Đàn ngựa trắng chạy tung tăng trên đồi vải là hình ảnh đẹp ở xã vùng cao Phong Minh, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Phụ nữ người Dao nơi đây đã mạnh dạn vay vốn, mua ngựa về nuôi. Nuôi ngựa bạch đang mở ra cơ hội làm giàu cho người dân nơi đây.
Giữa trưa, nắng vàng như rót mật lên đồi vải của bà con xóm Na Lang. Chị Bàn Thị Thông vừa địu đứa cháu sau lưng vừa phóng xe máy lên đồi để kiểm tra đàn ngựa. Đàn ngựa bạch, lông trắng nõn nà đang phi nước kiệu trên đồi. Tiếng chuông vang đều đều cùng bước chân ngựa rộn ràng, nghe thật vui tai. Thấp thoáng trong cái màu xanh đơn sắc của vựa vải lại nổi lên những bóng ngựa trắng như tô điểm thêm sắc màu cho miền sơn cước.
Vừa xuống xe máy, chị Thông bước đi thoăn thoắt về phía đàn ngựa. Chị đưa đôi bàn tay khum khum lại thành chiếc loa tay rồi gọi 1 tràng dài… "man man man…". Đám ngựa trắng nghe quen tiếng chủ, chúng hý vang cả một góc trời. Từng con phi nước đại chạy về phía chị Thông. Đám ngựa toàn thân trắng bốp nối đuôi nhau kéo xuống chân đồi nom thật đẹp. Chị Thông chìa rổ ngô ra phía trước, con ngựa đầu đàn mừng rỡn dúi mõm vào chén ngô ngon lành, tiếp đến là những con khác cùng đàn. Tiếng ngựa nhai ngô giòn tan. Vừa đưa tay vuốt ve mấy chú ngựa, chị Thông nhẹ nhàng nói với chúng: "Cứ bình tĩnh mà ăn. Con nào rồi cũng có phần". Ngay cả mấy chú ngựa con đi theo mẹ cũng chen ngang vào ăn ngô.
Chị Thông cho đàn ngựa ăn ngô
Đàn ngựa của chị Thông hiện có 8 con cái sinh sản. Nhìn đám ngựa ăn uống no nê, chị Thông tỏ ra rất hài lòng: "Ngày tôi thả chúng lên đồi. Chiều chỉ cần gọi vài câu là chúng tự về chuồng. Chúng thích ăn ngô lắm. Mỗi con có thể ăn hết cả cân ngô. Đám ngựa ăn uống cũng rất cảnh vẻ, chúng nhởn nhơ gặm cỏ non trên đồi".
Nuôi chúng, chị Thông không phải mất tiền mua thức ăn. Sau 5 năm nuôi ngựa bạch, chị Thông không nghĩ rằng, giờ đám ngựa này có thể mang lại cho gia đình chị cả tỷ đồng. Theo chị Thông, ngựa bạch mỗi năm đẻ 1 lứa. Mỗi lứa 1 con. Từ khi ngựa con sinh ra, nuôi khoảng nửa năm là có thể bán được 30-40 triệu đồng/con. Nuôi 2-3 năm, giá ngựa bạch lên đến cả trăm triệu đồng. Ngựa bạch được các thương lái săn lùng để nấu cao, trong khi đó, nguồn cung lại rất hiếm, nên ngựa bạch luôn được giá.
Đám ngựa có thể mang lại cho gia đình chị Thông cả tỷ đồng
Bà con người Dao ở xã Phong Minh đã nuôi ngựa từ nhiều đời nay. Ngựa gắn bó với họ như một người bạn đồng hành trong cuộc sống. Ngày trước, ngựa là một phương tiện vận chuyển lương thực vô cùng quan trọng với bà con vùng cao. Họ nuôi ngựa để gùi ngô, gùi sắn trên đồi xuống nhà. Do vậy, bà con có nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi ngựa và chăm sóc ngựa.
Mấy năm gần đây, nhu cầu về thịt ngựa tăng cao, đặc biệt là ngựa bạch để nấu cao. Bà con người Dao nơi đây đã nhanh nhạy, mở rộng chuồng trại, đầu tư vốn liếng mua ngựa bạch về nuôi. Hiện toàn xã có cả mấy chục hộ nuôi ngựa. Trong số những hộ nuôi ngựa giỏi phải kể đến gia đình bà Triệu Thị Phan ở xóm Na Lang.
Bà Phan cũng là người dân tộc Dao. Trước đây, gia đình bà từng nuôi trâu, bò, nhưng từ khi chuyển sang nuôi ngựa, đời sống gia đình đã khá hơn hẳn. Đàn ngựa cái sinh sản của gia đình tựa như cái "máy in tiền" đều đặn. Sau gần chục năm nuôi ngựa, đến nay bà đã bán được khoảng 20 con ngựa con, thu được mấy trăm triệu đồng. "Nuôi ngựa đầu tư ít, lại không mất công chăm sóc. Ngày tôi thả chúng lên đồi, tối chúng tự về chuồng, tôi cho ăn thêm ít ngô, ít cám. Ngựa bạch ít mắc bệnh. Nuôi chúng, mùa đông cần lưu ý là phải cho chúng uống nước ấm", bà Phan chia sẻ.
Gia đình bà Phan đầu tư hệ thống chuồng trại rất bài bản. Có máng uống nước, có nơi chứa chất thải. Chuồng ngựa luôn sạch sẽ và thoáng mát. Sự thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm của bà con người Dao đã giúp nhiều gia đình xóa đói, giảm nghèo.
Đất đai ở Phong Minh rộng ngút ngàn. Đây là điều kiện lý tưởng để phát triển chăn nuôi. Nhận thấy việc nuôi ngựa bạch là hướng làm ăn, mang lại hiệu quả kinh tế, nhiều phụ nữ người Dao cũng mạnh dạn vay tiền để mua giống ngựa bạch về nuôi. Theo chị Nguyễn Thị Bảy, Chủ tịch Hội LHPN xã Phong Minh, phong trào nuôi ngựa bạch ở các bản Dao đã giúp nhiều chị em làm giàu. Các xóm Na Lang, Nũn, Cả và xóm Giàng... là nơi có các hội viên nuôi ngựa nhiều nhất. Đến giờ, tổng đàn ngựa của toàn xã lên trên 700 con. "Đến nay, tổng số tiền cho các hội viên vay trên toàn xã là trên 12 tỷ đồng. Các hội viên vay vốn để đầu tư vào sản xuất, trong đó nhiều chị em đã mạnh dạn mở rộng nuôi ngựa bạch. Nuôi ngựa đã giúp nhiều chị em xóa đói giảm nghèo và làm giàu", chị Bảy cho biết.
Qua quá trình chăn nuôi đại gia súc, người dân nhận thấy nuôi ngựa bạch có giá trị cao hơn những loại khác. Ảnh minh họa
Hiện toàn huyện Lục Ngạn có hơn 2.500 con ngựa, trong đó có 800 con ngựa bạch, tập trung ở các xã: Tân Sơn, Phong Vân và Phong Minh. Qua quá trình chăn nuôi đại gia súc, người dân nhận thấy nuôi ngựa bạch có giá trị cao hơn những loại khác. Vì vậy, tới đây, các HTX dịch vụ và chăn nuôi trâu, bò, ngựa cỏ vùng cao sẽ chú trọng hơn nữa tới việc nhân rộng, đầu tư phát triển đàn ngựa bạch.