Theo khảo sát sơ bộ của Nhóm "Bếp ăn 0 đồng", hiện nay trên tòa địa bàn Hà Nội có khoảng 100 - 120 người vô gia cư. Tập trung chủ yếu ở một số địa điểm như Ga Hà Nội, Công viên Thống Nhất, chợ Long Biên.
Ngày 21/8, Báo Phụ nữ Việt Nam có đăng tải video "Mắc kẹt ở Hà Nội cả tháng trời, lao động tự do chọn vườn hoa làm nhà" phản ánh về tình trạng người vô gia cư không có nơi ở, phải ngủ lại ở vườn hoa nhiều tháng trời. Tất cả họ đều vi phạm quy định giãn cách xã hội và đều làm những nghề tự do – bán trà đá, thu gom phế liệu, vá xe đạp, bốc vác...
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, ngày 14/8, UBND TP Hà Nội ban hành văn bản số 2647/UBND-KGVX về việc hỗ trợ lao động ngoại tỉnh không có nơi cư trú trong thời gian giãn cách xã hội. Trong đó nhấn mạnh nội dung: "Chủ động rà soát, bố trí nơi ở tạm thời để đưa người lao động ngoại tỉnh gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 không có nơi cư trú đến trạm trú".
Sau hơn 1 tuần đăng tải, trở lại những địa điểm trước đó để trao suất quà do độc giả Báo Phụ nữ Việt Nam gửi tặng, phóng viên được biết một số người vô gia cư đã được chính quyền địa phương hỗ trợ nơi ở, đảm bảo lương thực thực phẩm. Nhưng tình trạng người vô gia cư, người lao động tự do không tiền thuê trọ vẫn còn xuất hiện trên các tuyến phố như Quán Thánh, Phan Đình Phùng, Lê Duẩn…
Độc giả Báo Phụ nữ Việt Nam trao tặng những suất quà cho những người vô gia cư mà bài viết trước đó đã đăng tải
"Lãng tử" 3 đời vợ giờ sống cô đơn
Gần 5 giờ chiều, mưa như trút nước. Trên vỉa hè phố Quán Thánh (quận Ba Đình) giao với đường Thanh Niên, ông Chu Văn Dũng (60 tuổi, trú quán tại huyện Thạch Thất), hành nghề vá xe đang ngồi trầm tư. Đây là năm thứ 16, ông Dũng hành nghề tại đây.
Những năm đầu kiếm được, ông Dũng có tiền thuê nhà trọ ở Xuân La - Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm). 7 năm trở lại đây, sức khỏe suy yếu, thu nhập xuống dốc, không đủ tiền thuê nhà trọ, ông đành phải tá túc qua đêm dưới hiên tòa nhà Trung tâm Thể thao Ba Đình (115 Quán Thánh).
"Hoàn cảnh gia đình tôi không trọn vẹn, rời nhà lang thang trên đây đã nhiều năm", ông Dũng tâm sự. Theo lời chia sẻ, ông Dũng có 3 đời vợ, 3 người con, con út trên 20 tuổi đang đi học, nhưng tất cả đều không duy trì liên lạc với nhau. Vì lẽ đó, khi Hà Nội giãn cách, ông Dũng không có ý định về quê nhà.
Sống cô đơn nhưng ở đây lâu năm, ông được người dân quanh khu phố coi như "dân bản địa". Đến bữa mỗi nhà nấu thêm một bát, không ai bảo ai, khi thì có trứng, khi thì có rau mang đến cho ông. Những khi đau yếu, họ chở ông đi viện, trả tiền viện phí. Tuy vậy, ông cũng biết phận mình, chỉ khi nào lực bất tòng tâm mới phải cậy nhờ lòng tốt của mọi người.
Hơn một tháng qua sống trong cảnh giãn cách xã hội, ông Dũng không có thu nhập. Thực hiện chỉ đạo của cán bộ địa bàn phương ông chấp hành nghiêm chỉnh việc đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với mọi người.
Hôm nay, nhận món quà đầy đặn mà độc giả Báo Phụ nữ Việt Nam gửi tặng. Ông xúc động, "Chúng tôi không may mắn, nhưng luôn nhận được tình yêu thương, đùm bọc, cưu mang từ những tấm lòng hảo tâm. Tôi không biết nói gì ngoài lòng biết ơn".
"Công tử" phường Hàng Bạc
Trời nổi cơn giông, anh Nguyễn Ngọc Tuấn (45 tuổi), vai đeo ba lô con cóc, đi nhanh sang đường trú mưa ở chiếc ô lớn của ông Dũng.
Anh Tuấn vốn là dân gốc Hà Nội, sinh sống trên địa bàn phường Hàng Bạc. Năm lớp 7, bố lâm bệnh tật, mẹ bỏ đi lấy chồng. Anh kể, bản thân phải ra đường bươn trải kiếm tiền nuôi bố, nuôi em. Giờ nhà anh vẫn ở đó, nhưng vì "chuyện gia đình", anh chọn kiếp sống lang thang.
"Tứ xứ giang hồ" là nhà, sống dựa vào tình thương của mọi người. "Những ngày Hà Nội giãn cách, tôi cảm thấy cuộc sống có lúc khó khăn, nhưng thường được mọi người ở các quỹ từ thiện giúp đỡ. Khi đói được cho cơm cho nước", anh Tuấn tâm sự.
Những tháng gần đây, buổi tối anh Tuấn thường về chỗ ông Dũng ngủ. Nhờ phước từ "người bạn", anh được bà con quanh đây giúp đỡ. "Chúng tôi ở khu vực này, các cháu, các em rất có ý thức. Không gây rối trật tự công cộng, trộm cắp, lưu manh không có", ông Dũng chia sẻ.
Cầm trên tay suất quà mạnh thường quân trao gửi, anh Tuấn bày tỏ lòng biết ơn, "Bây giờ mưa như thế này, mọi người đang thực hiện giãn cách trong nhà, có quà cho là quá tốt rồi. Mỗi ngày ăn 2 gói mỳ tôm thôi cũng đủ sống rồi. Tôi làm gì có tiền đâu, nhiều khi phải uống nước mưa, nước máy".
Trời tạnh mưa, anh Tuấn bước đến nơi nghỉ qua đêm, dáng nhỏ bé liêu xiêu. Ông Dũng tâm sự, cháu Tuấn không nghề nghiệp gì, chủ yếu sống nhờ xin ăn: "Gia đình cũng quan tâm nhưng chỉ có mức độ thôi, thỉnh thoảng vẫn đến đây cho tiền".
"Phát điên" sau biến cố mất gia đình
…22h30 đêm 26/12/1972, dư âm của lễ Giáng sinh vẫn còn đọng lại, 30 máy bay B52 của quân đội Mỹ đã ném bom xuống đường phố Khâm Thiên. Con phố đông đúc của trung tâm Hà Nội thời bấy giờ. Vệt bom hủy diệt kéo dài 1.000m với chiều rộng 40 - 50m, đã khiến 287 người mãi mãi ra đi...
Trong số đó có chồng và con trai của cụ Nguyễn Thị Nga (81 tuổi), người vô gia cư trước Ga Hà Nội. Tuy 48 năm đã qua đi, nhưng nỗi đau, ký ức kinh hoàng vẫn còn hiển hiện rõ nét trong trí nhớ của cụ. Năm ấy, cụ ngoài 30 tuổi, làm công nhân nhà máy gạch ở Phổ Yên (Bắc Thái, nay tách thành Thái Nguyên, Bắc Kạn).
Kể từ sự kiện trên, một tháng sau cụ Nga mới nhận được tin nhà. Lúc đi vợ chồng hòa thuận, con ngoan, lúc về chồng con, nhà cửa mất hết khiến cụ Nga như hóa điên dại, đôi mắt lòa đi vì khóc chồng con.
Nhà nước cho cụ đi chữa trị 7 năm ở bệnh viện thâm thần, mỗi tháng cấp tiền 4 lần cho người thân lên chăm sóc cụ. "Một tháng lên 4 lần tắm giặt, cho tôi ăn uống, dỗ dành mãi tôi mới tỉnh. Giờ thi thoảng thay đổi thời tiết, tôi vẫn đau đầu phải uống thuốc theo đơn của bác sĩ", cụ Nga tâm sự.
...
Đây là berberin, đau bụng đi ngoài uống 15 viên là khỏi.
Đây là cảm xuyên hương.
Đây là đau mắt này.
Đây là hỗn hợp thần kinh, đau đầu uống 4 viên này là khỏi đau.
Đây là dung dịch rửa tay.
Đây là thuốc giảm sốt này.
...
Cụ Nga liệt kê danh sách thuốc dự trữ mang bên mình.
Đã gần 40 năm qua, cụ sống trong cảnh không nhà, không người thân. "Tôi bán chè chén ở đây. Những ngày không bị dịch, trời đẹp hanh quang thu nhập được 40-50.000 đồng, trời mưa như thế này được 20.000 đồng, không đủ ăn", cụ Nga kể.
Trước kia, bớt tiền ăn tiền thuốc, cụ Nga vẫn đủ tiền để thuê trọ ở ngõ Linh Quang (phường Văn Chương, Đống Đa), giá thuê 800.000 đồng/tháng. Dịch giã khiến công việc của cụ bị ảnh hưởng, không có tiền đóng, cụ bị chủ nhà đuổi đi từ 6 tháng nay. Bữa cơm hàng ngày dựa vào những người có lòng hảo tâm.
Trước thông tin Hà Nội hỗ trợ nơi ở cho những lao động tự do gặp khó khăn, không có nơi cư trú với tinh thần "Không để ai không có nơi ở trên địa bàn", cụ Nga cũng mong muốn được hỗ trợ nơi ở. "Tôi có mong muốn, nhưng phải cho tôi biết địa chỉ nhà đấy ở chỗ nào. Tôi không có gia đình nhưng tôi còn bạn bè. Một mai nếu có mệnh hệ nào, tôi gửi gắm người bạn thân, khi nào tôi chết thì thay tôi báo tin cho mọi người. Lúc chết được người ta thắp một cho nén hương cũng đỡ tội nghiệp...".
Có một nhà thơ từng nói "Hà Nội mang trong mình một trái tim". Vào những lúc người sống trên mảnh đất này gặp khó khăn, nó sẽ kết nối mọi người lại với nhau bằng tình yêu thương và sự sẻ chia. Điều này khiến cho những người có số phận kém may mắn có thêm niềm tin vào những điều tốt đẹp còn mãi trong cuộc đời.
Thực hiện: Trường Hùng