Chồng đi biền biệt 7 năm và hy sinh tại chiến trường vào năm 1970, kể từ đó cụ Nguyễn Thị Viên (80 tuổi, xã Thượng Mỗ, Đan Phượng, Hà Nội) chọn ở vậy để thờ chồng. Tuy nhiên, cho đến nay, cụ vẫn chưa được công nhận là vợ liệt sĩ.
Tìm về thôn An Sơn 2 (xã Thượng Mỗ) vào những ngày tháng 7, để gặp một người phụ nữ có số phận bất hạnh và nhiều bi kịch. Trong căn nhà cấp 4 lợp mái tôn, cụ Viên đang lặng lẽ chuẩn bị bữa cơm trưa, mọi khi cụ ăn có một mình, con gái cụ lấy chồng phải theo chồng, thỉnh thoảng hai vợ chồng con gái mới về thăm mẹ. Ở phía trên, chính giữa gian nhà là bàn thờ của chồng cụ – liệt sĩ Hoàng Văn Bính.
Mẹ chồng ghẻ lạnh nàng dâu vì chưa có cháu bế
Cụ Viên là con út của một gia đình trung nông gồm 3 người con (1 trai, 2 gái). Năm 13 tuổi theo lời ông mai bà mối, cụ được bố mẹ gả cho một gia đình "môn đăng hộ đối" gần nhà, người chồng của cụ khi ấy mới 8 tuổi. Vì gia đình nhà chồng thuộc diện độc đinh (chỉ có một con trai), nên việc lấy vợ sớm cho con là để nhà có người làm, phụ giúp lo công việc vườn tược, đồng áng. Buổi lễ tơ hồng mà cụ Viên nhớ là vào "năm cải cách ruộng đất" ấy (năm 1953) có sự chứng kiến và chấp nhận của họ hàng hai bên, cho phép cụ về làm dâu nhà họ Hoàng.
Năm 1963, khi chồng cụ sang tuổi 18, dẫu không thuộc phải diện đi nghĩa vụ quân sự nhưng vì là đảng viên, khi ấy cụ ông đang làm ở bệnh xá đã viết đơn tình nguyện xin đi bộ đội. Cụ ông nhập ngũ vào tháng 10 cùng năm, trước khi lên đường cụ nắm tay vợ dặn dò, "Em gắng ở nhà trông bố mẹ cho anh. Anh đi 3 năm rồi anh lại về", cụ Viên nhớ lại lời chồng.
Nghe lời chồng, cụ Viên vẫn sớm tối thay chồng ân cần chăm sóc bố mẹ già, lo chu toàn mọi việc trong nhà. Vào những ngày mùa đông, dù trên người chỉ độc manh áo mỏng nhưng cụ vẫn cố gắng cày cấy để mẹ chồng được vui lòng. Thậm chí có những khi đi cắt cỏ trở về nhà, mẹ chồng lo con dâu lười biếng nên có đột xuất kiểm tra nhưng cụ cũng không một lời oán trách, vẫn cam chịu lo cho cho tròn bổn phận của một người con dâu, lấy chồng phải theo gia đình nhà chồng.
"Thân em mười sáu tuổi đầu,
Cha mẹ ép gả làm dâu nhà người.
Nói ra sợ chị em cười,
Năm ba chuyện thảm, chín mười chuyện cay.
Tôi về đã mấy năm nay,
Buồn riêng thì có, vui rày thì không.
Ngày thời vất vả ngoài đồng,
Tối về thời lại nằm không một mình!
Có đêm thức suốt năm canh,
Rau heo, cháo chó, loanh quanh đủ trò…"
- Tục ngữ Ca dao Dân ca Việt Nam, Vũ Ngọc Phan -
Nhưng 3 năm đằng đẵng đã trôi qua, cụ ông đi biền biệt mà không một bức thư, không một lời hồi âm nào từ chiến trường xa gửi về, không rõ cụ ông sống chết thế nào. Trong cảnh đó, thấy con trai không về, mẹ chồng càng ra vẻ tức tối, ngày càng chì chiết và ghẻ lạnh đối với cụ Viên hơn. Chính vì vậy mà, đến khoảng năm 1967, trong một lần cùng quẫn, lo rằng nếu không có con thì sẽ bị mẹ chồng đuổi ra khỏi nhà, cụ Viên đã trót dại ra ngoài "xin" một đứa con.
Tuy nhiên, vì hòn máu này không cùng máu mủ với gia đình nhà chồng, nên kể từ khi phát hiện nàng dâu mang thai, cụ Viên đã nhiều lần bị mẹ chồng đuổi đánh ra khỏi nhà. Do quá tủi nhục, cho nên sau khi sinh con, cụ Viên đã rời khỏi nhà chồng. Cha chồng khi ấy dẫu thương con dâu đến mấy, nhưng vì muốn giữ hòa thuận nên đành lực bất tòng tâm. Trước lúc ra đi, thương con dâu và cháu không có đồ đựng nước ăn, nên cha chồng có cho hai mẹ con cụ cái vại đựng nước mưa. Và đây cũng là phần tài sản đáng giá nhất mà cụ Viên được hưởng từ gia đình nhà chồng.
Thấy em gái bồng con dại trở về nhà, anh trai cụ Viên khi ấy là ông Đồ Na, đứng sẵn ở đầu ngõ tức giận đuổi đánh bằng được em gái về gia đình nhà chồng. Bởi theo quan niệm Nho giáo, con gái lấy chồng phải theo chồng, chết thì phải làm ma nhà chồng, nên nếu quay trở lại nhà bố mẹ đẻ thì gia đình đó sẽ bị làng xóm dị nghị là "không biết dạy con". Vì vậy, mỗi khi thấy anh trai, cụ Viên đều sợ hãi, ôm đứa con nhỏ tìm chỗ trốn, có khi trốn vào cối xay lúa bằng đá, hoặc trong vườn tược của hàng xóm.
Không được anh trai chấp nhận, cụ Viên đành phải ôm đứa con nhỏ ra mảnh vườn của cha mẹ để lại dựng túp lều tranh sống tạm qua ngày. Người ta giàu thì 3 bữa, cụ không giàu thì cố gắng ngày đỏ lửa 3 lần, để con thơ có nồi rau, chén cháo qua ngày. Từ ngày chuyển ra ở riêng, vì phải nuôi con thơ dại nên cụ không thể về lo công việc nhà chồng, nhưng mỗi khi bố mẹ chồng ốm đau, hoặc gia đình chồng có giỗ chạp hay vào dịp Tết cụ Viên đều có mặt.
Năm 1970, cụ Viên nhận được tin sét đánh, cụ Hoàng Văn Bính (SN 1945), Trung đội phó, thuộc đơn vị K-H đã hy sinh tại mặt trận phía Nam. Cũng như bao người vợ từng ngóng chồng khác, cụ Viên cũng đau đớn, cũng kể từ đây trong gian nhà tranh vách đất của mình cụ lập một bàn thờ chồng – liệt sĩ Hoàng Văn Bính. Về sau khi bố mẹ chồng lần lượt mất, cụ Viên cùng vợ chồng con gái cũng về đội khăn tang, lo tròn bổn phận của một người làm dâu con.
Được biết, trước lúc mất nhiều năm, bố chồng của cụ Viên có khuyên con dâu chuyển về nhà sinh sống cho đỡ vất vả, nhưng vì hiểu hoàn cảnh của mình nên cụ đành lặng im, trở lại túp lều tranh, một mình nuôi con gái nên người. Sau này, tuy có nhiều người đến dạm hỏi, nhưng vì sợ cái cảnh đi làm dâu, nên cụ quyết định ở vậy, nuôi con, thờ chồng.
Suốt 50 thờ chồng nhưng không được công nhận là "vợ liệt sỹ"
Đến năm 1995, khi Chính phủ ban hành Nghị định số 28-CP, Quy định và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công. Tuy nhiên, ở trường hợp của cụ Viên không được xét công nhận là vợ liệt sĩ vì trong hồ sơ của quân nhân Hoàng Văn Bính trước ngày nhập ngũ chỉ có kê khai tên bố mẹ, ở phần mục tình trạng hôn nhân bỏ trống. Nên về mặt hồ sơ, cụ Hoàng Văn Bính trước khi nhập ngũ chưa có vợ.
Nhận thấy điều này không phù hợp thực tế tại địa phương, nên ông Đặng Văn Hùng khi đó là Phó Chủ tịch xã Thượng Mỗ, Phó Ban Thương Binh - Xã hội có hướng dẫn cụ Viên thuyết phục nội tộc đằng chồng có lá đơn kiến nghị, công nhận cụ là vợ của liệt sĩ Hoàng Văn Bính, làm cơ sở để chính quyền địa phương xét và đề nghị công nhận cụ là vợ liệt sĩ. Tuy nhiên, do nội tộc đằng chồng không thống nhất và ký đơn xác nhận việc này, cho nên việc công nhận vợ liệt sĩ đối với cụ Viên đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa thực hiện được.
Theo cụ Hoàng Văn Đức (84 tuổi, thôn Đại Phú, xã Thượng Mỗ), Bí thư Đoàn Thanh niên xã Thượng Mỗ giai đoạn 1954 -1960, em họ của liệt sĩ Hoàng Văn Bính cho biết: Lý do của việc này, do liệt sĩ Bính là trưởng của một ngành, các cụ thân sinh liệt sĩ Bính chỉ có một con trai, còn một con gái (đã mất), trong khi tài sản để lại rất lớn. Trước vấn đề này, một số người trong họ và người đại diện thờ tự liệt sĩ Bính (cháu họ) lo rằng nếu công nhận cụ Viên là vợ liệt sĩ thì về sau cụ Viên sẽ cướp mất đất, hoặc sẽ bắt buộc phải phân chia tài sản trong trường hợp cụ Viên khởi kiện.
"Tuy rằng, mẹ chồng nàng dâu có mâu thuẫn với nhau, nhiều lần không công nhận và đuổi con dâu ra khỏi nhà. Dẫu vậy, kể khi chuyển ra ngoài, chị ấy vẫn đối xử với bố mẹ chồng tốt, đúng nghĩa của một người làm con dâu – khi bố mẹ ốm đau thì phụng dưỡng, lúc bố mẹ qua đời thì để tang, lo ma chay. Vì đó, mỗi lần gặp nhau, tôi thường nói với chị ấy làm đơn xác nhận vợ liệt sĩ đi, nhưng vì có lẽ làm mấy lần rồi mà đằng chồng không xác nhận cho nên chị ấy không làm nữa. Cũng thương chị ấy lắm, vì những trường hợp như của chị ấy ở cả huyện này đều được công nhận là vợ liệt sĩ rồi", ông Đức tâm sự.
"Tôi ở đây nhiều năm, năm nào thấy giỗ hai bác và anh tôi chị ấy cũng về. Lo việc xong rồi lại đi, chị ấy không bao giờ đỏi hỏi chia chác cái gì cả", ông Hoàng Văn Dũng (54 tuổi, thôn Hoa Chử, xã Thượng Mỗ), em ruột của người đại diện thờ tự liệt sĩ cho biết.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Đỗ Xuân Định (60 tuổi), Bí thư Chi bộ thôn Đại Phú và cũng là cháu ruột của cụ Viên, một trong những người tham gia viết lá đơn trên (vì cụ Viên không biết chữ) cho biết, "Nội dung lá đơn xác nhận ngày ấy có ghi rõ rằng, gia đình cô tôi cam kết không lấy bất cứ một tài sản gì, kể cả tiền thờ cúng. Chúng tôi chỉ cần phía nội tộc chú rể xác nhận cô tôi là vợ của liệt sĩ. Tuy nhiên, sự việc sau đó không thành".
Cũng theo ông Định, trước đó một năm, nhân một buổi sinh hoạt Đảng, ông Định và người đại diện thờ tự liệt sĩ Hoàng Văn Bính khi đó là Bí thư Chi bộ thôn Hoa Chử (xã Thượng Mỗ) đã có một buổi trò chuyện tâm sự với nhau về nguyện vọng cô ruột ông là sớm được công nhận là vợ liệt sĩ. "Ông ấy có nói lại, thủ tục thì ông ấy không làm được nhưng nếu gia đình chúng tôi tìm được cơ sở nào để làm thì ông ấy sẽ sẵn sàng, và cung cấp giấy tờ cần thiết để hoàn tất thủ tục", ông Định nhớ lại.
Chia sẻ về vụ việc trên, ông Hoàng Văn Trọng (70 tuổi, thôn Hoa Chử), cháu họ và là người đại diện thờ tự liệt sĩ Hoàng Văn Bính cho biết: "Tôi thán thành nguyện vọng được Nhà nước công nhận là vợ liệt sĩ của gia đình chị Viên. Tuy nhiên, nếu gia đình chị đòi hỏi đất đai thì tôi không đồng ý. Bởi vậy, tôi mong các cơ quan Nhà nước có thể hướng dẫn chúng tôi một cách chi tiết và rõ ràng về thủ tục này, để làm sao đảm bảo quyền thừa kế tài sản và việc thờ cúng liệt sĩ của chúng tôi".
Xác nhận về vụ việc trên, UBND xã Thượng Mỗ cho biết, trường hợp của cụ Nguyễn Thị Viên không làm được chế độ dành cho vợ liệt sĩ vì phía bên gia đình liệt sĩ không xác nhận cụ là vợ của liệt sĩ. Ngoài ra, cụ Viên cũng không có giấy tờ nào để chứng minh mình là vợ của liệt sĩ.
Được biết, trước khi con cháu cụ Viên gửi lá đơn xác nhận đến gia đình ông Hoàng Văn Trọng, ngày 2/1/1995, phía nội tộc liệt sĩ Hoàng Văn Bính có tổ chức họp họ để thống nhất giao lại việc thừa kế, trông nom gia đình liệt sĩ và Bà mẹ Việt Nam anh hùng Tạ Thị Bảy (mẹ liệt sĩ Hoàng Văn Bính) cho ông Hoàng Văn Trọng. Buổi họp này có 6 người, trong đó có cụ Nguyễn Thị Viên, theo biên bản của buổi họp có ghi rõ "Bà Nguyễn Thị Viên gọi Bà mẹ Việt Nam anh hùng là mẹ chồng". Ngoài ra, tại buổi họp còn có 5 người đại diện của chính quyền xã Thượng Mỗ đến dự và xác nhận vụ việc.
Cụ Viên tham gia cuộc họp nội tộc họ Hoàng thống nhất việc giao lại việc thừa kế, trông nom gia đình liệt sĩ và Bà mẹ Việt Nam anh hùng với tư cách là con dâu, vợ của liệt sĩ Hoàng Văn Bính
Trở lại với cụ Viên, trong căn nhà nhỏ cụ vẫn đang lầm lũi một mình, cụ chậm rãi châm nén hương, sắp mâm cơm để thắp hương cho người chồng quá cố của mình. Mặc dù cụ ông đã ra đi gần 70 năm, nhưng tình cảm của cụ đối với cụ ông vẫn một lòng nguyên vẹn, sống thì theo chồng, chồng chết thì thờ chồng cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay.
Chia sẻ về câu chuyện này, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp (Hà Nội) cho biết:
Liệt sĩ là người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân được Nhà nước truy tặng Bằng "Tổ quốc ghi công" (Khoản 1 Điều 11 Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 và pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 sửa đổi bổ sung về ưu đãi người có công với cách mạng).
Theo Khoản 1 Điều 14 pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, thì: Thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp "Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ" bao gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ; Vợ hoặc chồng; Con; Người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ.
Để xác định cụ Viện là vợ của cụ Bính trong hôn nhân thực tế trước khi cụ Bính hi sinh, cần có tài liệu, giấy tờ xác nhận của UBND cấp xã về các vấn đề sau:
- Thời gian cụ Bính và cụ Viện chung sống như vợ chồng hoặc có quan hệ tình cảm như vợ chồng.
- Sau khi cụ Bính hi sinh, cụ Viện một mình nuôi con nuôi và chăm sóc bố mẹ chồng, không kết hôn với người nào nữa, cũng không có thêm con ngoài giá thú.
- Cụ Viện là người để tang chồng, thờ chồng và ngày lễ, tết, giỗ vẫn đến thăm nhà chồng.
- Gia đình, họ hàng liệt sĩ Bính, hàng xóm, người già sinh sống lâu năm tại địa phương có xác nhận cụ Viện có hôn nhận thực tế với ông Bính.
- Liệt sĩ Bính đã được Nhà nước công nhận là liệt sĩ.
Thời điểm ông Bính hi sinh xảy ra trước ngày 3/1/1986 (trước ngày Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 có hiệu lực thi hành). Do đó có thể vận dụng điểm a, mục 3 Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 9/6/2000 của Quốc hội; điểm d mục 2 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 3/1/2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và điểm a, mục 1, Phần II Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16/4/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Điều 44 Nghị định 123/2015/NĐ-CP làm căn cứ xác định trường hợp cụ Viện và cụ Bính có quan hệ hôn nhân thực tế, việc họ chung sống với nhau đã được người khác hay tổ chức chứng kiến, nhưng chưa đăng ký kết hôn.
Qua các tài liệu, giấy tờ xác nhận của UBND xã mà có cơ sở xác định cụ Viện là vợ của liệt sỹ Bính, thì giải quyết chế độ ưu đãi thân nhân liệt sỹ đối với cụ Viện theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Cụ thể pháp luật quy định về quan hệ hôn nhân thực tế trước năm 1986 như sau:
Theo điểm a, mục 3 Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 9/6/2000 của Quốc hội: "Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03 tháng 01 năm 1987, ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn".
Điểm d mục 2 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 3/1/2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp quy định: "Được coi nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng, nếu họ có đủ điều kiện để kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 và thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau;
- Việc họ về chung sống với nhau được gia đình (một bên hoặc cả hai bên) chấp nhận;
- Việc họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến;
- Họ thực sự có chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình.
Thời điểm nam và nữ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng là ngày họ tổ chức lễ cưới hoặc ngày họ về chung sống với nhau được gia đình (một hoặc cả hai bên) chấp nhận hoặc ngày họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến hoặc ngày họ thực sự bắt đầu chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình".
Thực hiện: Trường Hùng