2.024 Dự án khởi nghiệp tham dự Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023

Lê Hoa
05/09/2023 - 12:12
2.024 Dự án khởi nghiệp tham dự Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023

Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái (giữa); Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (thứ 4 từ trái sang); Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương (thứ 6 từ trái sang) và các đại biểu tại Lễ phát động Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023.

Chính thức phát động từ trung tuần tháng 3/2023, chỉ sau một tháng, tại vòng tiếp nhận và sàng lọc cấp tỉnh, thành phố đã có 2.024 Dự án khởi nghiệp dự thi Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 (tăng 30,67% so với Cuộc thi trước đó).

Nhiều đổi mới của Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa" năm 2023

Theo chia sẻ từ Ban tổ chức, Cuộc thi năm nay có nhiều đổi mới, được tổ chức một cách khoa học, bài bản, đồng bộ, ứng dụng công nghệ thông tin, thống nhất từ Trung ương đến cấp cơ sở. Đó là thông qua việc ban hành Sổ tay hướng dẫn Cuộc thi; tích cực tuyên truyền, tư vấn trực tiếp và trực tuyến nên đã thu hút được các tầng lớp phụ nữ trên cả nước tham gia dự thi, làm gia tăng mạnh cả về quy mô và chất lượng.

2.024 Dự án khởi nghiệp tham dự Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 - Ảnh 2.

Đại diện Hội LHPN Việt Nam (giữa) và các chuyên gia giải đáp tại chương trình tư vấn trực tuyến về Cuộc thi

Sau hơn một tháng chính thức phát động Cuộc thi kể từ trung tuần tháng 3/2023, tại vòng tiếp nhận và sàng lọc cấp tỉnh, thành phố đã có 2.024 Dự án khởi nghiệp tham gia dự thi (tăng 30,67% so với Cuộc thi trước đó). Từ đây, Hội LHPN 63 tỉnh, thành phố đã lựa chọn các Dự án xuất sắc gửi dự thi vòng sơ loại cấp Trung ương với tổng số 323 Dự án.

Qua sàng lọc, đánh giá tính hợp lệ hồ sơ các Dự án dự thi, đã có 273 Dự án đủ điều kiện tham dự vòng sơ loại cấp vùng, trong đó có 12 Dự án của phụ nữ khuyết tật (chiếm 4,38%). 

Các lĩnh vực tham gia dự thi gồm: Nông lâm - ngư nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất 47,15%; lĩnh vực công nghiệp, chế tạo sản phẩm chiếm tỷ lệ 8,54%; lĩnh vực giáo dục, du lịch, dịch vụ, tài chính 5,38%; lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ làm đẹp 3,48%; lĩnh vực kinh doanh tạo tác động xã hội chiếm 9,18%, các lĩnh vực khác chiếm 26,27%. Chủ thể tham gia dự thi có 13,61% là doanh nghiệp; 26,9% là hợp tác xã; 26,9% là tổ hợp tác, tổ liên kết/cơ sở kinh doanh; hộ kinh doanh chiếm tỷ lệ cao nhất 32,59% tổng số các dự án dự thi.

Hội đồng Ban Giám khảo Cuộc thi được thành lập để đánh giá các Dự án từ vòng sơ loại, vòng bán kết và vòng chung kết cấp vùng, là những chuyên gia giàu kinh nghiệm, chuyên môn sâu trên các lĩnh vực khoa học công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nông nghiệp, đầu tư, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa…

Các Dự án khởi nghiệp được đánh giá dựa trên các nguyên tắc "minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh" với các tiêu chí đánh giá rõ ràng theo quy định của Ban Tổ chức Cuộc thi.

2.024 Dự án khởi nghiệp tham dự Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 - Ảnh 3.

Các Dự án tiêu biểu cấp vùng được ươm tạo, nâng cao năng lực

Kết quả, tại vòng sơ loại cấp vùng, đã lựa chọn được 184/273 Dự án khởi nghiệp (trong đó có 11 Dự án của phụ nữ khuyết tật, chiếm 5,98%) vào vòng ươm tạo, đào tạo nâng cao năng lực xây dựng các dự án khởi nghiệp cấp vùng khu vực miền Bắc, Trung, Nam (trong đó, miền Bắc có 75 dự án, miền Trung: 54 dự án và miền Nam 55 dự án). 

Sau tập huấn, các Dự án khởi nghiệp đã hoàn thiện bản thuyết minh dự án để tham dự vòng bán kết cấp vùng. Với sự đánh giá chặt chẽ, công tâm và nghiêm túc của Hội đồng Ban giám khảo, 68 Dự án khởi nghiệp tiêu biểu (trong đó có 6 Dự án của phụ nữ khuyết tật) đã chính thức lọt vào vòng chung kết cấp vùng (trong đó khu vực miền Bắc: 32 dự án, miền Trung: 24 dự án và miền Nam: 12 dự án) được tổ chức tại 3 miền Bắc, Trung, Nam với các địa điểm tương ứng là Nam Định, Phú Yên và Bến Tre. 

Vòng chung kết cấp vùng khu vực miền Bắc diễn ra từ ngày 06-08/9/2023, tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định.

Vòng chung kết cấp vùng khu vực miền Nam diễn ra từ ngày 13-15/9/2023 tại thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre.

Vòng chung kết cấp vùng khu vực miền Trung diễn ra từ ngày 18-20/9/2023 tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Trong khuôn khổ chương trình còn có hội chợ nhằm giới thiệu và xúc tiến thương mại các sản phẩm hàng hóa của các Dự án khởi nghiệp dự thi vòng Chung kết cấp Vùng và giới thiệu sản phẩm OCOP, các sản phẩm tiểu thủ công mỹ nghệ... của hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, hộ kinh doanh do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ được các cấp Hội LHPN các tỉnh Nam Định, Phú Yên và Bến Tre hỗ trợ thành lập.

Đây là dịp tôn vinh các dự án đạt giải và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp sâu rộng trong vùng và cả nước, để có thêm nhiều doanh nghiệp, doanh nhân khởi nghiệp, thúc đẩy cho sự phát triển của đất nước.

Năm 2023 là năm thứ 5, TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp với chủ đề "Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa". Đây là một trong những hoạt động trọng tâm của Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 (Đề án 939).

Cuộc thi được tổ chức nhằm tìm kiếm, lựa chọn, trao giải và hỗ trợ ươm tạo, nâng cao năng lực cho phụ nữ, nhóm hợp tác/tổ chức do phụ nữ làm chủ/tham gia quản lý có ý tưởng khởi nghiệp/khởi sự xuất sắc, góp phần gìn giữ, phát triển và nâng cao giá trị tài nguyên bản địa trên cơ sở phát huy sức mạnh nội lực, tinh thần khởi nghiệp của phụ nữ và khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ của địa phương, phục vụ đắc lực trong thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và quy hoạch phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ.

Đối tượng của Cuộc thi gồm: Phụ nữ, các tổ hợp tác/hợp tác xã/doanh nghiệp khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ/tham gia quản lý (sau đây gọi tắt là ứng viên) có ý tưởng, sản phẩm, dịch vụ, mô hình khởi sự kinh doanh/khởi nghiệp góp phần gìn giữ, phát triển và nâng cao giá trị tài nguyên bản địa.

Đối tượng ưu tiên: Phụ nữ thuộc hộ nghèo, khó khăn; phụ nữ là người dân tộc thiểu số, phụ nữ sống tại địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, địa bàn chuyển đổi đất nông nghiệp; phụ nữ khuyết tật; phụ nữ hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng; phụ nữ là vận động viên thể thao đã giải nghệ…


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm