Nữ giám đốc vùng cao linh hoạt chuyển đổi số, thúc đẩy khả năng phục hồi kinh doanh du lịch

Nữ giám đốc vùng cao linh hoạt chuyển đổi số, 

thúc đẩy khả năng phục hồi kinh doanh du lịch

"Từ chỗ thiếu kiến thức và kinh nghiệm với các công cụ trực tuyến, giờ đây tôi thường xuyên sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm và thu hút khách hàng. Tôi cũng chia sẻ với các thành viên liên kết của hợp tác xã cách sử dụng các kênh trực tuyến để việc buôn bán được thuận lợi hơn". Những nỗ lực không ngừng nghỉ của chị Sùng Thị Lan đã truyền cảm hứng cho những phụ nữ Mông khác tham gia vào hoạt động du lịch để cải thiện thu nhập.

Ươm ước mơ từ khát khao được đến trường

Chị Sùng Thị Lan thường nói vui rằng chị là một giám đốc "rừng", là người con của núi rừng.

38 tuổi, chị đang giữ cương vị giám đốc của Hợp tác xã Mường Hoa tại xã Tả Van, thị trấn Sapa, tỉnh Lào Cai. Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thổ cẩm truyền thống và cung cấp dịch vụ trải nghiệm xung quanh sản phẩm thổ cẩm. Chị và hợp tác xã đã giúp tạo công ăn việc làm cho 20 người, trong đó có 18 phụ nữ dân tộc thiểu số tại địa phương.

Nữ giám đốc vùng cao linh hoạt chuyển đổi số, thúc đẩy khả năng phục hồi kinh doanh du lịch - Ảnh 1.

Chị Sùng Thị Lan (bìa phải) tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số tại địa phương

Nhưng mọi thứ đến với chị không dễ dàng. Là con thứ năm trong một gia đình có 11 người con người dân tộc Mông ở thôn Tả Van Dáy 2, xã Tả Van, một xã vùng sâu vùng xa, cô bé Sùng Thị Lan phải đi làm kiếm sống từ khi còn nhỏ để phụ giúp gia đình nuôi các em. Sùng Thị Lan không được đến trường. Đến năm 11 tuổi, Lan mới bắt đầu được bố mẹ cho đi học nhưng lại phải rời ghế nhà trường sau khi học xong lớp 10.

Vốn hiếu học, chị quyết định quay lại trường học khi đã lập gia đình và có hai con. "Sinh xong hai con rồi, tôi tiếp tục khát khao đi học. Tôi xin phép chồng đi học lớp cuối tuần. Thế là tôi phải chạy xe ôm vào buổi sáng trên đường đi học để có tiền đổ xăng. Buổi trưa, tôi tranh thủ đưa khách từ Sapa về làng để cho con bú. Số tiền kiếm được vừa để thuê người trông con, mua sữa cho con và vừa để đổ xăng và ăn trưa. Cuộc sống thực sự rất khó khăn", chị Sùng Thị Lan nhớ lại.

Tuy nhiên, khát khao của người phụ nữ dân tộc Mông giàu nghị lực này không dừng lại ở đó. Chị luôn trăn trở làm một điều gì đó để thoát nghèo, không chỉ cho bản thân và gia đình chị mà cho cả những phụ nữ dân tộc thiểu số khác trong cộng đồng.

Nữ giám đốc vùng cao linh hoạt chuyển đổi số, thúc đẩy khả năng phục hồi kinh doanh du lịch - Ảnh 2.

Trong hoàn cảnh nào chị cũng khao khát vươn lên để thoát nghèo

Với mong muốn đó, năm 2018, chị và 8 phụ nữ khác trong thôn cùng nhau thành lập Hợp tác xã Mường Hoa. Xã Tả Van vốn là một điểm thu hút khách du lịch quốc tế nhờ khung cảnh đẹp nên thơ và văn hóa bản địa độc đáo. Vì vậy việc kinh doanh sản phẩm thổ cẩm là cơ hội để chị Sùng Thị Lan và các chị em phụ nữ cải thiện cuộc sống cũng như bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của họ.

Chị tâm sự: "Tất cả phụ nữ dân tộc thiểu số ở đây đều biết thêu thùa và dệt vải. Khi tôi lựa chọn con đường kinh doanh thổ cẩm là tôi sẽ giúp được cho nhiều người. Nghề truyền thống của các cụ ngày xưa thì mỗi ngày mai một đi một chút. Nếu chúng ta không nhận ra và không gìn giữ nó, thì dần dần con cháu chúng ta sẽ không còn biết đến nó nữa".

Các chị đang ngày ngày giữ nghề truyền thống

"Tôi luôn tự nhắc nhở bản thân mình phải cố gắng và kiên trì. Nếu tôi chán nản và bỏ cuộc, tôi sẽ không được như ngày hôm nay".

Giám đốc của Hợp tác xã Mường Hoa Sùng Thị Lan

Linh hoạt chuyển đổi số, thúc đẩy khả năng phục hồi kinh doanh du lịch

Tuy nhiên, như nhiều doanh nghiệp du lịch khác, hợp tác xã Mường Hoa cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Việc mất đi lượng khách du lịch quốc tế đến Sapa từ năm 2020 khiến chị Lan phải trăn trở nghiên cứu hướng đi mới cho hợp tác xã.

Năm 2021, Lan có cơ hội hợp tác với dự án GREAT do chính phủ Úc tài trợ thông qua chương trình tăng tốc kinh doanh số. Đây là chương trình được xây dựng để hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp và du lịch ở Lào Cai và Sơn La đối phó với những thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra, trong đó tập trung vào các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo và doanh nghiệp kinh doanh cùng phụ nữ dân tộc thiểu số.

Nữ giám đốc vùng cao linh hoạt chuyển đổi số, thúc đẩy khả năng phục hồi kinh doanh du lịch - Ảnh 5.

Những người phụ nữ vùng cao như chị Lan đã bắt nhịp với chuyển đổi số

Với sự hướng dẫn và hỗ trợ từ các chuyên gia về chuyển đổi kinh doanh số, chị Sùng Thị Lan cho biết, chị được học từ những điều đơn giản nhất như chụp ảnh, viết bài đăng trên mạng xã hội đến chăm sóc khách hàng qua các kênh trực tuyến, quản lý thông tin khách hàng và tổng kết doanh thu theo ngày, tuần và tháng. Thông qua chương trình, chị cũng được kết nối với mạng lưới các nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật số và các khách hàng tiềm năng để đảm bảo hợp tác xã sẽ được tiếp cận với các hỗ trợ kỹ thuật cần thiết và thị trường một cách bền vững. 

Nếu như trước đây, nội dung fanpage của hợp tác xã còn đơn điệu và thiếu sinh động thì giờ đây đã trở nên đa dạng và tập trung hơn. Lượt người theo dõi trang fanpage tăng từ chỉ 300 lên gần 2.000 người và lượt tương tác trung bình hàng tuần là 12.000.

Nữ giám đốc vùng cao linh hoạt chuyển đổi số, thúc đẩy khả năng phục hồi kinh doanh du lịch - Ảnh 6.

Chị Lan thường xuyên sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm và thu hút khách hàng.

Dần dần, tập khách hàng của Hợp tác xã Mường Hoa ngày càng mở rộng, bao gồm cả khách lẻ và khách sỉ. Trong 10 tuần tham gia chương trình tăng tốc kinh doanh số, doanh thu hàng tuần của hợp tác xã đạt hơn 20 triệu đồng, so với trước khóa học chỉ là 4,5 triệu đồng. Sau khi kết thúc khóa đào tạo, chị Lan vẫn tiếp tục áp dụng những kiến thức đã học để duy trì và củng cố kênh bán hàng trực tuyến của hợp tác xã. 

Tính đến tháng 2/2023, trung bình mỗi tháng hợp tác xã đạt doanh thu khoảng 55 triệu đồng đối với hoạt động kinh doanh thổ cẩm và dịch vụ trải nghiệm vẽ sáp ong. Vào mùa cao điểm, doanh thu của hợp tác xã có thể đạt trên 70 triệu đồng/tháng.

"Từ chỗ thiếu kiến thức và kinh nghiệm với các công cụ trực tuyến, giờ đây tôi thường xuyên sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm và thu hút khách hàng. Tôi cũng chia sẻ với các thành viên liên kết của hợp tác xã cách sử dụng các kênh trực tuyến để việc buôn bán được thuận lợi hơn", chị Sùng Thị Lan phấn khởi.

Nữ giám đốc vùng cao linh hoạt chuyển đổi số, thúc đẩy khả năng phục hồi kinh doanh du lịch - Ảnh 7.

Từ đó, thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá văn hóa Việt Nam, nâng cao trải nghiệm cho du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài

Truyền cảm hứng cho phụ nữ dân tộc Mông nâng cao quyền năng kinh tế

Những nỗ lực không ngừng nghỉ của Lan đã giúp nâng quyền và truyền cảm hứng cho những phụ nữ Mông khác tham gia vào hoạt động du lịch để cải thiện thu nhập và khả năng ra quyết định trong gia đình và cộng đồng của họ.

"Tham gia vào hợp tác xã giúp tôi và các chị em khác có thêm nhiều việc hơn. Nhất là trong hai năm COVID vừa qua, tôi vẫn có công ăn việc làm và thu nhập tốt hơn," chị Vàng Thị Mẩy, dân tộc Dao ở Tả Van, Sapa chia sẻ.

Chị Sùng Thị Lan truyền cảm hứng cho chị em dân tộc thiểu số vươn lên, khẳng định bản thân

Ngành du lịch đang phục hồi nhưng với tốc độ chậm tiếp tục đặt ra những thách thức mới cho hợp tác xã, nhưng chị Lan vẫn luôn tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết để dẫn dắt hợp tác xã phát triển bền vững.

Quỳnh Phương
24/03/2023 12:00