"Nữ cường" đồ họa Canva từng bị từ chối 100 lần trước khi trở thành tỷ phú
Nhờ có Melanie Perkins và đội ngũ đứng sau Canva, không ít người đã được tiếp cận dễ dàng hơn rất nhiều với công việc thiết kế.
Tất cả những người làm nghề đồ họa hay sáng tạo nội dung nói chung hẳn đã từng nghe và thậm chí sử dụng Canva. Dù có yêu quý hay bài trừ, một điều không thể phủ nhận là ứng dụng tthiết kế trên nền tảng web này dường như đã thổi một làn sóng mới vào ngành thiết kế đồ họa vốn được thống trị bởi các công cụ chuyên nghiệp như từ nhà Adobe.
Hơn 10 năm tồn tại, Canva là một thế lực hùng mạnh trong không gian thiết kế đồ họa, với 3.200 nhân viên, 90 triệu người dùng. Khác biệt của nó: Một công cụ trên nền web dễ sử dụng cho phép người dùng thiết kế đồ họa truyền thông xã hội, tạo slide trình bày cho trường học hoặc công sở, dựng video và còn nhiều hơn thế. Photoshop cần học bài bản, Canva thì không.
Không giống như nhiều startup "đốt tiền", Canva đã chứng minh là "con gà đẻ trứng vàng", tạo ra lợi nhuận hàng năm kể từ năm 2017, với doanh thu tính đến cuối 2022 là 1 tỷ USD; công ty có 700 triệu USD tiền mặt trong tay.
Gần đây, khi các công ty khởi nghiệp khác đang sa thải nhân sự và thu hẹp quy mô mở rộng, Canva đã tổ chức một sự kiện hoành tráng vào tháng 9/2022 để công bố ra mắt các công cụ chuyên nghiệp nhằm thách thức Google, Microsoft và Adobe. Đó là kết quả của một tầm nhìn lâu dài. Perkins nói: "Chúng tôi đã có mục tiêu này trong bản kêu gọi vốn của mình vào năm 2011".
Sinh ra tại Úc, Melanie Perkins không ở gần trung tâm khởi nghiệp Sillicon Valley, cũng không lớn lên gần các anh tài kinh doanh ở bờ bên kia đại dương. Thành công của cô gái sinh năm 1988 dựa rất nhiều vào nỗ lực của chính bản thân và một ý tưởng tỷ đô.
Ở tuổi 35, Melanie Perkins đã gặt hái được nhiều thành công đáng mơ ước. Cô là một trong những người phụ nữ giàu nhất nước Úc, đồng thời là một trong những nhà lãnh đạo doanh nghiệp trẻ truyền cảm hứng nhất trên thế giới hiện nay.
Xuất thân của "phù thủy đồ họa" này cũng không có gì nổi trội. Cô được sinh ra trong một gia đình đa văn hóa: cha cô là người Malaysia gốc Philippines lai Sri Lanka, trong khi mẹ cô là người Úc gốc.
Hai người cũng không phải dân kinh doanh sành sỏi, cha cô là kỹ sư còn mẹ là giáo viên. Dù vậy, Perkins đã bộc lộ tinh thần kinh doanh từ rất sớm. Cô bắt đầu công việc kinh doanh đầu tiên ở tuổi 14 và bán những chiếc khăn thủ công ở các chợ xung quanh Perth. Ít ai biết rằng, nữ doanh nhân tương lai cũng có nguyện vọng trở thành một vận động viên trượt băng chuyên nghiệp, thậm chí còn thức dậy lúc 4h30 sáng để tập luyện hàng ngày.
Dù sau này không theo đuổi sự nghiệp thể thao nhưng điều đó phần nào chứng tỏ quyết tâm và ý chí của Perkins một khi cô đặt tâm hồn mình vào một việc gì đó.
