Ở nơi níu kéo sự sống cho bệnh nhân Covid-19 nặng

Ở NƠI NÍU KÉO SỰ SỐNG CHO BỆNH NHÂN COVID-19 NẶNG

"Mạch vẫn còn, mạch vẫn còn"; "Tiếp tục ép tim ngoài lồng ngực"; "Nhanh lên, đặt lại ống nội khí quản", bác sĩ Đinh Hương Quỳnh (khoa Hồi sức tích cực-Chống độc, BV Nhân dân Gia Định), Trưởng tua trực khoa Hồi sức tích cực ICU - 1A (BV Hồi sức Covid-19 TPHCM) liên tục ra y lệnh với các đồng nghiệp.

Ngay lập tức, những bước chân khẩn trương chạy đến, các y cụ nhanh chóng được các thành viên sử dụng... Bác sĩ Quỳnh sử dụng ống hút đờm khai thông đường hô hấp và đặt lại nội khí quản cho bệnh nhân T.A.M. (66 tuổi, trú tại TPHCM) đang khó thở. Đây là bệnh nhân có thể trạng béo phì, thở máy 100%, lượng oxy trong máu đột ngột giảm, buộc kíp của bác sĩ Quỳnh phải rút nội khí quản ra và đặt lại cho bệnh nhân, tránh tình trạng oxy trong máu quá thấp, bệnh nhân sẽ ngưng tim.

Trước đó khoảng 10 phút, bệnh nhân L.T.P. (80 tuổi, trú tại TPHCM) cũng rơi vào tình trạng nguy kịch do đột ngột ngưng tim. Cả ekip của bác sĩ Quỳnh cũng nhanh chóng cấp cứu cho bệnh nhân. Sau nhiều phút, khi màn hình thể hiện nhịp tim của bệnh nhân đã đập trở lại, bác sĩ Quỳnh cùng mọi người mới thở phào, rồi sắp xếp lại y cụ.

Ngay sau đó, điều dưỡng báo bệnh nhân T.A.M. cần được cấp cứu, bác sĩ Quỳnh bèn lách người qua các đồng nghiệp chạy đến giường bệnh để cấp cứu cho bệnh nhân. Sau gần 20 phút giằng co với "tử thần", nghe tiếng đồng nghiệp nói "ổn rồi chị", mọi người hiểu rằng bệnh nhân M. đã qua được cơn nguy kịch.

Các BV Hồi sức bệnh nhân Covid-19 tại TPHCM là nơi giành giật sự sống cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng và nguy kịch. Hình ảnh bác sĩ Quỳnh thoăn thoắt, nhanh nhẹn, di chuyển liên tục đến từng giường bệnh kiểm tra tình trạng của bệnh nhân đã trở nên quen thuộc với các người bệnh và đồng nghiệp tại BV. Bác sĩ Trần Thanh Linh, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu BV Chợ Rẫy kiêm Phó Giám đốc BV Hồi sức Covid-19 TPHCM cho biết, làm việc ở đây, các y, bác sĩ ai cũng phải liên tục di chuyển, liên tục thăm khám, cấp cứu bởi hầu hết là bệnh nhân nặng. "Có trường hợp vừa ổn định, vài phút sau lại trở nặng, nguy kịch. Hoặc có khi đang cấp cứu cho bệnh nhân này, thì bệnh nhân khác cũng trở nặng cần được can thiệp. Vì thế, các y, bác sĩ phải luôn chân, luôn tay để hỗ trợ bệnh nhân", bác sĩ Linh chia sẻ.

Ở nơi níu kéo sự sống cho bệnh nhân Covid-19 nặng - Ảnh 1.

Cử nhân vật lý trị liệu Trương Văn Hiền hỗ trợ bệnh nhân Covid-19

Cán bộ y tế F0 tự nguyện chăm bệnh nhân Covid-19

Cử nhân vật lý trị liệu Trương Văn Hiền, hiện làm việc tại BV Hồi sức người bệnh Covid-19 TPHCM (đóng tại TP Thủ Đức) là một F0 có triệu chứng nhẹ. Đầu tháng 9, anh được xác định là F0 và cách ly tại BV. Ban đầu, anh cũng lo lắng, tuy nhiên khi biết ở những phòng bên cạnh nhiều bệnh nhân có hơi thở yếu nên anh đề đạt với cấp trên cho mình hàng ngày hướng dẫn bệnh nhân tập vật lý trị liệu (VLTL) như tập thở, tập vận động và được BV chấp thuận. Công việc của anh hàng ngày là hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân thở máy; hỗ trợ tập thở cho bệnh nhân phải thở oxy dòng cao; thở oxy bình thường.

Khi hỗ trợ bệnh nhân, anh vừa nâng niu đôi chân, nhịp nhàng tập cử động các khớp tay cho người này xong thì lại đôn đáo chạy đến với bệnh nhân khác. "Nhu cầu được tập VLTL của bệnh nhân Covid-19 rất nhiều. Mình là F0, nhưng không có triệu chứng, lại là người ham việc, ham vận động, nếu chỉ nằm cách ly thì phí quá nên xin hỗ trợ cho các bệnh nhân", Hiền tâm sự.

Anh Hiền bảo, khi bệnh nhân Covid-19 kêu khó thở là cảm nhận được ngay đang ở mức độ nào để có phương pháp tập ngồi lên, nằm xuống hoặc hít mạnh, thở sâu... từ đó giúp ngăn chặn bệnh chuyển biến xấu. Có những trường hợp từ tập VLTL đã ngăn được thở máy, chỉ cần thở oxy ít ngày đã có thể xuất viện. "Kinh nghiệm của tôi cho thấy, khi bệnh nhân đã phải thở máy, phổi đông đặc rồi thì nó rất xơ cứng, cơ liên sườn cũng cứng theo. Do đó, nhiệm vụ của người tập VLTL là làm mềm phổi, xoa bóp bên ngoài làm cho các cơ quanh phổi, vai được mềm ra. Sau đó dùng kỹ thuật nén ép để gia tăng nhanh sự lưu thông của phổi, giúp ngăn ngừa phải thở máy. Mục đích cao nhất là giúp bệnh nhân tự thở được, đưa bệnh nhân từ nằm im đến tự vận động. Mỗi lần có một bệnh nhân bớt khó thở sau khi tập VLTL là tôi thấy rất vui", anh Hiền chia sẻ.

Linh Trần