoát khỏi kiếp nô lệ vào “thần quyền”, người phụ nữ dành 15-20 triệu đồng mỗi năm để làm việc thiện - Ảnh 8.

Bà Khuất Thị La, Chủ tịch Hội LHPN phường Quang Trung (ngoài cùng, bên phải) đến dự buổi khai trương cửa hàng Đồ thờ thế kỷ 21 của gia đình chị Huyền

Ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của chị Huyền trong xây dựng đời sống gia đình và xã hội, bà Khuất Thị La, Chủ tịch Hội LHPN phường Quang Trung (TX. Sơn Tây) cho biết, "Trong gia đình, chị Huyền đã phát huy được vai trò của người phụ nữ trong việc nuôi dạy con ngoan, quán xuyến cuộc sống gia đình, phụng dưỡng cha mẹ già. Đối với hoạt động kinh doanh, chị là một người phụ nữ năng động, cùng chồng để phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm cho một số lao động trên địa bàn. Đối với hoạt động xã hội, chị là người phụ nữ có trách nhiệm, có tâm trong các hoạt động nhân đạo được thực hiện ở địa phương. Với hoàn cảnh đó nên hai năm liền (2018, 2019) gia đình chị Huyền đều được bình chọn là gia đình văn hóa tiêu biểu trên địa bàn".