Nhắc tới huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, người ta thường nghĩ ngay đến những cung đường quanh co, những núi đá tai mèo nhấp nhô, đến cánh đồng hoa tam giác mạch nhuộm hồng cao nguyên đá, hay những thửa ruộng bậc thang trải dài theo sườn núi. Nhưng đằng sau cảnh sắc hữu tình đó, là những bóng dáng những phụ nữ dân tộc Mông cần cù, nhẫn nại đang âm thầm góp phần giữ lửa nghề truyền thống và đồng hành trong hành trình xóa nghèo, vươn lên khẳng định những giá trị của người phụ nữ.
Đón chúng tôi tại cổng vào của Dinh thự Họ Vương – một điểm dừng chân không thể bỏ qua của du khách khi tới thôn Sà Phìn, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, anh Hầu Mí Say, Chủ tịch UBND xã Sà Phìn cho biết: Sà Phìn là vùng đất khô cằn. Khí hậu khắc nghiệt khiến đồng bào Mông gặp nhiều khó khăn trong canh tác nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trước đây, Sà Phìn là địa bàn thường xuyên xảy ra một số vụ án mua bán người, bắt cóc phụ nữ, trẻ em. Sà Phìn cũng từng là điểm nóng của nhiều vấn nạn như tảo hôn, bạo hành gia đình…
Những năm gần đây được sự quan tâm của các cấp, ban, ngành, địa phương, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, các đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội như Hội LHPN, đời sống của bà con đã ngày một khấm khá, cuộc sống dần ấm no, hạnh phúc.
Từ khi xã Sà Phìn được quy hoạch, phân khu để phát triển du lịch, xã đã hướng dẫn các nhóm hộ thành lập các hợp tác xã (HTX) để giữ nghề truyền thống, tạo công ăn việc làm cho bà con. HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp thôn Sà Phìn A còn được biết đến với cái tên HTX Lanh Trắng là một trong những HTX tiêu biểu.
Cửa hàng giới thiệu sản phẩm của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp thôn Sà Phìn A (HTX Lanh Trắng) trước cổng vào Dinh thự Họ Vương, thôn Sà Phìn, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang
Vừa kể anh Hầu Mí Say vừa dẫn chúng tôi vào thăm cửa hàng giới thiệu sản phẩm của HTX nằm ngay trước cổng vào Dinh thự Họ Vương. Trò chuyện với những thành viên HTX, ít ai nghĩ, những người phụ nữ dân tộc Mông tự tin, chủ động đón khách ấy từng có những hoàn cảnh, nỗi niềm riêng. Tham gia vào HTX, họ đã thay đổi nhận thức và nỗ lực để khẳng định giá trị của bản thân.
Thoăn thoắt sắp xếp những chiếc khăn, chiếc túi đủ sắc màu lên kệ, chị Sùng Thị Sy (Phó giám đốc HTX Lanh Trắng) tâm sự: Người Mông chúng tôi có câu nói "Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu". Không ai nhớ nghề dệt lanh có từ bao giờ, phụ nữ Mông, từ tuổi thiếu nữ, đã được mẹ, bà truyền dạy nghề dệt, thêu. Từ trồng lanh đến nhuộm màu, từ quay sợi đến dệt vải – hơn 40 công đoạn thủ công tỉ mỉ để làm nên những sản phẩm dùng trong gia đình.
Trước cơn lốc của hiện đại hóa và dệt may công nghiệp, như bao nghề truyền thống khác, nghề dệt lanh của người dân xã Sà Phìn cũng từng đứng trước nguy cơ mai một. HTX Lanh Trắng ra đời, với mong muốn gìn giữ nghề truyền thống gắn liền với đổi thay xã hội.
Câu chuyện của chị Sùng Thị Sy đưa chúng tôi quay lại với những ngày tháng 3/2018, khi HTX được chị Vàng Thị Cầu thành lập với thành viên là 20 người phụ nữ từng là nạn nhân của bạo lực gia đình, buôn người, người khuyết tật hay thuộc hộ nghèo. Với gần 200 ha đất trồng lanh được cấp và nguồn vốn vay ít ỏi, HTX bắt đầu với quyết tâm vươn lên từ sợi lanh mảnh. Sau hơn một năm tham gia HTX, 100% thành viên ban đầu đã thoát nghèo.
Giờ đây, sản phẩm của HTX không chỉ có mặt tại các điểm du lịch trong tỉnh mà còn xuất khẩu sang nhiều nước như Hà Lan, Đức, Nhật Bản… Riêng với chị Sy, chị không chỉ có thu nhập ổn định, có thời gian trông coi nhà cửa, chăm sóc con cái mà còn vận động cả chồng tham gia HTX, làm các công việc nặng nhọc hơn như bê vác hoặc giao hàng.
Thu nhập ổn định từ dệt lanh trắng đã giúp chị Sùng Thị Sy và các thành viên trong HTX có được sự bình đẳng, tiếng nói trong gia đình, hạn chế bạo lực. Từ chỗ là những người yếu thế trong gia đình, những người phụ nữ dân tộc Mông đã có một chỗ đứng trong xã hội và gia đình.
Sản phẩm của HTX ngày càng đổi mới, bắt kịp nhu cầu tiêu dùng hiện đại
"Chính quyền huyện Đồng Văn luôn quan tâm, chú trọng đến phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương thông qua việc bảo tồn nghề truyền thống một cách bền vững", Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn Đỗ Quốc Hương nhấn mạnh.
Tại huyện Đồng Văn, hiện có nhiều tổ hợp tác hợp tác xã do phụ nữ dân tộc thiểu số điều hành, quản lý tại xã Sà Phìn, xã Lũng Cú… Không chỉ thoát nghèo, phụ nữ Mông giờ đây còn trở thành "đại sứ văn hóa" đưa những giá trị truyền thống lan tỏa khắp trong và ngoài nước.
Những tấm vải lanh, khăn, ba lô, túi xách… không còn đơn thuần là sản phẩm sinh hoạt thường ngày mà trở thành những sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch – món quà mang theo linh hồn của núi đá, bản làng và tâm hồn người Mông.
Thổ cẩm của người Mông đã theo chân du khách đến nhiều nơi trong và ngoài nước, góp phần quảng bá, giới thiệu về nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang.
Không còn nép sau khung dệt, những người phụ nữ dân tộc thiểu số như chị Vàng Thị Cầu, chị Sùng Thị Sy… đã trở thành cán bộ thôn bản, cán bộ Hội phụ nữ, đại diện phát ngôn cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở các diễn đàn, các hội nghị, dám phản biện các quyết sách của xã, dám từ chối những hủ tục bất công như tảo hôn, trọng nam khinh nữ…
Ở nơi cao nguyên đá Đồng Văn, những sợi lanh mỏng manh giờ đây đã trở thành chiếc cầu nối mang lại niềm hy vọng, sự đổi thay và tiếng nói cho nhiều phụ nữ dân tộc Mông. Những đôi bàn tay thô ráp của họ không chỉ gìn giữ tinh hoa văn hóa dân tộc mà đang viết nên một hành trình mới, phát triển du lịch bền vững gắn với bản sắc văn hóa vùng cao.