Không cha mẹ nào muốn bỏ con mình, nhưng nhiều bậc cha mẹ ở Philippines lại không còn lựa chọn nào khác, đành phải để con ở lại quê nhà đến nơi "đất khách quê người" tìm kế sinh nhai.
Theo Cơ quan Thống kê Philippines ước tính, năm ngoái có khoảng 2,2 triệu người Philippines đã làm việc ở nước ngoài vì không thể kiếm đủ tiền ở quê nhà. Đa số là phụ nữ, nhiều người hy vọng sẽ cho con mình một tương lai tốt đẹp hơn.
Ở nước ngoài, họ làm những công việc như y tá, nhân viên khách sạn, bảo mẫu hoặc người dọn dẹp. Việc có thu nhập tốt cũng đi kèm với chi phí cá nhân cao. Ngoài ra, những bà mẹ ra nước ngoài làm việc có thể để lỡ toàn bộ thời gian nuôi dạy con ở những năm tháng đầu đời. Nhiều năm sau khi quay lại, đôi khi mối quan hệ mẹ con vẫn bị ảnh hưởng và xa cách.
Tại Hồng Kông (Trung Quốc), đại đa số người Philippines di cư làm người giúp việc, nuôi con của chủ nhà.
"Thằng nhóc không biết gì về mẹ nó. Khi trở về, con đã có thể nói, có thể chạy, nhưng tuyệt nhiên không nhận ra mẹ".
Dolores, một bà mẹ người Philippines có con nhỏ đã chọn đến Hồng Kông (Trung Quốc) làm việc
Dolores, một bà mẹ có con nhỏ đã chọn đến Hồng Kông làm việc cho biết số lần cô nhìn thấy đứa con trai bảy tuổi chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Cô để cậu bé sống với bà ngoại ở Philippines khi mới 6 tháng tuổi. Cô trở lại làm việc ở Hồng Kông để kiếm tiền nuôi cháu gái và các thành viên khác trong gia đình. Chồng cô cũng làm việc ở nước ngoài.
Thời gian nghỉ phép không có, tiền đi du lịch cũng không, Dolores không thể gặp lại con trai cho đến khi cậu bé được hai tuổi rưỡi. Dolores nói: "Thực sự rất khó để chọn, nhưng tôi thực sự không có cách khác".
Những năm đầu tiên, mỗi tuần Dolores chỉ có thể trả phí cho hai cuộc điện thoại, vì gia đình cô không có kết nối Internet ở nhà. Cô thường gọi điện vào đêm khuya sau khi hoàn thành công việc, chỉ để nghe tiếng con trai bi bô.
Mọi thứ đã trở nên dễ dàng hơn trong những năm qua. Giờ đây, gia đình cô có thể truy cập Internet và gọi video cho nhau ba lần một ngày. Tuy nhiên Dolores vẫn lo lắng: "Làm thế nào tôi có thể nuôi dưỡng con mình, khi cậu bé đang ở Philippines? Khi con đi học về, tôi không thể cùng con làm bài tập về nhà".
Hai năm trước, khi con trai cô nhập viện. Cả Dolores và chồng đều không thể trở về nhà và chỉ có thể nói chuyện với con qua điện thoại sau khi ca phẫu thuật kết thúc.
Cô nói: "Tôi cảm thấy thật nặng nề vì tôi không thể ở cạnh khi con tiến hành phẫu thuật. Chúng tôi đã khóc. Khi con phải chịu đau đớn, chúng tôi không thể an ủi. Gọi điện thoại hỏi thăm cũng không giúp chúng tôi dễ chịu hơn".
Ở Philippines, tỷ lệ sinh cao đã khiến lực lượng lao động tăng nhanh hơn. Do đó, nhiều người không có việc làm. Thất nghiệp đã đẩy nhiều người ra nước ngoài tìm kế sinh nhai.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, ở Hồng Kông có gần 400.000 lao động giúp việc gia đình, phần lớn là phụ nữ đến từ Philippines. Họ được trả ít nhất 600 đô la (khoảng hơn 13 triệu đồng) một tháng, cao hơn nhiều so với mức lương trung bình ở Philippines khoảng 213 đô la (khoảng 4,6 triệu đồng). Chưa kể tình trạng này kéo dài trong nhiều thập kỷ đã đẩy hơn một triệu người Philippines rời quê hương ra nước ngoài làm việc mỗi năm.
"Lớn lên mà không có mẹ là một điều vô cùng khó khăn. Tôi muốn con gái tôi, Phoebe lớn lên trong một gia đình hoàn chỉnh. Một cuộc sống đơn giản cũng không sao miễn sao chúng tôi là một gia đình sống cùng nhau".
Francis Tumpalan, con của một bà mẹ người Philippines ra nước ngoài làm việc
Thu nhập này là sự rất cần thiết, không chỉ cho việc học hành của trẻ em, mà còn cho các nhu cầu quan trọng khác như chi phí y tế hoặc phục hồi sau thiên tai. Tuy nhiên, cuộc di cư của người lao động Philippines cũng khiến hàng triệu trẻ em không thể sống cùng cha mẹ ở quê nhà.
Mẹ của Francis Tumpalan bỏ ra nước ngoài làm việc lúc cậu mới bốn tuổi. Tuổi thơ của Tumpalan được ông bà ngoại nuôi nấng và thường xuyên mặc đồng phục nhăn nhúm đến trường.
Tumpalan hiện đã 22 tuổi, cho biết mẹ cứ 2 năm lại về một lần. Tuy nhiên, tâm trạng anh buồn vui lẫn lộn. Anh luôn có cảm giác như "sống trong giấc mộng" vì biết mỗi lần về mẹ không thể ở lâu được.
Hy sinh của mẹ đã mang lại cơ hội học tập cho anh. Tumpalan đã vào đại học, nhưng anh lại không dành nhiều thời gian cho việc học và đã bỏ học trước khi tốt nghiệp.
Anh hiện đã có một cô con gái nhỏ Phoebe; còn mẹ anh vẫn làm việc ở Hồng Kông. Hai mẹ con nói chuyện hàng đêm, trao đổi nhiều chuyện trong cuộc sống hằng ngày. Điều này đã khiến cả hai thêm gần nhau hơn và giúp anh hiểu tại sao mẹ lại ra đi nhiều năm trước.
"Những hy sinh của mẹ đã chu cấp nhiều thứ cho tôi. Nhưng mơ ước của tôi là mẹ sẽ trở về nhà. Tôi hy vọng rằng một ngày nào đó tôi cũng có thể cho mẹ một cuộc sống tốt hơn", anh nói.
Tumpalan hy vọng có thể kiếm đủ tiền từ xưởng ô tô cùng và cửa hàng nhỏ của vợ để cả hai trụ lại quê nhà, và giúp mẹ anh tiết kiệm tiền cho việc trở về Philippines khi bà không còn phải gửi tiền cho anh.
Bất chấp tỷ lệ thất nghiệp cao đối với sinh viên tốt nghiệp, nhiều người Philippines vẫn tin rằng giáo dục đại học có thể giúp đưa con cái họ thoát khỏi đói nghèo. Nhưng thực tế cho thấy đó là một giấc mơ đắt giá.
Các trường công lập với mức học phí phù hợp hay thường xuyên bị thiếu vốn, vì vậy nhiều phụ huynh cố gắng gửi con em mình đến các trường tư thục đắt tiền, có nguồn lực tốt hơn.
Học phí đại học có thể lên tới 6.600 USD (gần 153 triệu đồng) một năm, vượt xa tầm với của hàng triệu người Philippines. Nhiều người lao động nhập cư chấp nhận làm việc cả thập kỷ ở nước ngoài để tiết kiệm cho con cái vào cánh cửa đại học.
Nhưng không có gì đảm bảo rằng bằng cấp có thể mang lại thành công và ổn định, như nhiều bậc cha mẹ hy vọng. Nhiều người lao động ra nước ngoài để đạt được ước mơ của thế hệ này đã có bằng tốt nghiệp trung học và bằng đại học, điều này giúp ích rất ít cho thị trường việc làm. Ngay cả Tổng thống Philippines, ngài Rodrigo Duterte cũng thừa nhận những khó khăn này đã đẩy người lao động ra nước ngoài trong bài phát biểu năm 2019, nói rằng một trong những ưu tiên hàng đầu của ông là cung cấp "cơ hội làm việc và sinh kế bền vững ở đất nước".
Theo tìm hiểu, Catalina Magno và chồng đều mất việc làm vào năm 2001. Chứng kiến số tiền tiết kiệm của họ cạn kiệt sau nhiều tháng, khó khăn để chu cấp cho hai con trai, Magno tìm được một công việc ở Hồng Kông và để 2 con mới một và bốn tuổi ở lại với cha chúng.
Trong những năm qua, khi con trai cô lên sáu, cậu bé rất hay thắc mắc về mẹ mình và hỏi tại sao mẹ không có ở nhà. Con trai cô hiện đã 21 và 23 tuổi. Cả hai đều vào đại học, theo học ngành kỹ thuật, như hy vọng cua Magno nhưng đã bỏ học trước khi tốt nghiệp. Magno đã rất suy sụp "Lúc đầu, tôi không tin điều đó. Điều này thật sự rất khó chấp nhận".
Cô không biết tại sao 2 con lại bỏ học. Mối quan hệ của cô với các con trai vẫn rất xa cách vì khoảng cách đại lý bấy lâu nay. Khi được hỏi liệu cô có đến Hồng Kông nhiều năm trước không nếu biết con trai mình sẽ không học xong đại học, cô ngay lập tức trả lời là không. Cô nói rằng mục tiêu duy nhất khi ra nước ngoài làm việc là để kiếm tiền cho hai con trai học đại học.
Bên cạnh sự hy sinh to lớn về mặt tinh thần, người lao động Philippines tại Hồng Kông cũng thường xuyên phải đối mặt với những điều kiện sống và làm việc khắc nghiệt, đôi khi là nguy hiểm.
Người giúp việc bắt buộc phải sống trong nhà của người sử dụng lao động hợp pháp - một quy tắc mà nhiều nhà hoạt động xã hội cho rằng trong những trường hợp này, phụ nữ có thể bị bóc lột hoặc lạm dụng.
Một cuộc khảo sát với 5.023 người giúp việc nhà vào năm 2019 cho thấy 15% đã bị lạm dụng thể chất trong quá trình làm việc và 2% cho biết bị tấn công hoặc quấy rối tình dục. Gần một nửa cho biết họ làm việc hơn 16 giờ một ngày bởi vì Hồng Kông không có luật về giờ làm việc tối đa mỗi ngày hoặc một tuần.
Ngoài ra, còn có các phàn nàn khác bao gồm không đủ thức ăn, không có giường thích hợp hoặc không gian riêng tư vào ban đêm cũng như bị yêu cầu làm việc vào những ngày nghỉ. Nhưng đối với một số người, phần khó nhất của công việc là phải xa con cái của họ.
* Mẹ của Vivien Leigh Ortiz
Khi còn nhỏ, Vivien Leigh Ortiz luôn đố kỵ với các bạn cùng lớp. Tất cả đều có mẹ đã tham dự các sự kiện do trường tổ chức và mua cho quần áo đẹp. Mẹ của Ortiz ra nước ngoài làm việc khi cô bé mới 5 tuổi. Cô được cha nuôi dưỡng.
Khi lớn lên, cô quen với sự vắng mặt của mẹ, nhưng lòng đố kỵ thời thơ ấu đã chuyển thành sự nổi loạn của tuổi mới lớn. Khi mẹ cô gửi tiền về nhà để mua sắm, Ortiz thường dành số tiền đó cho đồ ăn và thức uống cho bạn bè.
Mẹ cô đã trả chi phí học đại học, nhưng Ortiz không nỗ lực nhiều cho việc học. Cô đã thay đổi chuyên ngành bốn lần, có lần bỏ học, và mất tám năm để hoàn thành bằng giảng dạy và giáo dục.
Khi lớn lên, kết hôn và có ba đứa con, Ortiz mới cảm thấy hối tiếc về tất cả thời gian và tiền bạc mà mình đã lãng phí. Cô nói: "Khi làm mẹ, tôi nhận ra những hy sinh của mẹ mình. Tôi thương mẹ nhiều hơn vì người mẹ khó có thể chịu được nỗi xa con ".
Nhiều thập kỷ sau, mẹ cô vẫn làm việc ở Hồng Kông.
Quyết tâm không để sự vất vả của mẹ trôi qua lãng phí, Ortiz đang theo học thạc sĩ giáo dục tại Philippines, với sự hỗ trợ tài chính từ mẹ. Cô hy vọng nó sẽ giúp cô tìm được một công việc giảng dạy ở nước ngoài và kiếm đủ tiền để mang lại cho con mình những cơ hội lớn hơn như những gì mẹ cô đã làm. Ngay cả khi không thể ra nước ngoài, việc học thạc sĩ vẫn có thể giúp Ortiz có công việc tốt hơn ở Philippines.
Ortiz biết rằng việc ra nước ngoài có thể khó khăn đối với các con, nhưng cô chia sẻ đã ly thân với chồng năm ngoái nên mọi thứ đã khác. Cô nói: "Tôi là một bà mẹ đơn thân với 3 đứa con nhỏ và chúng cần tiền. Tôi muốn cho các con một cuộc sống tốt hơn".
* Mẹ của Allyn Alcala Frades
Allyn Alcala Frades mắc nợ nặng nề sau khi tốt nghiệp đại học. Cô muốn trở thành giáo viên, nhưng không thể tìm được một công việc lương cao ở quê nhà Philippines và không đủ khả năng nuôi hai đứa con vì cô là mẹ đơn thân.
Vì vậy, hai năm trước, cô theo người nhà đến Hồng Kông làm việc. Công việc của cô là dọn phòng, nấu ăn và chăm sóc trẻ.
"Tôi có thể cho con điều gì nếu không có tiền? " Frades, 35 tuổi nói. Hai con trai sinh đôi của cô mới 10 tuổi, nhưng cô muốn chúng có nhiều lựa chọn, chứ không phải giống như cô, anh chị em họ và chị gái cô, những người phải rời bỏ quê hương đến làm việc ở Hồng Kông.
Cô ấy gửi về nhà ít nhất 10.000 peso (khoảng 4.700.000 đồng) mỗi tháng, khoảng một phần ba mức lương tối thiểu hàng tháng của cô.
"Có lẽ nếu tôi có thể tiết kiệm tiền đủ cho tương lai của con, các sẽ không cần phải đến các nước khác để làm việc" cô nói. "Nếu lập gia đình, chúng cũng có thể ổn định được".
Cô gọi video cho 2 con hàng tuần, nhắc 2 cậu nhóc đánh răng và ăn rau. Tuy nhiên, cô vẫn cảm thấy có lỗi vì không thể đưa con đến trường hoặc nấu ăn cho con, điều mà một người mẹ thường làm ở Philippines.
* Mẹ của Israel Manuel
Khi Israel Manuel được hai tuổi thì mẹ anh ra nước ngoài làm việc, đầu tiên là làm việc ở Singapore sau đó ở Hồng Kông.
Anh được cha và ông bà nuôi dưỡng. Mặc dù cách xa mẹ, nhưng anh luôn cảm nhận được sự gắn kết giữa mình và mẹ. Anh thường dành thời gian bên mẹ trong những lần về thăm nhà hàng năm. Khi mạng xã hội trở nên phổ biến, họ gọi cho nhau mỗi ngày.
Mẹ của Manuel đóng một vai trò tích cực trong cuộc sống của anh. Bà hướng dẫn anh theo đuổi việc học thay vì trò chơi điện tử ở trường trung học. Và cuối cùng Manuel đã vào đại học, và hiện là sinh viên ngành tội phạm học.
Trong suốt thời thơ ấu, mẹ hay gửi quần áo mới và đồ chơi như tượng người lính và mô hình ô tô nhỏ cho anh. Năm nay, bà đã mua cho anh một chiếc xe máy, như một món quà cho người con ngoan. Manuel, hiện 20 tuổi, nói: "Tôi cảm thấy rằng đó là cách mẹ khiến tôi cảm nhận được tình yêu thương". Anh cũng hy vọng mẹ sẽ trở về nhà khi hợp đồng công việc hiện tại kết thúc.