Phóng viên AI "đổ bộ" truyền thông, tranh cãi nổi lên

Video clip do Channel 1 sử dụng người dẫn chương trình AI từ hình ảnh được quét lại (scan) từ những người thật.

Phóng viên AI hoạt động 24/7

Đoạn video kể trên là bản tin thời sự dài 22 phút cho thấy không có nhiều khác biệt so với bản tin của các hãng tin tức hàng đầu thế giới hiện đang thực hiện. Video này được đăng tải trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter). Trong 22 phút, các "phóng viên" thay nhau dẫn các bản tin liên quan đến những tin tức thời sự quan trọng ở khắp nơi trên thế giới.

Video này là một sản phẩm quảng cáo của Channel 1 (một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Los Angeles, Mỹ) được thành lập bởi 2 doanh nhân Adam Mosam và Scott Zabielski. Mới đây, Channel 1 tuyên bố sẽ sản xuất bản tin để phát sóng trên một nền tảng truyền hình trực tuyến vào cuối năm nay. Video trên được xem như một sản phẩm thử nghiệm.

Những người đưa tin trong video được tạo ra từ hình ảnh được quét lại (scan) từ những người thật. Giọng nói cũng được tạo ra từ công nghệ kỹ thuật số. Những người dẫn này có thể đưa tin bằng bất kỳ ngôn ngữ nào.

Doanh nhân Adam Mosam chia sẻ: "Chúng tôi thấy rằng có một cơ hội rất thú vị để nâng cao trải nghiệm người dùng khi tiếp nhận tin tức thông qua việc sử dụng AI hướng tới việc cá nhân hóa nội dung cho từng người xem".

Phóng viên AI "đổ bộ" truyền thông, tranh cãi nổi lên - Ảnh 1.

Những người dẫn chương trình do Channel 1 thử nghiệm này có thể đưa tin bằng bất kỳ ngôn ngữ nào.

Theo Channel 1, đội ngũ "phóng viên AI" của họ có thể cung cấp cái nhìn toàn cảnh, 24/7 về thế giới. Đoạn video giới thiệu cũng cho thấy công nghệ AI có thể giúp dịch kịch bản và câu trả lời phỏng vấn từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác.

Channel 1 là trường hợp mới nhất trong xu hướng sử dụng AI làm người dẫn chương trình tin tức trên toàn thế giới. Công ty này đã tiến xa hơn một bước so với các chương trình truyền hình trước đây là thực hiện cả công đoạn đưa tin tức bằng AI.

Trước đó, tại Kuwait, một nhân vật AI mang tên Fedha đã được sử dụng cho bản tin của đài truyền hình quốc gia.

Hermes là một người đưa tin AI khác cũng đã được đài truyền hình ERT của Hy Lạp sử dụng.

Ở Hàn Quốc, đài SBS đã giao nhiệm vụ đọc tin tức cho Zae-In, một bản sao deepfake (công nghệ cho phép sao chép cử chỉ, điệu bộ, nét mặt… của người thật với độ chính xác cao, sử dụng công nghệ AI) trong vòng 5 tháng.

Công nghệ này cũng đã được thử nghiệm tại Ấn Độ và Đài Loan (Trung Quốc).

Phóng viên AI "đổ bộ" truyền thông, tranh cãi nổi lên - Ảnh 2.
Phóng viên AI "đổ bộ" truyền thông, tranh cãi nổi lên - Ảnh 3.
Phóng viên AI "đổ bộ" truyền thông, tranh cãi nổi lên - Ảnh 4.
Phóng viên AI "đổ bộ" truyền thông, tranh cãi nổi lên - Ảnh 5.

Từ trên xuống, trái sang: người dẫn chương trình truyền hình là AI của đài truyền hình quốc gia Kuwait, truyền hình ERT (Hy Lạp), đài SBS (Hàn Quốc) và bản tin phát trên mạng xã hội X của Channel 1 (Mỹ)

Khán, thính giả có tin tưởng tin tức của phóng viên AI?

Tuy nhiên, không phải cuộc thử nghiệm nào cũng thành công. Tập đoàn truyền thông Gannett (Mỹ) đã từ bỏ việc ứng dụng AI để tạo ra các tin bài về thể thao học đường cấp địa phương vào tháng 8 năm 2023 sau khi nhiều lỗi sai được phát hiện. Công chúng lo ngại rằng những sai lầm như vậy có thể xảy ra trên quy mô rộng lớn hơn. Sports Illustrated cũng là một trường hợp thất bại khác. Tạp chí thể thao tại Mỹ này bị chỉ trích vì xuất bản các bài báo được viết bởi AI, kèm theo ảnh chân dung và hồ sơ tác giả không có thật.

Những vụ việc này tiếp tục đặt ra một câu hỏi chưa có lời giải: Khán giả có tin tưởng tin tức do AI truyền tải hay không?

Theo một cuộc khảo sát của hãng Ipsos (công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường đa quốc gia có trụ sở chính tại Paris, Pháp), mức độ tin tưởng vào người dẫn tin tức đã giảm xuống mức thấp nhất. Nghiên cứu công bố mới đây cho thấy, chỉ 42% người được hỏi ở Vương quốc Anh tin tưởng người đọc tin trên truyền hình, giảm 16% so với thời điểm một năm về trước. Sự hoài nghi đối với người dẫn tin tức là một hiện tượng tương đối mới. Với nhiều khán giả, họ có xu hướng lựa chọn tin tức từ các nhà sáng tạo cá nhân hoặc người có ảnh hưởng trên các trang mạng xã hội.

Vì vậy, việc AI có tạo dựng được sự kết nối cá nhân với khán giả tương tự như mối quan hệ giữa con người với con người hay không vẫn còn để ngỏ. Doanh nhân Mosam thừa nhận: "Bạn sẽ không bao giờ có mối quan hệ với AI tương tự như với một người khác".

Việc những phóng viên không đọc tin tức không phải là chưa có tiền lệ. Nic Newman, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện nghiên cứu Báo chí Reuters thuộc Đại học Oxford (Anh) và cựu biên tập viên của đài BBC, chia sẻ: "Khi tôi bắt đầu làm báo, nhiều khi chúng tôi thuê diễn viên để đọc tin tức. Mọi người dường như chấp nhận điều này". Theo Nic Newman, từ việc các nhà báo không phải lúc nào cũng đọc tin tức của họ cho thấy thử nghiệm sử dụng người dẫn bản tin là AI có thể thành công tuy nó có những hạn chế nhất định. "Để truyền tải các chương trình tin tức, tính nhân văn sẽ vẫn thực sự quan trọng", Nic Newman nói.

Bên cạnh việc khó tạo dựng được lòng tin của công chúng, việc loại bỏ hoàn toàn yếu tố con người ra khỏi quá trình sản xuất tin tức vẫn là bất khả thi dù sự phát triển nhanh chóng của AI đã mở đường cho những công ty như Channel 1. Lý do là, tin tức do máy tính tạo ra vẫn cần được con người kiểm tra và chỉnh sửa.

Phóng viên AI "đổ bộ" truyền thông, tranh cãi nổi lên - Ảnh 6.
Phóng viên AI "đổ bộ" truyền thông, tranh cãi nổi lên - Ảnh 7.

Bên cạnh những tích cực do AI mang lại trong lĩnh vực báo chí truyền thông, các chuyên gia cảnh báo những hệ lụy từ phóng viên AI như tin giả, giao tiếp...

Bản tin của phóng viên AI dựa vào đâu?

Hiện tại, Channel 1 đang có khoảng chục nhân viên với nhiệm vụ kiểm tra các kịch bản do AI tạo ra và lựa chọn những tin tức cần được phát sóng. Mosam nói rằng, công ty ông có một quy trình 13 bước cho mỗi tin trước khi phát sóng để đảm bảo các vấn đề hạn chế liên quan đến AI không được đưa vào bản tin, ví dụ khi công cụ AI "bịa" ra nội dung không có thật.

Mosam và Newman đồng ý rằng, khả năng tìm ra các sự kiện đáng chú ý và đưa tin về chúng là một thách thức khác mà AI có thể gặp phải. Bản tin thử nghiệm của Channel 1 phụ thuộc nhiều vào các tin và cảnh quay được thực hiện bởi các phóng viên là những con người thực. "Nếu không có những nguồn tin đó thì AI hoàn toàn không có gì để làm việc", Newman nói.

Mosam tin rằng, một số yếu tố trong việc sản xuất tin tức có thể được thực hiện bởi AI nhưng một số khác thì không. Ông cho rằng máy tính sẽ "không bao giờ có thể thu thập thông tin thông qua giao tiếp mặt đối mặt hay phỏng vấn trực tiếp một cách hiệu quả". Nhưng theo ông, AI có thể sử dụng để phân tích dữ liệu thô như những hình ảnh được quay từ máy bay không người lái.

Cùng với kế hoạch ứng dụng AI trong tổng hợp, trình bày bản tin, Channel 1 còn có dự định sử dụng AI để "tái tạo" ảnh chụp và cảnh quay tại những sự kiện mà "camera không thể quay chụp lại được. "Điều chúng tôi đang tìm cách làm trước khi đưa ra công chúng là thêm các chỉ dấu rõ ràng cho biết rằng đây là hình ảnh được tạo ra thay vì có thật", ông Mosam nói.

Phóng viên AI "đổ bộ" truyền thông, tranh cãi nổi lên - Ảnh 8.

Theo một số biên tập viên, khi AI tham gia sâu vào quá trình sản xuất tin tức sẽ đẩy nhanh quá trình mất đi của những chương trình chất lượng.

Lo ngại về AI hóa trong báo chí

Mặc dù vậy, các chuyên gia trong lĩnh vực báo chí truyền thông bày tỏ nhiều quan ngại liên quan đến vấn đề giả mạo tin tức. Kristen Ruby, Giám đốc Điều hành của công ty tư vấn truyền thông Ruby Media Group (New York, Mỹ), viết trên mạng xã hội X: "Khi người dẫn chương trình tin tức là AI thay thế người dẫn thực, khái niệm 'tin giả' sẽ có một ý nghĩa hoàn toàn khác".

Alec Lazenby, một phóng viên của chương trình phát thanh BC Today, thuộc đài truyền hình quốc gia của Canada, cũng chia sẻ lo ngại của mình trên mạng X: "Điều này thật đáng sợ. Trong khi việc phát triển một chương trình phát sóng hoàn toàn bằng AI là rất ấn tượng thì nó cũng có thể gây ra những hệ lụy lớn cho ngành công nghiệp tin tức. Điều dễ thấy nhất là đẩy nhanh quá trình mất đi của các phóng viên và người dẫn chương trình chất lượng - điều mà gần đây đang cạn kiệt".

Nhiều người cũng đã chỉ ra những lỗi về mặt hình ảnh của những người đưa tin AI. Nếu nhìn kỹ vào bàn tay, người xem sẽ thấy những ngón tay dài hơn và đôi lúc xuất hiện nhiều hơn 5 ngón trên mỗi bàn tay. Mặc dù đôi mắt của những nhân vật này vẫn chớp như con người nhưng chúng dường như không truyền tải bất cứ cảm xúc nào.

Jane Rosenzweig, Giám đốc Trung tâm Viết của Đại học Harvard (Mỹ), đã bình luận về vấn đề này trên X: "Những người dẫn chương trình tin tức do AI tạo ra sẽ không truyền tải được những câu chuyện "chân thành'".

Trước những lo ngại về vấn đề tin giả, Mosam thừa nhận rằng việc sử dụng AI để tạo ra các tin tức có thể dẫn đến những tin tức sai sự thật hoặc gây hiểu lầm là không thể tránh khỏi nhưng Channel 1 mong muốn "đón đầu vấn đề này và tạo ra một cách sử dụng công nghệ có trách nhiệm".

Trí tuệ nhân tạo hay trí thông minh nhân tạo (Artificial intelligence - viết tắt là AI) là một ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính. Đây là công nghệ mô phỏng các quá trình suy nghĩ và học tập của con người cho máy móc, đặc biệt là các hệ thống máy tính. Qua đó, trí tuệ nhân tạo giúp máy tính có được những trí tuệ của con người như: Biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ, tiếng nói, biết học và tự thích nghi…

BBC, USA Today, Futurism, Daily Mail)

01/02/2024 14:33