Theo báo cáo năm 2020 về cơ cấu tuổi của lao động thất nghiệp từ 15 tuổi trở lên, lứa tuổi từ 20-34 chiếm tỷ lệ lớn nhất, lên đến 61%. Bên cạnh đó, lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên thất nghiệp chiếm tỷ lệ 30,8%.
Có mặt tại hội thảo "Hướng nghiệp suốt đời - Gắn kết gia đình, nhà trường, người học, người lao động và doanh nghiệp trong kỷ nguyên 4.0" do Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực (Bộ GD-ĐT) tổ chức vào chiều 8/10 tại trường ĐHKHXH&NV- ĐHQG Hà Nội, PGS.TS Trần Thành Nam - Chuyên gia hướng nghiệp; Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã có những lý giải cho thực trạng trên.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, nguyên nhân dẫn đến việc này phần lớn đến từ 3 yếu tố. Thứ nhất là sinh viên chọn nhầm nghề, học sai ngành. Thứ hai là việc hướng nghiệp xa rời thực tiễn bối cảnh nghề nghiệp. Và cuối cùng là do lao động chưa trang bị được kỹ năng và thái độ để thích ứng, dẫn đến việc không thể gắn bó lâu dài với nghề.
Dựa theo tình hình thực tế, PGS.TS Trần Thành Nam còn chỉ ra những sai lầm thường gặp của người trẻ hiện tại khi chọn nghề. Tiêu biểu phải kể đến như tư tưởng chọn nghề chỉ dựa vào năng lực học tập, chọn nghề theo trào lưu, chọn nghề vì lý do kinh tế, chọn nghề được xã hội trọng vọng, tư tưởng học gì cũng được miễn là đại học...
Ở một diễn biến khác, theo thống kê của Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực (Bộ GD-ĐT) năm 2021, số sinh viên tốt nghiệp làm đúng ngành đào tạo là 56%, số còn lại chỉ liên quan đến ngành đào tạo là 25%, thậm chí không liên quan đến ngành đào tạo là 19%.
Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong quý 2 năm 2022, xu hướng tuyển dụng của thị trường lao động đối với nhân lực trình độ đại học là 49,7%, cao đẳng và trung cấp là 30,5%; trong khi đó, nhu cầu của người tìm việc có trình độ đại học là 61,1%, cao đẳng và trung cấp là 33%...
Các con số thống kê cho thấy có sự chênh lệch đáng kể giữa cung và cầu lao động cả về cơ cấu trình độ và chuyên môn đào tạo. Điều này phần nào phản ánh những bất cập trong công tác hướng nghiệp, phân luồng trong các cơ sở giáo dục cũng như quá trình tự định hướng và lựa chọn nghề nghiệp của người học.
Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Văn Linh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực (Bộ GD-ĐT) cho biết, Trung tâm đang nỗ lực phối hợp với các Sở GD-ĐT, các đại học, các chuyên gia trong toàn quốc triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ đào tạo kỹ năng toàn diện, giáo dục hướng nghiệp cho hơn 24 triệu học sinh sinh viên trong gần 55.000 cơ sở giáo dục, trong 250 trường đại học...
Cũng tại hội thảo trên, tất cả các chuyên gia đều đồng ý với quan điểm rằng việc hướng nghiệp cho người trẻ cần được làm càng sớm càng tốt chứ không phải chờ đến bậc THPT hay đại học.
Lộ trình hướng nghiệp theo PGS.TS Trần Thành Nam nên bắt đầu từ bậc tiểu học và kéo dài đến THCS, THPT và đại học với đa dạng các khía cạnh như giáo dục nhận thức, trang bị kỹ năng, sau đó là định hướng nghề nghiệp. Chẳng hạn, ở bậc tiểu học, học sinh có thể học nhận biết một số công việc, nghề nghiệp, tham gia làm công việc thường ngày tại gia đình, nhà trường. Từ đó giúp phát hiện năng khiếu, bồi dưỡng, phát triển năng khiếu kịp thời...
Vai trò của cha mẹ trong định hướng nghề nghiệp cho con cái
- Tạo mối quan hệ cởi mở, ấm áp, sẵn sàng chia sẻ cùng con cái
- Sự thấu hiểu, sự đồng hành
- Xây dựng giá trị, niềm tin cho con cái trong cuộc sống và nghề nghiệp tương lai
- Tạo động cơ đúng đắn trong học tập và nghề nghiệp
- Tính chủ động, tự giác...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn