"Bao giờ hết dịch con về, mang theo cả người yêu"
Nhắc đến Nguyệt, cả lãnh đạo huyện Thuận Thành và chỉ huy của khu cách ly Đại học Kỹ thuật - Hậu cần Công an Nhân dân đều dành những lời khen ngợi cho nữ bác sĩ trẻ, đầy nhiệt huyết.
Khi đại dịch ập tới quê nhà, Nguyễn Thị Nguyệt liền viết đơn tình nguyện xin được đi tuyến đầu chống dịch. Thuận Thành là quê hương cô và cũng là điểm nóng nhất của Bắc Ninh khi số F0 ngày một tăng.
Công việc của Nguyệt là bất kể ngày hay đêm, mỗi khi tiếp nhận người dân đến các khu cách ly tập trung là cô nhanh chóng có mặt để làm công tác truy vết và hỗ trợ nhóm sinh viên tình nguyện trong việc theo dõi sức khoẻ, chăm sóc các trường hợp F1.
"Khi mới vào khu cách ly tập trung, người dân đều hoang mang, lo lắng. Vì vậy, các nhân viên y tế vừa phối hợp với lực lượng công an, bộ đội đảm bảo về cơ sở vật chất vừa động viên trấn an tinh thần mọi người, tránh sự lây chéo giữa các phòng. Rồi chúng em còn phải nắm bắt tâm tư nguyện vọng của từng trường hợp. Ví dụ các cháu nhỏ thì ăn cháo, sư thầy thì ăn chay, người có bệnh nền thì chế độ ăn uống thế nào cho phù hợp", Nguyệt tâm sự.
Trong lúc chờ xe ô tô đưa người dân đến, Nguyệt cùng một số nhân viên y tế ngồi bệt xuống dưới nền đất nghỉ ngơi. "Trời nắng nóng, cởi trang phục bảo hộ ra thì thoải mái hơn, nhưng bọn em phải chờ xong việc. Một bộ đồ y tế mấy trăm nghìn, tháo ra lại phải bỏ đi, lát có nhóm người đến lại phải dùng bộ mới. Xót lắm", Nguyệt nói.
Hỏi chuyện gia đình, Nguyệt bảo: "Em đã 33 tuổi rồi. Nhưng chưa có người yêu. Ai cũng giục". Nhà Nguyệt ở ngay thị trấn Hồ, rất gần Trung tâm Y tế huyện Thuận Thành, nơi cô túc trực hàng ngày.
"Bố mẹ lo cho cho em lắm, cứ thấy tăng các ca bệnh là gọi điện hỏi trong đó có an toàn không. Lần nào em cũng phải trấn an phụ huynh là "không có vấn đề gì đâu, chiến thắng dịch bệnh con về nhà, mang thêm cả người yêu", Nguyệt làm công tác dân vận với bố mẹ.
Mọi người ở khu cách ly hay nhắc câu chuyện này sau lần 3 nữ nhân viên y tế trong nhóm tình nguyện về vùng dịch Mão Điền (huyện Thuận Thành) tham gia công tác lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 rồi bị kiệt sức, ngất xỉu. Thấy Nguyệt luôn trong tình trạng làm việc quá tải, từ tinh mơ đến lúc đêm muộn nên cấp trên động viên: "Cố gắng nhé, sau đợt này về Trung tâm Y tế sẽ phát cho một anh người yêu".
Qua những mẩu chuyện ngắn, chúng tôi hiểu được công việc của Nguyệt và đồng nghiệp có nguy cơ lây nhiễm rất cao vì tiếp xúc trực tiếp với các trường hợp F1. Thuận Thành có đến 18 khu cách ly tập trung, chỗ nào khó khăn, đông dân, nhóm của Nguyệt lại nhanh chóng có mặt để triển khai những biện pháp không để bệnh dịch lây lan ra cộng đồng.
Công việc truy vết cần sự tỉ mỉ, chính xác cao. Vì thế ngay cả khi đã gọi điện thoại lấy thông tin nhưng thấy chưa chuẩn, Nguyệt lại phải về tận nơi xác minh, kê khai đầy đủ từng trường hợp tiếp xúc với các ca bệnh.
"Ngày nào cũng chạy suốt thế thế đấy anh ạ. Chiều nay đi về qua lối vào nhà em cách mấy trăm mét, tự dưng em thấy nhớ bố mẹ đến lặng người. Mười mấy ngày liên tục chưa được gặp người thân, sao em có cảm giác đường về nhà mình xa thế", nữ bác sỹ rưng rưng.
Mỗi ngày làm việc từ 18-20 tiếng
Nghe chuyện bác sỹ Nguyệt, Nguyễn Thuỳ Ngân (22 tuổi, sinh viên năm 4 trường Đại học Y Dược – Đại học Thái Nguyên) nói với "thế phát cho em một anh người yêu với" làm mọi người cười ồ lên. Gần chục ngày lăn lộn với công việc ở khu cách ly trường mầm non xã Gia Đông (Thuận Thành), Ngân mới có giây phút vui vẻ như vậy.
Chỉ mới hôm qua thôi, Ngân cùng nhân viên y tế đã phải thức trắng đêm để lấy mẫu xét nghiệm. Số người F1 đến khu cách ly cứ tăng dần khiến em đứng làm thủ tục tiếp nhận mà nhiều lúc cảm tưởng như muốn gãy lưng, rụng rời tay chân.
Ngân là một trong số hàng trăm cán bộ y tế, sinh viên tình nguyện tham gia chống dịch ở điểm nóng nhất của Bắc Ninh. "Anh có tin không, chỉ 2 cái ghế này ghép lại là em có thể ngủ ngay tại đây trong thời gian 1 tiếng chờ xe đưa người dân đến khu cách ly", cô sinh viên thật thà nói về cảm giác "thèm ngủ" do ngày nào cũng căng mình làm việc từ 18 đến 20 giờ đồng hồ.
Từ khi được tham gia công tác chống dịch, Ngân càng hiểu rõ sứ mệnh cao cả của người thầy thuốc. Thế nhưng, đôi lúc em vẫn không khỏi chạnh lòng khi thấy các anh chị đồng nghiệp mặc quần áo phòng hộ cả ngày, mồ hôi ướt sũng, kính mờ đi, mặt hằn vết khẩu trang nhưng vẫn phải chịu áp lực tứ phía…
Học trên Ngân một khoá, Đỗ Văn Hùng (23 tuổi, quê ở Quế Võ, Bắc Ninh), cùng là sinh viên tiên phong xin tham gia chống dịch. Hùng cho biết, tuy vất vả, đứng nhiều giờ liên tục, làm việc xuyên đêm, trong điều kiện nóng bức ngột ngạt nhưng các thành viên ai cũng cố gắng tập trung cao độ để hoàn thành nhiệm vụ.
Hàng ngày, Hùng làm công việc đo thân nhiệt, khám kiểm tra cho đối tượng F1, mang suất ăn, cung cấp các vật dụng cần thiết cho họ. Không chỉ cán bộ làm nhiệm vụ căng thẳng, người bị cách ly cũng có phần mệt mỏi, lo lắng, có khi cả đêm không ngủ. Vì vậy Hùng phải thường xuyên hỏi han, động viên họ vững tâm, cùng cố gắng vượt qua đại dịch, để tất cả mọi người được an toàn.
Còn theo đánh giá của lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh, việc "thần tốc truy vết, thần tốc cách ly; thần tốc khoanh vùng" để dập dịch đạt được tới đâu, là nhờ vào sự đóng góp vô cùng lớn của lực lượng tại chỗ, của những tình nguyện viên như Ngân, Hùng…
Hành trang 3 bộ quần áo và chưa hẹn ngày về
Ma Văn Thoại (29 tuổi, cán bộ y tế) cũng là một trong số những người tình nguyện tham gia tuyến đầu chống dịch. Đợt dịch thứ 4 bùng phát, anh viết đơn đăng ký xin tham gia.
Chiều hôm trước gửi đi, sáng hôm sau anh nhận được thư đồng ý của Sở Y tế Bắc Ninh. Dù có chút lo lắng, nhưng mệnh lệnh từ trái tim và sứ mệnh đặt trên vai người thầy thuốc, anh gửi con nhỏ về quê nội ở Sơn Dương (Tuyên Quang) rồi khăn gói 3 bộ quần áo lên đường.
"Vợ tôi là giáo viên nên rất hiểu và ủng hộ. Chỉ dặn dò chồng bảo trọng, sớm đánh đuổi con cô vít để trở về với 2 mẹ con", Thoại tâm sự.
Tại điểm cách ly tập trung xã Ngũ Thái (Thuận Thành), từ sáng sớm Thoại đã trong trang phục bảo hộ tiếp đón công dân các xã đến. Trong ngày đầu tiên anh đã làm việc đến 3h15 sáng mới được nghỉ ngơi và ăn vội bát mì tôm.
Hiện tại, khu cách ly tập trung này có gần 300 công dân, trong đó nhiều trẻ em nên việc chăm sóc của nhóm y tế cũng vất vả hơn. "Ở đây nhu yếu phẩm bà con nhân dân và nhà hảo tâm ủng hộ nhiều, chỉ lo là trang thiết bị chống dịch, đồ bảo hộ y tế còn hạn chế nên bọn mình phải cân đối. Nhiều khi mặc bộ đồ bảo hộ làm việc dưới nắng nóng 40 độ nhiều giờ, mồ hôi vã ra như tắm nhưng cũng không dám thay đồ ra. Ai cũng phải cố gắng vì cái chung", Thoại tâm sự.
Chia sẻ sự vất vả của nhóm nhân viên y tế ở khu cách ly, các cô giáo trường mầm non và một số người dân xung quanh đã giúp đỡ việc nấu ăn. "Người dân ở khu cách ly ăn gì thì mình ăn như vậy. Chỉ có điều là mình ăn theo kiểu tranh thủ, ví dụ sáng làm việc đến 14h xong thì mới ăn. Tối có khi 23h hết việc mới tìm vào nhà bếp ăn uống qua loa để lấy sức trực đêm", anh kể.
Câu chuyện của chúng tôi không thể kéo dài vì Thoại đã khản đặc giọng do những ngày qua liên tục nói và giải thích cho người dân về các quy định cách ly, phòng chống dịch bệnh. "Lúc tối bà nội gọi điện bảo bao giờ được về, con khóc đòi bố suốt mà mình chưa biết trả lời thế nào. Cán bộ y tế mà, lúc nào cũng "đi trước, về sau". Chỉ khi nào thấy tất cả những người thuộc diện cách ly được về nhà trong tình trạng sức khỏe ổn định, xét nghiệm âm tính với virus gây bệnh COVID-19 thì mình mới có thể nghĩ về niềm vui của bản thân", Ma Văn Thoại bày tỏ.
Cao Tuân - Nguyễn Long
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