Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp lần thứ 5 với chủ đề "Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa" đã được chính thức phát động từ tháng 3/2023. Trải qua quá trình lựa chọn khắt khe, nghiêm túc với nhiều vòng thi, Ban Tổ chức đã lựa chọn được 68 dự án tham gia Vòng chung kết Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp cấp Vùng năm 2023.
Vòng Chung kết cấp Vùng là cơ hội để các tác giả chứng minh tính cấp thiết của dự án khởi nghiệp; điểm mới sáng tạo; hiệu quả tác động; tính khả thi, khả năng nhân rộng, tính bền vững của dự án; năng lực thực hiện của tổ chức/cá nhân thực hiện dự án, đồng thời là căn cứ để Ban tổ chức lựa chọn những dự án xuất sắc tôn vinh tại Lễ trao giải Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp cấp vùng năm 2023.
Bà Phạm Thị Hương Giang, Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN Việt Nam cho biết: "Năm nay, Cuộc thi có nhiều đổi mới, được tổ chức một cách khoa học, bài bản, đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến cấp cơ sở, từ ban hành Sổ tay hướng dẫn Cuộc thi đến tuyên truyền, tư vấn trực tiếp và trực tuyến nhằm kêu gọi chị em phụ nữ trên cả nước tham gia. Cuộc thi năm nay có sự gia tăng mạnh về quy mô và chất lượng, thành phần đối tượng tham gia đa dạng, sản phẩm và loại hình dịch vụ phong phú, phù hợp với chủ đề Cuộc thi.
Qua nhiều vòng chấm thi nghiêm túc và chặt chẽ của Hội đồng Ban giám khảo, Ban Tổ chức đã lựa chọn 32 dự án khởi nghiệp tiêu biểu khu vực miền Bắc ghi dấu sự nỗ lực, tinh thần vượt khó của các chị em".
Tại vòng Chung kết, các ứng viên có thời gian 10 phút trình bày về dự án của mình, sau đó, các thí sinh sẽ trả lời các câu hỏi do Hội đồng Ban giám khảo đưa ra. Thời gian cho việc trao đổi giữa thí sinh với giám khảo là 10 phút.
Đây là dịp để phụ nữ khởi nghiệp khu vực miền Bắc được thể hiện đam mê, nhiệt huyết của mình. Các chị em là chủ doanh nghiệp, tham gia quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác đã tạo ra những sản phẩm/dịch vụ chất lượng, đồng thời, áp dụng khoa học công nghệ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Đặc biệt, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của chị em phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật. Họ là những người sáng tạo ra những sản phẩm/dịch vụ chất lượng, mang đậm nét tài nguyên bản địa, nâng cao giá trị sản vật địa phương, góp phần đưa những sản phẩm tưởng chừng chỉ ở quy mô làng xã vươn tầm ra toàn quốc. Qua đó đã chứng minh sự nỗ lực vươn lên, năng lực và vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" (Đề án 939) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã và đang tích cực triển khai trong thời gian qua. Có thể nói, Đề án đã tạo ra bước đột phá trong tư duy và phương pháp triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh doanh, khởi nghiệp của các cấp Hội.
Các hoạt động hỗ trợ của Đề án đã khơi nguồn và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho phụ nữ, qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, vị thế của phụ nữ trong phát triển kinh tế.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn