4 yếu tố ảnh hưởng tới kết quả thụ tinh trong ống nghiệm

Hoàng Duy
29/03/2022 - 15:00
4 yếu tố ảnh hưởng tới kết quả thụ tinh trong ống nghiệm

Bác sĩ Nguyễn Thành Trung tư vấn cho bệnh nhân

Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là một trong những biện pháp điều trị hiếm muộn. Có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng tới thành công của một ca IVF, bao gồm tình trạng của bệnh nhân và các phương pháp chẩn đoán, điều trị của bác sĩ.
Tình trạng bệnh nhân

Theo BSCKI Nguyễn Thành Trung (Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội), yếu tố đầu tiên có thể ảnh hưởng đến IVF là tình trạng của bệnh nhân. Đối với phụ nữ sẽ cần xem xét tới tuổi vì tuổi càng cao, dự trữ buồng trứng giảm, chất lượng trứng kém, khả năng mang thai càng suy giảm; tiếp theo là các chỉ số, giải phẫu buồng tử cung, vòi tử cung. Còn đối với nam giới cần đánh giá chất lượng, số lượng tinh trùng để tiên lượng được tỷ lệ thành công của một ca IVF.

Yếu tố chuyên môn

Bao gồm kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng của các bác sĩ, điều dưỡng, chuyên viên phôi học và các kỹ thuật, phương pháp điều trị sẽ ảnh hưởng tới tỷ lệ thành công của một ca IVF. Khi điều trị cho các gia đình hiếm muộn, mỗi bệnh nhân là một trường hợp khác nhau nên các bác sĩ hỗ trợ sinh sản cần cá thể hóa từng phác đồ điều trị để đạt được kết quả tốt nhất. Do vậy, bác sĩ càng có chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm sẽ có phương pháp điều trị phù hợp với những trường hợp khó. Bên cạnh đó, tay nghề, kỹ thuật của các điều dưỡng, chuyên viên phôi học sẽ đảm bảo chất lượng phôi, đồng thời cải thiện hiệu quả điều trị cho các ca IVF.

Đặc biệt, các kỹ thuật, phương pháp điều trị mới như: Chẩn đoán phôi tiền làm tổ, nuôi phôi bằng hệ thống tự động Timelapse, mổ vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng Micro-TESE, phẫu thuật nội soi xử lý các bất thường buồng tử cung, các xét nghiệm chuyên sâu và các kỹ thuật chẩn đoán trước sinh… cũng đóng góp vào thành công của một ca IVF.

Chi tiết hơn về kỹ thuật chẩn đoán phôi tiền làm tổ, bác sĩ Nguyễn Thành Trung phân tích: "Nếu như trước đây, phôi sau khi được thụ tinh và nuôi cấy sẽ được chuyển vào cơ thể người mẹ một cách ngẫu nhiên thì giờ đây các bác sĩ có thể phát hiện những phôi bệnh để loại bỏ trước khi chuyển phôi. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với các bệnh nhân có những bất thường về di truyền như bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia, bệnh rối loạn đông máu Hemophilia, teo cơ tủy… hoặc có tiền sử lưu sảy thai liên tiếp để có thể sinh ra một đứa con khỏe mạnh".

4 yếu tố ảnh hưởng tới kết quả thụ tinh trong ống nghiệm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Thói quen sinh hoạt hằng ngày

Những thói quen sinh hoạt không khoa học: không ngủ đủ giấc, ăn các thực phẩm không lành mạnh, sử dụng các chất kích thích, rượu, bia, thuốc lá, quan hệ tình dục bừa bãi dẫn đến mắc các bệnh tình dục… Môi trường sống, làm việc ô nhiễm, nhiều hóa chất độc hại, căng thẳng, áp lực… cũng có thể gây ra những tác động tiêu cực tới thành công của một ca IVF.

Quản lý chất lượng trong IVF

Việc triển khai hệ thống quản lý chất lượng cần được xem là một ưu tiên hàng đầu của một trung tâm hỗ trợ sinh sản. Mục tiêu của quản lý chất lượng là giúp hoạt động của một trung tâm hỗ trợ sinh sản được vận hành an toàn, chủ động phòng ngừa sai sót, giảm tối đa các nguy cơ rủi ro đối với người bệnh và nhân viên y tế, mang lại hiệu quả cao nhất cho quá trình điều trị, đồng thời đem lại sự hài lòng cho người bệnh về chất lượng dịch vụ, cải thiện tỷ lệ thụ tinh, chất lượng phôi và tăng tỷ lệ thành công.

Điều trị hiếm muộn nói chung và IVF nói riêng là một quá trình lâu dài và mất nhiều chi phí. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới thành công của một ca IVF nên người bệnh cần có những đánh giá tổng thể về tình trạng của bản thân và các khía cạnh của một trung tâm hỗ trợ sinh sản, từ đó đưa ra các quyết định phù hợp.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm