Năm 2018, vợ chồng anh S.L (53 tuổi, quốc tịch Thái Lan) và chị A.L. (40 tuổi) tìm đến Khoa Hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ. Trước đây, anh L. từng thực hiện kỹ thuật thắt ống dẫn tinh 2 bên trong khi chị mắc hội chứng buồng trứng đa nang. Do thắt ống dẫn tinh đã lâu nên anh không có tinh trùng trong tinh dịch. Đây là trường hợp khó trong điều trị hỗ trợ sinh sản.
Cuối cùng, nhờ được can thiệp bằng kỹ thuật chọc hút tinh trùng từ mào tinh (PESA) và thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, vợ chồng anh đã hạnh phúc đón thiên thần nhỏ chào đời.
Bên cạnh đó, khoa Hỗ trợ sinh sản của bệnh viện còn hỗ trợ rất nhiều trường hợp thành công trong hành trình "tìm con", minh chứng cho những điều "kỳ diệu" của y học hỗ trợ sinh sản hiện đại. Qua đó, còn là nguồn động lực to lớn cho những ai đang trong hoàn cảnh tương tự có thêm hy vọng.
Ngày 14/7/2010, Khoa Hiếm muộn - Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, nay là Khoa Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ, được thành lập và được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Đây là trung tâm đầu tiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cũng là đơn vị thứ 13 của cả nước thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.
ThS.BS. Nguyễn Phan Vinh, Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ cho biết, trong 12 năm hoạt động, IVF Cần Thơ đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần mang lại nhiều hy vọng hơn cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.
Về chuyên môn, số lượng khám bệnh tăng qua mỗi năm, đến nay đã tiếp nhận hơn 70.000 cặp vợ chồng đến khám và điều trị. Tỷ lệ thành công đạt 60,8%. Đặc biệt, đến nay đã có 1.000 bé ra đời từ thụ tinh trong ống nghiệm tại IVF Cần Thơ.
Về hợp tác quốc tế, khoa phối hợp với các trung tâm IVF trong và ngoài nước như Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Mỹ Đức, Bệnh viện Đại học Washington - Hoa Kỳ... để không ngừng cập nhật, nghiên cứu các phương pháp mới trong hỗ trợ sinh sản.
BS.CKII Nguyễn Hữu Dự - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ chia sẻ, kết quả đạt được 12 năm qua là nền tảng vững chắc để Khoa Hỗ trợ sinh sản tiếp tục triển khai nhiều kỹ thuật mới như trưởng thành trứng non trong ống nghiệm, sàng lọc và chẩn đoán di truyền tiền làm tổ, mang thai hộ và nâng tỷ lệ thành công điều trị hiếm muộn đạt khoảng 60,8%.
"Đó cũng là cơ sở để khoa trở thành Trung tâm IVF của Đồng bằng sông Cửu Long, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật để người dân trong vùng được hưởng thụ những tiến bộ kỹ thuật của y học trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản", bác sĩ Dự nói.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn