Cả bản xôn xao khi cô dâu trẻ biết tiếng phổ thông
Tháng 12/1982, cô gái trẻ Sùng Phà Sủi ở xã Cồ Dề Chải (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) được mai mối về làm dâu bản Tống Thượng. Tống Thượng là bản xa và khó khăn nhất của xã Nậm Đét thuộc huyện miền núi Bắc Hà tỉnh Lào Cai nên hồi đó số người biết nói và viết tiếng phổ thông chẳng có ai. Cả bản khi ấy có 39 hộ gia đình hầu hết là thuộc dân tộc Phù Lá và bắt đầu một vài hộ đồng bào Mông chuyển từ vùng giáp biên tới do ảnh hưởng của chiến tranh biên giới phía Bắc. Đời sống của người dân lúc ấy chủ yếu trồng lúa nương năng suất thấp nên thường xuyên lâm vào cảnh thiếu ăn, đứt bữa. Mùa giáp hạt, người dân phải vào rừng đào củ mài hoặc tìm mua sắn ở nơi khác để có cái ăn.
Điều gây ấn tượng đầu tiên với dân bản của cô dâu trẻ Sùng Phà Sủi là cô nói và viết được tiếng phổ thông. Để xác thực điều này, đích thân Bí thư và Chủ tịch xã Nậm Đét đã về bản "kiểm tra trình độ" rồi thuyết phục gia đình để chị tham gia công tác xã hội. Thế nhưng, việc vận động chị Sủi tham gia công tác không nhận được sự ủng hộ của bố mẹ chồng.
"Cả thôn có mỗi mình nhà nó biết tiếng phổ thông. Nó hoạt động giúp bản ta có tiếng nói là tốt, sao mà bố mẹ khó tính thế".
Chị Sùng Phà Sủi kể lại lời chồng mình thuyết phục bố mẹ
Ngày ấy, các gia đình nơi đây đều quan niệm lấy con dâu về để trong nhà có người làm việc chứ không phải đi làm việc cho người ngoài. Tuy nhiên, chồng chị Sủi lại thấy tự hào khi có người vợ như vậy.
Chính anh đã ngày đêm thuyết phục bố mẹ để cho vợ mình tham gia việc xã hội. Cuối cùng bố mẹ chồng cũng đồng ý để chị tham gia việc của bản nhưng với điều kiện phải làm tốt cả việc nhà. Để hỗ trợ vợ mình làm việc xã hội, chồng chị Sủi tình nguyện cáng đáng tất cả việc nhà lẫn việc đồng.
Để tránh cho vợ khó xử với bố mẹ chồng, anh bàn với chị xin ra ở riêng để vợ được thoải mái khi gánh vác việc của bản. Chị sủi nhớ lại: "Anh ấy nhiệt tình lắm. Anh ấy cõng cả con lên nương, đi chăn thả trâu, ngựa. Tôi tham gia việc xã hội về nhà thấy anh ấy làm mệt quá mà thương lắm".
Bắn tội phạm và xóa hận thù
Thời điểm đó, Tống Thượng đã có trưởng bản và công an viên nhưng họ đều không biết tiếng phổ thông nên khó tiếp thu được đầy đủ chủ trương, hướng dẫn của cấp trên để tuyên truyền lại cho dân bản. Vì vậy, khi thuyết phục được chị Sủi tham gia công tác, chính quyền xã Nậm Đét đã bố trí chị làm công an viên và năm sau thì chị kiêm cả Trưởng thôn Tống Thượng.
Khó khăn đầu tiên đến với vị trưởng thôn kiêm công an viên là tình trạng trộm cắp trâu, gà, lợn thường xảy ra trên địa bàn. Qua tìm hiểu chị thấy các vụ trộm chủ yếu là do người trong thôn câu kết với đối tượng nơi khác tới thực hiện. Trong đó có một vụ án trộm gà mà từ đó dẫn đến vụ đặt mìn trả thù khiến chị không thể quên được. Đó là một vụ án trộm hơn 2 tạ gà trong bản do chị theo dõi và bắt quả tang. Người bị bắt chính là họ hàng trong gia đình chồng. Khi bị bắt, đối tượng đã xin chị bỏ qua và hứa biếu chị con nghé. Chị Sủi lắc đầu từ chối và trình báo lên lên xã vì vi phạm nghiêm trọng.
