Mỗi tờ báo khi ra đời bên cạnh sứ mệnh riêng còn mang sứ mệnh chung: là nơi truyền tải đưa tin, nói lên tiếng nói của quần chúng, đấu tranh với cái xấu, gìn giữ, phát huy những cái hay đẹp. Những tờ báo dành cho phụ nữ không ngoại lệ. Thậm chí chúng còn giá trị hơn khi đấu tranh và bảo vệ quyền của phụ nữ, giúp họ khẳng định vị thế và vai trò của phụ nữ ở cả cấp độ gia đình hay xã hội.
Năm 1605, tờ Relation aller Fürnemmen und gedenckwürdigen Historien (Đức) được công nhận là tờ báo đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên đến tận năm 1897, phụ nữ mới có tờ báo riêng đầu tiên của mình: Tờ La Fronde (Pháp) (hay còn gọi là "The Sling"). Tờ báo tiếng Pháp La Fronde ra đời với tôn chỉ cực kỳ rõ ràng: “La Fronde” - Một nhật báo lớn. Chính trị và văn học. Do PHỤ NỮ quản lý, quản trị và biên tập độc quyền.
Với sự ra đời của La Fronde, các nhà báo nữ được cử đến đưa tin từ những cơ sở dành riêng cho nam giới như sàn giao dịch chứng khoán, tòa án, quốc hội và thượng viện hay Cung điện Élysée. Trong nhiều trường hợp, đây là lần đầu tiên một nữ nhà báo được phép vào những nơi như vậy. Thay đổi này mang tính bước ngoặt bởi ở Pháp thế kỉ 19 gần như mọi hoạt động bên ngoài gia đình đều bị coi là đáng ngờ hoặc thậm chí đáng xấu hổ đối với một phụ nữ độc thân thuộc tầng lớp trung lưu.
Tờ La Fronde (Pháp) không chỉ là dấu mốc cực kỳ quan trọng cho sự phát triển của ngành báo chí nói chung mà còn một "cuộc cách mạng" dành cho nữ giới bởi đây là một tờ báo hoàn toàn do phụ nữ sản xuất, dành cho phụ nữ đọc, đấu tranh cho sự bình đẳng giữa hai giới. Trước đó, dù vẫn nộp thuế, vẫn đóng góp cho sự thịnh vượng của quốc gia, phụ nữ vẫn không có tiếng nói trong lĩnh vực chính trị, xã hội.
Nói như vậy không có nghĩa trước La Fronde, chưa từng có báo hay có người muốn làm báo cho phụ nữ. Năm 1858, Thụy Điển đã ghi nhận một tờ báo do phụ nữ tự sáng lập và tự vận hành. Đó là tờ Arboga Tidning ra đời vào cuối năm 1858 dưới sự điều hành của bà Louise Flodin. Dù không phải là người phụ nữ theo đuổi lĩnh vực báo chí đầu tiên ở Thụy Điển nhưng Louise Flodin là người phụ nữ đầu tiên ở nước này được cấp giấy phép xuất bản và có đội ngũ nhân viên toàn là nữ.
Ban đầu tờ Arboga Tidning chỉ có một mình bà Flodin là người tự viết nội dung, tự in ấn. Sau đó, bà bắt đầu tuyển dụng nhân sự cho tờ báo với yêu cầu quan trọng: là phụ nữ. Đây là cách bà Flodin đưa nghề đánh máy và nhà báo đến gần hơn với phụ nữ, mở ra lĩnh vực nghề nghiệp mới với phụ nữ. Năm 1885, khi phụ nữ chính thức được tham gia vào Publicistklubben (Hiệp hội các nhà báo Thụy Điển), bà là một trong những người đầu tiên được ra nhập.
Theo nghiên cứu của Đại học Virginia, các mô hình báo chí cho phụ nữ đã sớm nhen nhóm dưới dạng tạp chí. Tại Mỹ, năm 1792, tạp chí The Ladies Magazine đã ra đời như một nơi tập trung kho kiến thức giải trí đầu tiên dành cho phụ nữ Hoa Kỳ với các nhóm bài về tiểu thuyết, thơ ca, thời trang. Năm 1840, tờ Lowell Offering được chính các nữ nhân viên tại các nhà máy len Lowell ở Massachusetts (Mỹ) xuất bản với mục tiêu mang đến cái nhìn sâu sắc về điều kiện lao động và các vấn đề kinh tế xã hội của thời kỳ này. Tuổi đời của Lowell Offering kéo dài 5 năm. Đến năm 1868, tạp chí Revolution ra đời, đúng như tên gọi đây là tạp chí đầu tiên chuyên về quyền của phụ nữ. Cuốn tạp chí này hoạt động trong 4 năm (từ 1868 đến 1871).
Cùng với những tờ báo và tạp chí cho phụ nữ là sự góp mặt của những nhà báo nữ mang tinh thần khai phóng, dám nghĩ, dám làm, chắp cánh cho ước mơ theo đuổi nghề của nhiều phụ nữ khác trong lĩnh vực mà mọi tiêu chí đều thiên về nam giới.
So với việc ra được tờ báo đầu tiên, phụ nữ có mặt trong lĩnh vực báo chí sớm hơn nhiều. Họ không chỉ giới hạn bản thân trong những mảng “báo chí nữ tính” của chuyện nhà cửa, chuyện dạy con, giữ hạnh phúc mà có mặt khắp các lĩnh vực, tham gia đưa tin chiến trường, làm phóng viên ảnh, dẫn show truyền hình.
Năm 1787, bà Therese Huber (người Đức) được ghi nhận là người phụ nữ đầu tiên hỗ trợ gia đình như một biên tập viên được trả lương ở một tờ báo.
Bà Fredrika Runeberg được xem là nữ nhà báo đầu tiên với những bài thơ và bài báo viết cho tờ Helsingfors Morgonblad (Phần Lan) dưới tên của chồng bà là Johan Ludvig Runeberg vào những năm 1830.
Bà Anne Royall (1769 - 1854) được xem là nữ nhà báo chuyên nghiệp đầu tiên ở Mỹ với mảng viết chuyên du lịch và là biên tập viên.
Bà Gerta Pohorylle (1/8/1910 – 26/7/1937), được biết đến với bút danh Gerda Taro, là một nhiếp ảnh gia chiến trường người Đức gốc Do Thái hoạt động trong Nội chiến Tây Ban Nha. Bà là nữ phóng viên ảnh đầu tiên thiệt mạng khi đưa tin về tiền tuyến trong một cuộc chiến.
Tất nhiên trong danh sách những nhà báo nữ truyền cảm hứng, không thể không nhắc đến bà Marguerite Durand (1864-1936), người sáng lập ra tờ La Fonde (Pháp). Ngoài ra Lịch sử báo chí đã ghi danh những nữ nhà báo có đóng góp to lớn cho sự phát triển của nhân loại như Dorothy Thompson, Barbara Walters, Christiane Amanpour…
Dorothy Thompson được xem là một trong những nhà báo lừng danh thế giới. Bà là một nhà báo nổi tiếng, bình luận gia chính trị. Sau khi tốt nghiệp Đại Học Syracuse, Dorothy làm việc cho phong trào Nữ Quyền. Bà từng làm việc ở châu Âu, là đại diện cho tờ New York Post và Public Ledger tại Berlin (Đức) cho đến khi bị trục xuất vì một bài báo chỉ trích sự nổi lên của Adolph Hitler và Đức Quốc Xã.
Sau khi về Mỹ, năm 1936, bà được giao phụ trách mục “On The Record” của tờ New York Herald Tribune. Mỗi tuần, bà viết 3 bài cho mục này đều đặn trong 22 năm. On The Record đã được đến hơn 170 tờ báo lấy lại nội dung. Bên cạnh nghề báo, Dorothy còn làm giảng viên Đại học và phát thanh viên đài phát thanh NBC. Vì những vai trò và cống hiến to lớn của Dorothy trong việc cung cấp tin tức, người ta còn đặt cho bà biệt danh “Đệ Nhất Phu Nhân của báo chí Mỹ”.
Veronica Guerin là một nhà báo và phóng viên điều tra huyền thoại người Ireland làm việc cho tờ "Sunday Independent", tờ báo bán chạy nhất của Ireland. Cô được biết đến với sự cống hiến không chút sợ hãi để vạch trần sự thật, ngay cả khi đối mặt với các mối đe dọa tính mạng và nhiều cuộc tấn công bằng súng.
Bằng nền tảng về kế toán từng học, Guerin kiên trì thực hiện sứ mệnh vạch mặt những tên trùm ma túy và sát nhân của thế giới tội phạm "ngầm" ở Dublin (Ireland). Khi theo đuổi một vụ việc, Veronica sẽ theo chúng nhiều tuần, không ngại tiếp cận với tội phạm để điều tra độc lập thay vì chỉ dựa vào thông tin của cảnh sát.
Vào tháng 6 năm 1996, quá trình theo đuổi sự thật của cô đã kết thúc khi cô bị bắn chết. Cái chết của cô đã tác động sâu sắc đến Ireland, dẫn đến cuộc điều tra tội phạm lớn nhất của nước này và trấn áp hoạt động băng đảng bất hợp pháp. Năm 2000, Veronica được vinh danh trong danh sách 50 Anh hùng Tự do Báo chí Thế giới của Viện Báo chí Quốc tế. Câu chuyện của cô đã được dựng thành một bộ phim Hollywood với sự tham gia của Cate Blanchett vào năm 2003. Hiện tại bức tượng của Veronica ở Dublin vẫn được rất nhiều người thăm viếng hàng năm.
Nhà báo, tiểu thuyết gia và nhà văn du lịch người Mỹ Martha Gellhorn thường được gọi là một trong những phóng viên chiến trường có ảnh hưởng nhất của thế kỷ XX. Trong suốt 60 năm sự nghiệp của mình, cô đã nêu bật hầu hết mọi cuộc xung đột lớn trên thế giới.
Truyền cảm hứng cho các nhà báo nữ hàng đầu trên toàn thế giới, Martha thậm chí còn biết sử dụng chiến thuật đặc biệt của mình để có được nội dung hay. Martha từng giả làm người khiêng cáng để được tiếp cận cuộc đổ bộ Normandy (miền Bắc nước Pháp). Cô đã trở thành một trong những người phụ nữ nổi tiếng nhất trong lịch sử với tư cách là người phụ nữ duy nhất đặt chân đến Normandy vào D-Day năm 1944.
Tại Việt Nam, do ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo nên phải đến đầu thế kỳ XX, khi phong trào nữ quyền du nhập cùng văn hoá phương Tây vào Việt Nam, tiếng nói của phụ nữ mới xuất hiện trên báo chí.
Năm 1907, lần đầu tiên phụ nữ Việt có một mục riêng trên báo chí mang tên Nhời đàn bà thuộc tờ Đăng Cổ Tùng báo - một trong những tờ báo tiếng Việt hiếm hoi thời đó. Nội dung phụ nữ ở mục này xoay quanh các các hủ tục trong ma chay cưới hỏi, tục đa thê hay việc bình đẳng giáo dục. Tuy nhiên dù hầu hết các bài trong mục có bút danh Đào Thị Loan nhưng chúng đều do nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh chắp bút. Cũng chính ông Nguyễn Văn Vĩnh là người viết chính cho mục Nhời Đàn Bà trên Đông Dương tạp chí vào năm 1913. Dù vậy lần này, chủ đề của Nhời Đàn Bà đã mở rộng thêm cả truyền bá khoa học, văn minh phương Tây và có yếu tố nữ quyền.
Mãi đến năm 1918, sau 4 năm được đề xuất về việc có riêng 1 tờ báo cho phụ nữ, Việt Nam mới có tờ cho phụ nữ đầu tiên. Tờ tuần báo Nữ Giới Chung ra đời ngày 1/2/1918 do bà Sương Nguyệt Anh làm chủ bút thực sự là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời của báo chí dành cho phụ nữ Việt Nam.
Tuy rất khéo léo, nhưng những bài viết và sức ảnh hưởng của Nữ Giới Chung vẫn khiến mật thám Pháp lo ngại. Do đó, sau 22 số và 5 tháng 19 ngày hoạt động, Nữ Giới Chung đã bị đình bản. Dù vậy, tờ báo cho phụ nữ đầu tiên với tôn chỉ “cơ quan chăm nom về việc quảng khai nữ trí” ấy đã truyền cảm hứng và là tiền đề cho nhiều tờ báo phụ nữ ở cả Sài Gòn, Hà Nội, Huế ra đời sau này như “Phụ nữ Tân Văn” (1929 - 1935), “Phụ nữ thời đàm”(1930 - 1934), Phụ nữ Tân tiến (1932 -1934), Phụ nữ thời đàm tại Hà Nội (1930 -1934), Đàn bà mới (1930-1937), Tân nữ lưu (1935 -1936), Việt nữ (1937 -1939), tờ Bạn Gái (1941)…
Dù những tờ báo phụ nữ tiên phong của Việt Nam đa phần đều tồn tại trong thời gian ngắn. Tuy nhiên chính chúng cùng những ngòi bút vừa sắc sảo, vừa khéo léo, vừa thấu hiểu đàn bà của Sương Nguyệt Anh, Nguyễn Thị Kiêm, Đào Thị Nguyệt Minh, Phạm Vân Anh, Vân Đài, Lê Thị Huỳnh Lan, Phan Thị Nga, Trần Thị Hường, Thu Vân, Mộng Tuyết, Huỳnh Thị Bảo Hòa… đã góp công lớn trong việc đấu tranh cho phụ nữ, giúp phụ nữ Việt Nam tiếp cận được với những văn minh mới, ý thức hơn về giá trị của bản thân.
Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, thêm nhiều tờ báo cho phụ nữ ra đời để tiếp tục đồng hành với sự tiến bộ của phụ nữ. Ngày 8/3/1948, Báo Phụ nữ Việt Nam ra đời, là cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Các ấn phẩm của Báo Phụ Nữ Việt Nam không chỉ đề cập đến những vấn đề của phụ nữ mà còn là vấn đề chung của toàn xã hội, của mọi gia đình Việt Nam. Vì vậy dù là tờ báo cho phụ nữ nhưng độc giả của báo có rất nhiều nam giới.
Suốt 75 năm hoạt động, báo Phụ nữ Việt Nam đã không ngừng thay đổi, phát triển, mở rộng cả nội dung và hình thức để chạm được tới tất cả phụ nữ Việt Nam trong và ngoài nước, phụ nữ các dân tộc thiểu số. Điều này giúp tờ Phụ nữ Việt Nam thực sự là tờ báo đại diện cho các tầng lớp phụ nữ cả nước.
Nối tiếp tờ Phụ nữ Việt Nam là hàng loạt tờ báo chuyên biệt cho nữ giới khác như Phụ nữ Thủ đô, báo Phụ nữ TP. HCM hay tạp chí Tiếp thị & Gia đình. Tạp chí Tiếp thị & Gia đình tiền thân là Tạp chí "Tiếp thị - Quảng cáo Việt Nam" ra đời vào ngày 22/7/1998 vốn là cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam. Dù vậy nội dung của tạp chí rất gần gũi và thiết thực cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ thành thị. Với nội dung tập trung vào thời trang, mua sắm bên cạnh thời sự, sức khỏe, tâm lý tình yêu, hôn nhân, gia đình, nuôi dạy con, giải trí, nội trợ, tờ Tiếp thị & Gia đình có thể xem là làn gió mới cho báo chí dành cho phụ nữ.
Từ đó đến nay, dòng báo dành riêng cho phụ nữ Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển song song cả về số lượng lẫn chất lượng. Cùng với số lượng phóng viên nhà báo nữ ngày càng tăng, các tờ báo, trang tin cho phụ nữ đang đổi mới liên tục để không những bắt kịp mà còn dẫn đầu xu hướng, đồng hành với sự tiến bộ của phụ nữ hiện đại trong thời đại số.
Thực tế chứng minh, những phóng viên và nhà báo nữ không chỉ hạn chế mình trong những vấn đề phụ nữ như đấu tranh cho bình đẳng giới, chống bạo lực, bạo hành phụ nữ, trẻ em mà còn có rất nhiều cây bút sắc sảo có tiếng nói trong những lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, dùng tài năng của mình để làm nên những kỳ tích, tiến bộ cho cộng đồng chung….
Nhà báo Thu Uyên và chương trình Như chưa từng có cuộc chia ly do chị sáng lập là một ví dụ điển hình. Sau 16 năm với hơn 160 số đã giúp biết bao con người vì hoàn cảnh trớ trêu mà phải thất lạc người thân được đoàn tụ với gia đình. Dù mỗi số của Như chưa từng có cuộc chia ly đều rất khó khăn trong việc tìm kiếm manh mối, xác nhận thông tin cũng như vấn đề tài chính để duy trì nhưng nhà báo Thu Uyên và cộng sự vẫn luôn nỗ lực để kéo dài thêm nữa chương trình đầy ý nghĩa và nhân văn này.
Nhắc đến nữ nhà báo tài năng, sắc sảo của Việt Nam không thể không nhắc đến nhà báo Tạ Bích Loan, hiện đang là Trưởng ban Sản xuất các chương trình Giải trí VTV3 đồng giữ chức Giám đốc VTV6. Tên tuổi của chị gắn liền với hàng loạt chương trình truyền hình thực tế của Đài Truyền hình Việt Nam như Bảy sắc cầu vồng, Đường lên đỉnh Olympia, Ở nhà Chủ nhật, Người Đương thời, Chuyện Đương thời, Khởi nghiệp, 60 phút mở.
Cách dẫn dắt chương trình thông minh, giàu năng lượng của Tạ Bích Loan đã góp phần tạo nên thành công không nhỏ cho các chương trình truyền hình cũng như truyền cảm hứng cho rất nhiều biên tập viên đàn em sau này như BTV-MC Diệp Chi, Hoàng Linh, Xuân Quỳnh, Tuyết Ngâ, Đức Bảo, Trần Ngọc, Ngọc Huy…
Làm báo đã vất vả, phụ nữ làm báo càng vất vả hơn gấp bội khi họ phải vượt qua giới hạn của bản thân và định kiến giới. Đường đi tuy khó nhưng lịch sử hàng trăm năm của báo chí với những dấu ấn không nhỏ của các nhà báo nữ và những tờ báo dành cho phụ nữ chính là minh chứng hùng hồn nhất về sự đóng góp, cống hiến của phụ nữ cho lĩnh vực này. Sự hiện diện đông đảo của phụ nữ trong báo chí đã góp phần giúp thế giới cân bằng hơn nhờ những góc nhìn đa chiều, mới lạ, nữ tính nhưng không kém phần mạnh mẽ.
Hiện tại, báo chí cho phụ nữ đang có những bước tiến dài với những loại hình báo chí mới ra đời như báo điện tử, trang tin tổng hợp để đáp ứng được nhịp sống nhanh, hiện đại. Dù có sự khác biệt nhất định nhưng tất cả loại hình báo chí ấy đều mang sứ mệnh chung truyền tải thông tin nhanh, chính xác, đa chiều, góp phần thúc đẩy một thế giới phụ nữ mới hiện đại, nhân văn, độc lập, tự tin nhưng vẫn nữ tính, giàu lòng cảm thông, biết chia sẻ yêu thương với cộng đồng.