NHỮNG PHẬN ĐỜI BỊ BỎ QUÊN Ở TRẠI PHONG ĐÁ BẠC
Từng là nơi ăn, ở, chữa bệnh của hơn 100 bệnh nhân bệnh phong, vậy mà giờ đây trại phong Đá Bạc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) chỉ còn những căn nhà bỏ hoang và thấp thoáng trong đó là những số phận cô đơn, lẻ bóng, sống qua ngày…
TỪNG NGHĨ ĐẾN CÁI CHẾT ĐỂ GIẢI THOÁT
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 50km, trại phong Đá Bạc nằm giữa những ngọn đồi heo hút trên địa bàn xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, trại phong được xây dựng từ những năm 50 của thế kỷ trước và từng có khoảng 100 người bệnh điều trị, sinh sống tại đây. Trải qua nhiều năm, khu vực đã xuống cấp trầm trọng, vì vậy đến năm 2013, nhiều bệnh nhân tại trại phong đã được di chuyển ra nơi khác.
Từ chối chuyển về cơ sở mới, bất chấp việc không còn được nhận trợ cấp từ nhà nước, gần 10 mảnh đời bất hạnh nơi đây vẫn xin tự nguyện được ở lại trại phong để chăm sóc nhau những năm tháng cuối đời. Câu chuyện tưởng chừng như chỉ có ở trong phim ấy lại tồn tại ở ngay chính Thủ đô.
Cảm giác cô đơn, hoang tàn hiện rõ qua những dãy nhà xuống cấp. Cả trại có tổng cộng 18 phòng nhưng hầu hết đều trong tình trạng đổ nát, tách biệt với cuộc sống náo nhiệt bên ngoài. Tất cả đều cũ kỹ và xập xệ, cô quạnh và túng thiếu. Hiện tại chỉ có 3 cụ thường xuyên sinh sống tại đây là cụ Liên, cụ Oanh, bà Sợi. Một số cụ đã qua đời.
Thời gian cứ đằng đẵng trôi, nỗi buồn vẫn cứ cồn cào nhưng sự tủi hổ bị xa lánh vì căn bệnh mới là nỗi đau lớn nhất của các cụ. Đối với 3 cụ, những người gắn bó với nơi này cả một cuộc đời, mỗi khi nhắc đến lại trực trào nước mắt.
Cụ Lê Thị Liên (81 tuổi, huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, mắc bệnh này bị xã hội xa lánh, bạn bè xa lánh, nghĩ cũng tủi thân, nhiều lúc chỉ muốn chết đi để giải thoát nhưng mấy chị em lại động viên nhau cố gắng sống nốt quãng đời còn lại.
Những bệnh nhân phong ở đây được chuyển từ nhiều nơi đến, không có chung dòng máu ruột thịt cũng chẳng phải anh em họ hàng thân thích của nhau. Thế nhưng họ có chung một nỗi đau đó là mang trong mình căn bệnh phong quái ác, bị người đời xa lánh, ghẻ lạnh.
"Tôi bỏ đi từ năm 14 tuổi, đến năm 25 tuổi thì bắt đầu về đây. Gia đình giờ chẳng còn ai, mà có còn thì họ cũng nghĩ tôi đã chết rồi. Giờ cứ sống ở đây thôi, được ngày nào hay ngày ấy, sau khi chết đi thì nguyện vọng của tôi là được chôn cất ngay sau nhà này", cụ Liên tâm sự.
TỪ KHI CÓ DỊCH COVID-19, ÍT NGƯỜI ĐẾN THĂM
Bà Nguyễn Thị Sợi (73 tuổi, quê Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) bắt đầu sống tại trại phong Đá Bạc từ năm 1968, cũng có tuổi thanh xuân đầy đau khổ mà cụ chỉ muốn quên đi. Ký ức về những lúc đang ngủ phải dùng bao tải, dùng giẻ, quần áo bịt kín chân, kín người để tránh bị chuột cắn đến tứa máu, nhiễm trùng. Ký ức về những năm tháng bị người thân, dân làng xa lánh vì lỡ mang căn bệnh "hủi". Ký ức về người chồng tệ bạc, hắt hủi mẹ con bà vẫn hiển hiện như ngày hôm qua, dẫu rằng khi đó hai người đã có với nhau một cô con gái.
Khi hỏi về lý do vì sao các cụ không chuyển đến trại phong mới vào năm 2013 - nơi có điều kiện sống tốt hơn, có người trông nom, chăm sóc, nơi mà các cụ sẽ được hưởng một chế độ y tế tốt hơn mà lại chịu ở lại nơi heo hút, chấp nhận cuộc sống không có sự trợ cấp của Nhà nước, các cụ đều trả lời rằng do đã quen sống ở mảnh đất này và cũng để hương khói cho những cụ đã khuất.
Không còn trợ cấp, những cụ ông, cụ bà đang ở tuổi thất thập rơi vào cảnh túng thiếu nghèo đói, những vết thương của bệnh tật vẫn đeo bám, những đôi chân, đôi tay không còn lành lặn càng khiến việc sinh hoạt trở nên khó khăn hơn, thế nhưng họ vẫn có nhau lúc ốm đau, vui buồn tuổi già. Cuộc sống ở đây chủ yếu tự cung tự cấp, người trồng rau, người nuôi gà, cứ thế các cụ cải thiện bữa ăn hằng ngày. Không người thân, không người trông nom chăm sóc, cũng không có sự quan tâm, các cụ chỉ có thể nương tựa tuổi già lẫn nhau mà sống qua ngày.
Niềm vui nho nhỏ của các cụ đó chính là có người đến thăm hàng ngày để được trò chuyện. Cứ mỗi khi có người lên thăm là các cụ lại vui lắm, đặc biệt là các đoàn thiện nguyện và các nhóm sinh viên tình nguyện.
Cụ Hoàng Thị Oanh (85 tuổi, quê Nam Định) cho biết, trước đây cứ độ 1-2 tuần là lại có đoàn từ thiện đến hỏi thăm, cho quà và tiền tiêu vặt, nhưng gần 2 năm nay ít hẳn nên cuộc sống cũng gặp nhiều khó khăn, bữa cơm chỉ có rau luộc với vài hạt lạc rang.
"Tháng trước có một nhóm sinh viên đến thăm, tặng quà và khẩu trang. Các cháu dặn khi ra ngoài phải đeo khẩu trang vì đang có dịch Covid-19. Các cháu cũng hứa mỗi tháng sẽ lại lên thăm 1 lần, vì bây giờ dịch bệnh nên sẽ không có nhiều đoàn đến thăm như trước nữa", cụ Oanh chia sẻ.