Khi bị bắt đưa lên xã, ngay trong đêm đó đối tượng đã trốn thoát. Lực lượng công an xã và huyện nhận định đối tượng sẽ tìm cách trả thù chị Sủi. Vì vậy trong nhiều tháng trời lực lượng công an cử người luân phiên trực ở nhà chị Sủi để phòng ngừa, ngăn chặn. Sau 7 tháng trốn ở Thanh Hóa, đến thời điểm gần tết nguyên đán, đối tượng đã trở về địa phương và đặt mìn sát vách nhà chị Sủi.
May mắn là vụ nổ chỉ làm bay mảng tường chứ gia đình chị không ai bị thương. Ngay sau vụ nổ, người dân địa phương và chính quyền nhận định chính là kẻ trộm bỏ trốn trở về trả thù nên đã chia các ngả truy bắt. Bản thân chị Sủi cũng xách súng truy đuổi và đã bắn bị thương rồi bắt giữ được đối tượng. Trong vụ án này, đối tượng bị tuyên án 11 năm tù giam về tội giết người.
Trong thời gian đối tượng đi tù, chị Sủi vẫn thường xuyên tới nhà của người này hỗ trợ vợ con anh ta vượt qua những khó khăn và phát triển kinh tế. Khi vợ của anh ta bị ốm nặng, chị Sủi đã đưa đi bệnh viện và chăm sóc như người nhà mình cho đến khi bình phục.
Ra tù, người này đã chủ động mang tới nhà chị Sủi một con vịt và chai rượu nói: "Thím ơi, em chú ơi, tôi ra tù rồi. Tôi cảm thấy việc làm của mình không đúng chút nào. Tôi hiểu tôi đã sai, mong thím và gia đình tha lỗi cho tôi. Về phần mình, tôi đã trả giá cho hành động của mình rồi. Anh em vẫn là anh em nhé".
Vậy là hận thù được xóa bỏ bởi chính sự kiên quyết nhưng cũng nặng tình người của trưởng thôn Sùng Phà Sủi. Điều đó càng giúp chị chiếm được cảm tình của dân bản. Trong thời gian làm trưởng thôn kiêm công an viên, chị Sủi đã tham gia giải quyết, hòa giải nhiều vụ việc trong cộng đồng cũng như mâu thuẫn trong các gia đình.
Tiên phong trong xóa đói nghèo ở Tống Thượng
Chị Sủi nhớ lại: "Ngày tôi về làm dâu ở Tống Thượng, ngô cũng không đủ ăn. Với vai trò là trưởng thôn, tôi lo nghĩ nhiều lắm".
Trong lần đi đến một số xã ở vùng thấp thấy người dân trồng giống lúa lai cho năng suất cao, Trưởng thôn Sùng Phà Sủi mừng quá vì biết đây sẽ là cây giúp bà con trong bản xóa được cái đói bao năm qua. Chị bèn tìm mua ít lúa họ vừa thu hoạch về gia đình chị trồng thử trước. Số lúa giống đó tuy lên tốt nhưng không cho hạt. Vậy là năm đó nhà chị mất trắng. Hỏi ra chị mới biết lúa giống phải mua riêng mới cho hạt. Thế là chị làm đơn đề nghị chính quyền xã cấp lúa giống lai cho Tống Thượng. Năm 1990, bản nhận được 20 kg lúa giống lai xã cấp để chia cho bà con trồng nhưng tất cả dân bản từ chối vì sợ giống này đưa vào không phù hợp khí hậu nên sẽ mất mùa.
"Cách thuyết phục bà con hiệu quả nhất là mình phải miệng nói tay làm. Năm đó, gia đình tôi quyết định cấy toàn bộ diện tích bằng 5kg giống lúa mới. Kết quả thật bất ngờ. Vụ mùa năm đó, gia đình tôi thu hoạch được 2 tấn thóc, gấp hơn 10 lần so với giống lúa cũ. Chủ tịch xã đã về bản xem xét và đề nghị tôi phải vận động người dân trong bản chuyển sang trồng giống lúa mới để xóa cái đói cho bà con", chị Sủi kể.
Năm sau chị vận động được 5-6 hộ gia đình chuyển sang trồng giống lúa mới. Các hộ trồng giống mới đều cho thu hoạch gấp 10 đến 20 lần giống cũ. Dần dần người dân trong bản tin theo lời vận động của trưởng thôn Sùng Phà Sủi chuyển sang trồng giống mới cho năng suất cao. Đến năm 1995 thì tất cả chuyển sang trồng lúa mới. Từ đó, cái đói được xóa trong các hộ gia đình ở Tống Thượng.
Cái đói được xóa nhưng nghèo vẫn còn đó. Tuy không phải lo gạo ăn mỗi mùa giáp hạt nhưng nhu cầu cuộc sống ngày một đòi hỏi cao hơn nên nếu không có nguồn thu nhập khác thì người dân vẫn cứ nghèo mãi bởi giá trị lúa bán đi chẳng được bao nhiêu. Vậy là trưởng thôn Sùng Phà Sủi lại suy nghĩ cùng bà con trong bản tìm cách thoát nghèo.
Chị nhận thấy thế mạnh của Tống Thượng là chăn nuôi trâu, ngựa. Giá trị những vật nuôi này mang lại hơn nhiều lần trồng lúa. Thế là ngay từ năm 1996 chị bàn với chồng bán hết của hồi môn là 2 bộ vòng bạc được bố mẹ chồng và bố mẹ đẻ cho khi cưới lấy vốn để chăn nuôi. "Nhà tôi bán 2 bộ mua được 2 con trâu nái. Mỗi năm có thêm 1-2 con nghé. Sau khoảng 6 năm gia đình tôi trở thành hộ khá giả của bản".
Thấy hướng phát triển kinh tế bằng chăn nuôi đại gia súc cho hiệu quả cao, chị Sủi đã vận động các gia đình bán vòng bạc mua trâu, ngựa về chăn thả. Được thuyết phục bởi công tác xóa đói từ cây lúa lai và bản thân trưởng thôn cũng đi đầu trong chuyển hướng sang chăn nuôi đại gia súc nên khi được vận đồng, mọi người trong bản đều tin theo.
Sự năng động, nhiệt tình với những việc làm mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con của trưởng thôn Sùng Phà Sủi đã nhận được sự tín nhiệm cao của cấp ủy và phụ nữ ở trong xã. Năm 2004, người cán bộ thôn Sùng Phà Sủi được vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng và cũng năm đó chị được giới thiệu và bầu Chủ tịch Hội LHPN xã Nậm Đét.
Trên cương vị mới, chị Sủi càng có điều kiện học hỏi, tìm hiểu các mô hình để triển khai phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" gắn với Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" góp phần xây dựng nông thôn mới của Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động.
Một trong những hoạt động trong tâm là vận động phụ nữ trong xã giúp nhau phát triển kinh tế. Theo đó, với những gia đình hội viên phụ nữ không có tiền để mua trâu, ngựa, chị Sủi vận động mọi người trong bản hỗ trợ bằng cách mua lợn giống, nghé giao cho họ chăn nuôi xoay vòng. Cứ khi nào lợn giống đẻ đàn mới hay nghé nuôi thành trâu đẻ được con non thì con mẹ chuyển sang cho hộ nghèo khác. Cứ như vậy nên nhiều hộ gia đình nghèo cũng từng bước có của ăn của để.
"Quá trình thoát nghèo thì lâu hơn so với xóa đói. Phải mất khoảng 10 năm để cả bản phát triển kinh tế gia đình theo hướng chăn nuôi gia súc. Đến năm 2010 thì Tống Thượng cơ bản đã thoát nghèo", chị Sủi cho biết.
Tuy nhiên, nuôi trâu, ngựa ở đây cũng có rủi ro. Tống Thượng thuộc vùng cao phía Bắc nên mùa đông nhiều khi rất lạnh dễ khiến trâu bị chết. Vậy là chị lại nghĩ đến việc phải tìm thêm hướng đi trong phát triển kinh tế ở địa phương, đó là vận động các gia đình trồng cây ăn quả và cây lâu năm.
Chị Sủi tính toán: "Với diện tích 3 mét vuông để trồng ngô chỉ cho thu nhập vài chục nghìn đồng. Diện tích ấy trồng cây lê, cây mận chỉ 1 khóm cho vài chục kg cũng được 200 ngàn đồng, gấp 10 lần trồng ngô. Nếu trồng quế thì thu nhập giá trị gấp 3-4 lần trồng lê, mận. Tuy nhiên, để trồng quế thì phải đợi 10 năm mới cho thu hoạch. Do đó, chị vận động bà con vừa trồng quế vừa trồng cây ăn quả, lấy ngắn nuôi dài để phát triển kinh tế bền vững.
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người ở Tống Thượng đạt 6-7 triệu đồng/tháng. Một hộ gia đình có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, có nhiều gia đình thu nhập đến 300 triệu đồng/năm. Những gia đình không có vốn nhưng có đất thì liên kết với những hộ có vốn. 2 bên cùng nhau đầu tư và chia sẻ nguồn lợi thu được.
"Cõng chữ" về bản, chung tay xây dựng nông thôn mới
Chị Sủi về làm dâu Tống Thượng thời điểm ấy cả bản chưa có ai biết biết phổ thông còn trẻ em chịu cảnh thất học bởi đường ra trung tâm xã không có phải băng qua rừng. Hồi ấy cái ăn còn thiếu nên cha mẹ không ai quan tâm đến chuyện cho con đi học.
Khi được tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, chị Sùng Phà Sủi đại diện cho người dân Tống Thượng gửi đề xuất lên xã đề nghị cử giáo viên về tại bản dạy học cho con em đồng bào, thôn có trách nhiệm dựng lớp học, lo cơm nước cho thầy cô.
Đề nghị được đáp ứng. Người dân trong bản chung tay làm lớp học để ban ngày thì dạy cho trẻ em còn ban đêm thì mở lớp xóa mù chữ cho người lớn. Riêng ở của giáo viên, chị Sủi bàn với chồng đón thầy giáo về ăn nghỉ tại nhà mình.
Sự kiên trì của chị cuối cùng cũng mang lại những kết quả tích cực. Đến nay, thanh niên độ tuổi tuổi từ 18-25 đều biết đọc, biết viết thành thạo. Thôn đã mở được 3 lớp xóa mù chữ với gần 100 người. "Có biết đọc, biết viết thì mới có kiến thức và từ đó mới biết tính toán, làm ăn", chị Sủi chia sẻ.
Để thuận lợi cho phát triển kinh tế và dễ dàng cho trẻ đến trường và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương thì điều quan trọng hàng đầu là phải có đường giao thông. Tống Thượng khó khăn có nguyên nhân chủ yếu là sống biệt lập do không có đường. Người dân muốn ra xã, lên huyện đều phải lội suối băng rừng. Vậy là chị Sủi quyết tâm vận động người dân trong thôn cùng hiến đất và chung tay làm đường. Từ năm 2015 đến năm 2019, chị đã huy động gia đình hội viên phụ nữ thôn Tống Thượng đóng góp tài sản, công sức xây dựng được 25km đường bê tông; vận động người dân hiến 20 ngàn cây quế, 14ha đất để mở 11km đường nội đồng …
Đưa "5 không 3 sạch" và bình đẳng giới tới từng nhà
Nghèo đói đã được đẩy lùi nhưng trong đồng bào vẫn còn nhiều suy nghĩ, tập tục lạc hậu. Người cán bộ Hội Sùng Phà Sủi lại tích cực vận động người dân xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch" (không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) và tuyên truyền bình đẳng giới.
Đầu tiên là việc vận động người dân thực hiện nếp sống vệ sinh mà trước hết là nhốt gia súc xa nơi ở. Với tập quán lâu đời, cộng với giá trị của vật nuôi quá lớn nên người dân thường xây chuồng trâu, bò gần nơi ngủ để bảo vệ tài sản.
Giải quyết thực trạng này, chị Sủi đã cùng với các thành viên trong Ban chấp hành Hội LHPN xã vận động chị em xây dựng chuồng trại cách xa nhà ở, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. "Có những hộ chỉ 1-2 lần đến vận động là chị em thay đổi nhưng trung bình mỗi gia đình phải vận động khoảng 4-5 lần. Tuy nhiên, có những hộ phải đến lần thứ 10 vẫn chưa xuôi. Đối với hộ này, chị phải đợi lúc họ đi làm về, tới nhà ngồi uống rượu cùng họ để động viên thì mới có kết quả", chị Sủi kể.
Để triển khai sâu rộng 8 tiêu chí của Cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch", tại cuộc họp Chi hội phụ nữ của thôn, mỗi hội viên nòng cốt được phân công nhau đến từng nhà hướng dẫn cách rửa bát, để bát đũa ở chỗ khô, sắp xếp đồ đạc ngăn nắp, bỏ rác đúng chỗ. Các thành viên làm mẫu một vài lần cho họ nhìn, rồi từ đó họ sẽ thực hiện theo. Cứ như vậy, nếp sống ăn ở hợp vệ sinh được thực hiện trong mỗi gia đình.
Trong các phong tục tập quán của người Phù Lá có nhiều nét độc đáo và tốt đẹp nhưng bên cạnh đó cũng có cả hủ tục mà nó là gánh nặng lên nhiều gia đình. Nặng nề nhất là những trong cưới hỏi với 10 bước kèm tục thách cưới không chỉ mất thời gian mà còn rất tốn kém. Để có thể cưới vợ cho con, hầu hết bà con đều nhờ cả thôn giúp đỡ thóc lúa, tiền bạc.
"Mình sinh con ra, nuôi con lớn rồi dựng vợ gả chồng là trách nhiệm của cha mẹ chứ có phải để bán con đâu mà thách cưới như thách giá ngựa. Ban đầu nhiều người không nghe nhưng nhờ các tổ chức đoàn thể cùng kiên trì thuyết phục, bà con thấy hợp lý nên đã làm theo. Giờ thủ tục cưới xin giảm từ 10 xuống còn 3 bước. Việc thách cưới gọn nhẹ đơn giản hơn rất là nhiều".
Chị Sùng Phà Sủi vận động đồng bào
thay đổi hủ tục cưới xin
Thực chất đó là một khoản cho vay đến khi nhà họ có việc thì phải thu xếp để trả. Nhiều gia đình không chỉ hai vợ chồng trẻ mà cả bố mẹ cũng phải nai lưng trả nợ. Có những người trả nợ đời mình chưa xong thì đã đến nợ của con cái. Cứ như vậy rơi vào vòng luẩn quẩn nghèo đói. Nhận thấy đây là hủ tục cần phải cải tiến, chị Sủi đã vận động bà con thay đổi.
Trước đây phụ nữ Phù Lá không có tiếng nói trước những vấn đề lớn trong gia đình. Từ khi về làm dâu, họ chỉ là người lao động. Mọi quyết định đều phụ thuộc vào người chồng. Trước tình trạng đó, từ khi Luật Bình đẳng giới ra đời năm 2006, thực hiện chủ trương của các cấp Hội, chị đã tuyên truyền các nội dung đẳng giới tới các hội viên phụ nữ và tới các gia đình, nhất là đối với nam giới.
Sau nhiều năm kiên trì, đến nay, nhận thức về vai trò, vị trí của phụ nữ trong gia đình cũng như việc để họ tham gia công tác xã hội đã thay đổi rất nhiều. Bản thân phụ nữ hiểu ra trách nhiệm và vị trí của mình trong gia đình trong khi người chồng, người cha cũng thấy được vai trò của người vợ, người mẹ. Vì thế, phụ nữ giờ đã tham gia vào các quyết định quan trọng trong gia đình. Họ có tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thậm chí có những hộ gia đình, vợ là người đứng tên những tài sản lớn.
Trẻ em gái giờ cũng được đi học bình đẳng như trẻ em trai. Trẻ em ở Tống Thượng giờ đây đều học hết lớp 9 hoặc lớp 12 chứ không còn tình trạng bỏ học sớm. Ngoài ra, 5 năm qua, chị Sủi đã phối hợp ngăn chặn thành công 5 vụ tảo hôn góp phần để xã Nậm Đét không có trường hợp tảo hôn và kết hôn cận huyết thống.
Thành tích được ghi nhận
Hơn 30 năm tham gia công tác xã hội trong đó có gần 20 năm giữ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội LHPN xã Nậm Đét (từ năm 2004 đến 2020), nữ đảng viên Sùng Phà Sủi luôn là người đi đầu trong các phong trào của địa phương.
Mỗi ngày, chị Sủi 3 lần xuống dốc để làm việc xã hội và và 3 lần lên dốc khi về nhà. Nhiều năm tham gia công tác mà không có chế độ, thù lao nhưng chị vẫn hết sức, hết lòng vì sự phát triển của vùng cao Tống Thượng. Năm 2020, khi bước sáng tuổi 56, chị Sùng Phà Sủi thôi chức danh Chủ tịch Hội LHPN xã Nậm Đét nhưng chị lại sẵn sàng đảm trách Chi hội trưởng phụ nữ thôn Tống Thượng dù không có phụ cấp.
Khi được hỏi về những đóng góp và thành tích của mình, người đảng viên người Phù Lá Sùng Phà Sủi chia sẻ: "Tôi nghĩ cái đóng góp của mình cho bà con dân bản chỉ nhỏ thôi trong khi những cái tôi được lại rất nhiều. Cái tôi được lớn nhất là được Đảng dìu dắt, hướng dẫn để mình đi đúng, làm đúng. Khi đời sống bà con được nâng lên, kinh tế phát triển thì bản mình cũng được hưởng lợi từ đó. Thực tế là gia đình tôi luôn đi đầu trong phát triển kinh tế trong thôn và hiện nay là một trong những hộ khá giả ở Tống Thượng".
Suốt gần 30 năm qua, mỗi ngày chị Sủi đều 3 lần xuống dốc khi đi hoạt động xã hội và 3 lần lên dốc khi về nhà. Tuy vất vả như vậy và dẫu rằng nhiều hoạt động không có thù lao, phụ cấp nhưng chị Sủi đều tâm huyết, nhiệt tình vì sự phát triển của bà con Tống Thượng nói riêng và ở xã Nậm Đét nói chung. Những đóng góp của chị Sùng Phà Sủi đã được cấp trên ghi nhận, tuyên dương. Năm 2016 chị Sủi được công nhận chiến sĩ thia đua và được tặng bằng khen của UBND tỉnh Lào Cai; năm 2017, chị được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng bằng khen. Năm 2020, chị Sủi là cá nhân điển hình tiên tiến được tuyên dương tại Đại hội thi đua yêu nước Hội LHPN Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020. Chị là tấm gương sáng cho bà con ở Nậm Đét tin cậy, noi theo.
Thực hiện: Quốc Thuyên - Trường Hùng - Mai Lê Tường