Phát triển dược liệu xanh, đưa sản phẩm Việt vươn ra thế giới

Tập trung phát triển sản xuất theo xu hướng bền vững; ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh phù hợp với thời đại công nghệ xanh của Việt Nam và trên thế giới, dự án khởi nghiệp của chị Trịnh Thị Hòa, tỉnh Ninh Bình đã tạo được công ăn việc làm cho lao động nữ tại địa phương và ghi dấu ấn trên thị trường.

Tại Hội nghị thượng đỉnh P4G vừa được tổ chức tại Hà Nội, những sản phẩm dược liệu như: Viên tinh bột nghệ vàng tẩm mật ong, bột sắn dây, tinh bột nghệ vàng, tinh bột nghệ đen, viên hà thủ ô mật ong… của HTX sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, do chị Trịnh Thị Hòa làm Phó giám đốc được vinh dự tham gia Triển lãm Khởi nghiệp sáng tạo. HTX Sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn cũng là đơn vị duy nhất trong các đơn vị, doanh nghiệp tham dự triển lãm được ghi danh trong Tạp chí phục vụ Hội nghị thượng đỉnh P4G.

Hội nghị P4G có tên đầy đủ là Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu (P4G).

Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ 4 được tổ chức tại Việt Nam từ ngày 16-17/4/2025 có chủ đề "Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm", bao gồm Triển lãm về Tăng trưởng xanh, phiên thảo luận cấp cao về chủ đề của Hội nghị, Đối thoại doanh nghiệp và 5 phiên thảo luận cấp Bộ trưởng, tập trung vào các lĩnh vực huy động nguồn lực, chuyển đổi hệ thống lương thực, các giải pháp đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực và chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững.

Trong bối cảnh phát triển bền vững và chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu, là lựa chọn chiến lược của các quốc gia, có mặt tại Hội nghị thượng đỉnh P4G là cơ hội để các sản phẩm của HTX sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn nói riêng, các sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, của Việt Nam nói chung có mặt tại các quốc gia trên thế giới. 

Đặc biệt, với những phụ nữ khởi nghiệp như chị Trịnh Thị Hòa, có mặt tại sự kiện đã mở ra cơ hội, niềm tin, sức mạnh cho phụ nữ khởi nghiệp; lan toả tinh thần khởi nghiệp, "dám nghĩ, dám làm" cho hội viên phụ nữ tại cộng đồng. Vinh dự này cũng góp phần giúp cho cộng đồng các doanh nghiệp ở Việt Nam khẳng định những cam kết mạnh mẽ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, thúc đẩy các chiến lược chuyển đổi xanh và bền vững ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Phát triển dược liệu xanh, đưa sản phẩm Việt vươn ra thế giới- Ảnh 1.
Phát triển dược liệu xanh, đưa sản phẩm Việt vươn ra thế giới- Ảnh 2.
Phát triển dược liệu xanh, đưa sản phẩm Việt vươn ra thế giới- Ảnh 3.

Chị Trịnh Thị Hòa và các sản phẩm của HTX Sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn tham gia Triển lãm Khởi nghiệp sáng tạo, Hội nghị thượng đỉnh P4G.

Chị Trịnh Thị Hoà - Phó Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn, TP. Tam Điệp cũng là chủ Dự án "Phát triển dược liệu xanh bền vững" được Hội LHPN tỉnh Ninh Bình chọn tham gia Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp, sáng tạo và chuyển đổi xanh" năm 2024 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức và đoạt Giải Khuyến khích.

Hành trình khởi nghiệp từ vườn nghệ

Tốt nghiệp đại học Chuyên ngành Sinh học lại có đam mê với dược liệu, chị Hòa luôn mong muốn tìm được loại dược liệu dễ trồng nhằm nâng cao thu nhập cho bản thân và chị em phụ nữ địa phương. Chị cũng luôn trăn trở vì hiện dược liệu giả trôi nổi trên thị trường rất nhiều, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ cộng đồng. Đó là động lực để chị quyết tâm nghiên cứu các sản phẩm tốt, góp phần bảo vệ chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho người dùng.

Chị Trịnh Thị Hòa cho biết: Bản thân tôi là người con địa phương đã được đào tạo về chuyên môn và được trải nghiệm thực tế ở các khu rừng quốc gia Bạch Mã (Huế), rừng Cúc Phương (Ninh Bình)…, tôi nhận thấy tiềm năng dược liệu theo hướng hữu cơ. Đó là lý do tôi triển khai dự án "Phát triển dược liệu xanh bền vững" và một trong những nội dung chính của dự án là tập trung góp phần nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong việc tham gia phát triển kinh tế.

Phát triển dược liệu xanh, đưa sản phẩm Việt vươn ra thế giới- Ảnh 4.

Chị Hòa đã vận động bà con, nhất là phụ nữ nông thôn tận dụng đất vườn hoang tạp nhà mình, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát dọn cỏ dại và cây ăn quả già cỗi không có thu nhập để cải tạo đất trồng cây dược liệu, trong đó lấy cây nghệ là chính.

Qua thử nghiệm, dự án trồng dược liệu tại địa phương đã giúp tăng việc làm tạo thu nhập cho nhóm phụ nữ trung tuổi và cao tuổi (từ 50 - 70 tuổi - là những người không đủ điều kiện đi làm công nhân công ty). Tham gia vào HTX, chị em phụ nữ được tập huấn kĩ thuật canh tác tiên tiến, khoa học về vận dụng tại vườn nhà mình mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ khi tham gia vào HTX, chúng tôi đã biết các sản xuất không dùng đến hóa chất, đảm bảo sức khỏe. Chúng tôi còn biết áp dụng cơ giới hóa, các loại máy móc hiên đại vào sản xuất. Vì thế, công việc đỡ vất vả, có thu nhập cao hơn".

Bà Lê Thị Dang (thành viên HTX sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn)

Hiện sản phẩm nghệ của hợp tác xã đã đạt được chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao và đạt cúp Sản phẩm Vàng vì Nông nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, HTX còn có các sản phẩm khác như: Viên cà gai leo, hà thủ ô, bột sắn dây… được thị trường đón nhận.

HTX cũng tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động nữ, trên 50 lao động thời vụ và tạo việc làm gián tiếp cho hàng nghìn phụ nữ qua các kênh bán hàng online. HTX cũng đã ký kết hợp đồng xuất khẩu sản phẩm sang Anh, mở ra cơ hội vươn xa cho dược liệu Yên Sơn.

Đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp

Trên hành trình của mình, chị Trịnh Thị Hòa cho biết, cùng với sự nỗ lực của bản thân, sự chung sức của các thành viên trong HTX, chị luôn nhận được sự hỗ trợ đồng hành của các cấp Hội LHPN trong tỉnh Ninh Bình.

Phát triển dược liệu xanh, đưa sản phẩm Việt vươn ra thế giới- Ảnh 5.

Chị Trịnh Thị Hòa, Phó Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình:

Hội LHPN địa phương đã hỗ trợ tập huấn, vay vốn, chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện để tôi tham quan những mô hình tiên tiến, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tham gia trưng bày sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo trong và ngoài tỉnh cũng như tham gia nhiều cuộc thi do Hội LHPN tổ chức.

Từ các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của Hội LHPN các cấp trong tỉnh, chị Hòa và nhiều chị em đã mạnh dạn, tự tin khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo ở những quy mô khác nhau, giúp phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, cải thiện đời sống, từng bước nâng cao vai trò, vị thế.

Triển khai đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" (Đề án 939), Hội LHPN tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các tổ chức Hội tại địa phương căn cứ tình hình thực tế chủ động xây dựng kế hoạch, thực hiện lồng ghép hiệu quả trong các hoạt động, chương trình, phong trào hằng năm.

Năm 2024, toàn tỉnh có gần 300 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh thành công. Từ nhiều ý tưởng khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo, các cấp Hội đã phối hợp, hỗ trợ thành lập mới 8 tổ hợp tác, 1 hợp tác xã do phụ nữ quản lý. Hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp còn được gắn với chương trình OCOP của tỉnh với nhiều sản phẩm, sản vật được đánh giá cao. Năm 2024, các cấp Hội xây dựng được 19 sản phẩm OCOP, trong đó 3 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao.

Bí quyết để vươn xa

Là một trong những HTX tiêu biểu của thành phố Tam Điệp và tỉnh Ninh Bình, chị Trịnh Thị Hòa và các thành viên trong HTX đã luôn nỗ lực từng ngày. 

Chị Hòa chia sẻ: "HTX đã chủ động xây dựng quy trình sản xuất, chế biến khép kín từ khâu trồng, chăm sóc, nghiên cứu sản xuất tạo ra các sản phẩm từ cây dược liệu thành một chuỗi giá trị bền vững trong nông nghiệp của địa phương. Chúng tôi đã phát triển diện tích đất vùng trồng ở nhiều huyện của tỉnh Ninh Bình. Trong công nghệ trồng, chúng tôi không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật; hoàn toàn sử dụng các chất hữu cơ. Vì vậy, chất lượng củ nghệ, củ sắn dây hay cà gai leo đều phát triển tốt, năng suất cao; không chỉ tăng thu nhập cho bà con nông dân mà còn bảo vệ môi trường và sức khỏe người lao động".

Phát triển dược liệu xanh, đưa sản phẩm Việt vươn ra thế giới- Ảnh 6.

Tham gia HTX, chị em phụ nữ được tập huấn kĩ thuật canh tác tiên tiến, khoa học về vận dụng tại vườn nhà mình mang lại hiệu quả kinh tế cao

Để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, HTX quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, cùng với đó là nâng cao chất lượng sản phẩm. Bộ tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm đảm bảo tính minh bạch thông tin. Khi khách hàng check mã QR sẽ hiện ra tất cả các khâu từ chọn giống cây trồng đến khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến thành phẩm và đóng gói, đưa ra thị trường.

Bên cạnh đó, chị Trịnh Thị Hòa cũng luôn linh hoạt, nắm bắt cơ hội từ thị trường thương mại điện tử. "Chúng tôi bắt đầu tiếp cận thị trường bán hàng trực tuyến từ năm 2019. Đó cũng là thời điểm sản phẩm đầu tiên của HTX là tinh bột nghệ vàng được chứng nhận là sản phẩm OCOP. Khi đó, chúng tôi bắt đầu lập trang web, fanpage trên mạng xã hội Facebook, Zalo, kênh Youtube... để đăng các bài viết quảng bá về sản phẩm. Các sở, ngành của tỉnh đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho chúng tôi tham gia các hội nhóm, diễn đàn trên mạng xã hội dành riêng cho các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Tại đó, chúng tôi được tiếp cận với nhiều cá nhân, doanh nghiệp mà sau này trở thành đối tác phân phối sản phẩm. 

Đến nay, trên 70% số lượng hàng hóa của HTX được tiêu thụ qua các kênh bán hàng trực tuyến. Hiện nay, sản phẩm của HTX đã có mặt trên hầu hết các sàn giao dịch thương mại điện tử quen thuộc với người tiêu dùng trong nước như Shopee, Lazada... Điều kiện tiên quyết để thành công trên thị trường thương mại điện tử là niềm tin của khách hàng. Để có được niềm tin đó, người sản xuất cần đảm bảo chất lượng của sản phẩm, bảo quản tốt để khi vận chuyển đến tay khách hàng, sản phẩm vẫn được đảm bảo", chị Hòa bật mí.

Bước từng bước nhỏ mà vững chắc, trái ngọt chị Trịnh Thị Hòa và HTX sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn đạt được là minh chứng cho sự nỗ lực, dám nghĩ, dám làm của phụ nữ trong phong trào khởi nghiệp. 

Liên hệ: HTX sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn
Địa chỉ: Thôn Nguyễn, xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình
Điện thoại: 0833779530

Lệ Hằng - Lê Hoa
19/04/2025 16:00