Tại Đại học Tây Úc, Perkins theo học chuyên ngành truyền thông, tâm lý học và thương mại. Trong thời gian đi học, Perkins nhận công việc dạy thêm thiết kế máy tính cơ bản. Cô bắt đầu có cảm hứng phát triển một nền tảng thiết kế đồ họa dễ dàng và hiệu quả sau khi chứng kiến các học viên của mình gặp khó khăn khi sử dụng Adobe Photoshop và các nền tảng thiết kế phức tạp khác. Perkins bỏ học đại học năm 19 tuổi để theo đuổi sự nghiệp kinh doanh.
Perkins đồng sáng lập Fusion Books vào năm 2007 cùng với người chồng tương lai Cliff Obrecht. Fusion Books là một nền tảng cho phép sinh viên thiết kế kỷ yếu trường học của riêng mình bằng cách sử dụng công cụ kéo và thả tích hợp thư viện mẫu thiết kế bao gồm ảnh, hình minh họa và phông chữ.
Dù là kế hoạch B và chưa đại diện hoàn hảo cho ý tưởng ban đầu của Perkins do thiếu nguồn lực, song Fusion Books vẫn đạt được thành công đáng kể.
Perkins bắt đầu phát triển Fusion Books tại nhà mẹ đẻ với sự hỗ trợ của cha mẹ trong việc in kỷ yếu. Trong khi đó, Obrecht sẽ gọi cho các trường cao đẳng và đại học để có được khách hàng mới cho công ty. Trong vòng vài năm, Fusion Books đã phát triển trở thành công ty in kỷ yếu lớn nhất ở Úc và sau đó mở rộng sang Pháp và New Zealand.
Mặc dù Fusion Books hoạt động hiệu quả nhưng nguồn vốn vẫn ở mức thấp. Điều này đã thúc đẩy cả Perkins và Obrecht đi lôi kéo sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư mạo hiểm, những người sẽ không chỉ tài trợ cho Fusion Books mà cuối cùng là dự án sẽ được biết tới với cái tên Canva Inc.
Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vô cùng khó khăn. Theo cô, thời điểm đó Canva bị từ chối bởi hơn 100 nhà đầu tư mạo hiểm.
Cơ hội nảy sinh khi nhà đầu tư nổi tiếng Bill Tai đến thăm Perth vào năm 2011 để đánh giá một cuộc thi khởi nghiệp. Perkins và Obrecht đã có dịp thuyết trình gọi vốn cho Canva trong một bữa tối mà Tai tổ chức nhưng không nhận được tài trợ. Thay vào đó, Tai thường xuyên mời họ tham gia các cuộc tụ tập lướt ván diều vốn tập trung rất nhiều các nhà đầu tư công nghệ.
Một số cuộc tụ họp này cũng được tổ chức ở Thung lũng Silicon, đồng nghĩa với việc cả Perkins và Obrecht đều phải di chuyển xuyên quốc gia liên tục. Ngay cả ở Thung lũng Silicon, nhiều công ty vẫn bỏ qua Perkins cho đến khi một cựu giám đốc điều hành của Google vào cuộc. Cameron Adams - người có chuyên môn kỹ thuật phù hợp, đã tham gia nhóm và cuối cùng giúp cặp đôi nhận được tài trợ sau vài năm khó khăn.
Sau 2 vòng cấp vốn hạt giống, công ty đã chính thức ra mắt vào năm 2013. Perkins trở thành Giám đốc điều hành của Canva, Obrecht được bổ nhiệm làm COO, trong khi Adams là CPO. Startup chứng kiến độ tăng trưởng nhanh chóng và công ty đã có 600.000 người dùng đăng ký trong vòng chưa đầy 1 năm sau khi ra mắt.
Canva sau đó đã mở rộng ra bên ngoài nước Úc, có văn phòng tại Bắc Kinh (Trung Quốc) và Manila (Philippines). McDonald's thậm chí còn là khách hàng lớn nhất của Canva Trung Quốc. Những năm tiếp theo, công ty nhận được nhiều vốn hơn và kết hợp nhiều tính năng hơn trong ứng dụng, bao gồm cả công cụ cộng tác học tập "Canva for Education".
Thành công của Canva cũng khiến CEO Melanie Perkins được chú ý. Ngay cả khi Canva vẫn còn chưa phát triển ở Hoa Kỳ, cô vẫn là một nhân vật nổi tiếng ở Thung lũng Silicon. Cô được vinh danh trong Forbes 30 Under 30 năm 2016 cũng như Forbes Top Under 30 of the Decade.
Cô cũng là người ủng hộ môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập (Canva có lực lượng lao động bao gồm 41% là phụ nữ, cao hơn nhiều so với mức trung bình của ngành là 28%). Sau khi công ty huy động được 60 triệu USD vào tháng 6/2020, đồng thời nâng mức định giá của Canva lên 6 tỷ USD, Perkins trở thành người phụ nữ giàu thứ 3 ở Úc với tài sản ròng trị giá 1,3 tỷ USD.
Cô chỉ đứng sau bà trùm khai thác mỏ Gina Rinehart (16,25 tỷ USD) và người đồng sáng lập TPG Vicky Teoh. Bất chấp những con số ấn tượng của công ty, Perkins không có kế hoạch cho Canva lên sàn chứng khoán sớm.
Với thành công của Canva, Perkins cuối cùng đã thực hiện được ước mơ của mình là xây dựng một nền tảng thiết kế đồ họa có thể được sử dụng bởi ngay cả những người có kỹ năng thiết kế rất hạn chế.
Giống như Fusion Books, Canva sử dụng tính năng kéo và thả cho phép người dùng tạo nhiều thiết kế bao gồm đồ họa mạng xã hội, bản trình bày, áp phích, tài liệu và nội dung trực quan khác. Ứng dụng Canva đã được chứng minh là một giải pháp thay thế tuyệt vời cho các công cụ thiết kế rất phổ biến của Adobe là Photoshop và Illustrator. Mặc dù Adobe vẫn thống trị thị phần toàn cầu nhưng Canva cũng không kém cạnh với 30 triệu người dùng đang hoạt động trên 190 quốc gia.
Công ty cũng là một trong số ít công ty mới thành lập đã công bố lợi nhuận, một điều hiếm thấy đối với các startup. Công ty hoạt động trên mô hình kinh doanh freemium, tức là có thể dùng miễn phí các tính năng cơ bản nhưng cũng có thể chọn trả thêm tiền cho nhiều tính năng cao cấp.
Bên cạnh việc chứng kiến công ty của mình phát triển nhanh chóng về các con số tài chính, cô cũng rất vui khi nhận được phản hồi tích cực từ người dùng, nói rằng "những câu chuyện mà chúng tôi nghe được từ cộng đồng là điều làm cho mọi việc trở nên xứng đáng". Obrecht cũng bày tỏ quan điểm tương tự, cho rằng nền tảng Canva có thể giúp đỡ rất nhiều "những người kém may mắn và cho họ cơ hội để phá vỡ vòng luẩn quẩn".
Trong chuyến du lịch tới Cappadocia, Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2019, Obrecht đã cầu hôn Perkins với chiếc nhẫn đính hôn trị giá 30 USD (khoảng 700.000 đồng).
Cặp đôi nổi tiếng sống khiêm tốn và nhiều lần bày tỏ rằng phần lớn tài sản của họ sẽ được dùng để làm từ thiện. Perkins thích đi du lịch cũng như lướt ván diều, một thói quen được truyền cảm hứng bởi Bill Tai và là hoạt động đã dẫn cặp đôi tới Thung lũng Sillicon.
Melanie Perkins và Cliff Obrecht đã chào đón đứa con đầu lòng của họ vào năm ngoái nhưng rất ít thông tin cá nhân khác của cặp đôi được chia sẻ với công chúng. Chỉ biết rằng, ở tuổi 35, Melanie vẫn còn rất nhiều cơ hội và chân trời rộng mở phía trước chờ khám phá.
Thạch Anh (theo Success Story)