Chiều 14/4, Hội Nữ doanh nhân TPHCM (HAWEE) đã tổ chức diễn đàn với chủ đề "Lãnh đạo tạo đột phá - Ứng biến để vươn mình", xuất phát từ bối cảnh khủng hoảng toàn cầu vì Covid-19 với hàng loạt bất ổn xã hội và kinh tế.
Bà Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc TalentNet - Phó Chủ tịch HAWEE cho biết, kết quả một cuộc khảo sát đối hơn 100 doanh nghiệp của HAWEE cho thấy, tỉ lệ doanh nghiệp duy trì và tăng trưởng năm 2020 so với năm 2019 đạt 54%. Có 46% doanh nghiệp có "phản ứng tốt" với Covid-19. Những doanh nghiệp duy trì, phát triển đã có những cách tiếp cận, hoạt động nhanh, ứng biến với đại dịch Covid-19.
Theo bà Trinh, tại các doanh nghiệp có ứng biến tốt, các nữ lãnh đạo đã tập trung tạo năng lượng tích cực trong tổ chức, niềm tin đối với nhân viên, khách hàng; trao quyền cho cấp dưới và khơi gợi tinh thần, trách nhiệm của nhân viên nhiều hơn.
Ngoài ra, các doanh nghiệp đã sáng tạo, linh động để cho ra đời những sản phẩm mới có giá thành rẻ, tiếp kiệm phù hợp với khách hàng. Bên cạnh đó, tìm cách mở rộng thị trường, tái kiến thiết văn hóa doanh nghiệp theo xu hướng linh hoạt, tinh gọn hơn, đặt tính hiệu quả lên hàng đầu.
Bà Vưu Lệ Quyên, CEO Biti's cho biết, nếu động lực đủ lớn thì người lãnh đạo có khả năng vượt qua được thử thách, trở ngại. "Khi làm người lãnh đạo thì mình phải luôn nghĩ sẽ làm được gì cho đồng nghiệp xung quanh. Và mình phải làm nó như thế nào. Khi đã xây dựng được một môi trường hạnh phúc trong doanh nghiệp thì làm lãnh đạo không cô đơn nữa. Bởi mình có thể chia sẻ với đồng nghiệp cấp dưới, cấp trên về những vấn đề gặp phải, trong môi trường an toàn và hỗ trợ nhau", bà Quyên chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Tuấn Hải - Chủ tịch Tập đoàn Alphanam - ứng biến khác với thích nghi. Thích nghi có sự chủ động thì gọi là ứng biến, tạo đột phá để vươn mình thì sang một chủ đề cao hơn nữa. Chủ động làm thể nào vượt qua được những thách thức, vượt qua những rào cản, thậm chí vượt qua những thực trạng để chúng ta vươn lên, đòi hỏi cần phải có bản lĩnh, ý chí và đặc biệt phải có môi trường để phát triển.
Cũng theo ông Hải, việc ứng biến của một nhà lãnh đạo doanh nghiệp phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Tuổi trẻ thì sự ứng biến sẽ nhanh, mạnh quyết liệt. Đến tuổi trung niên sẽ điềm tĩnh hơn. Người ta sẽ nhìn lại tình huống tương tự đã xảy ra để có cách đối xử thách thức mới.
"Giới tính cũng rất quan trọng. Nữ sẽ thích nghi ứng biến giỏi hơn nam, sự tương thích của phụ nữ đặc biệt là phụ nữ Việt Nam tốt hơn bởi họ biết chấp nhận tình huống để ứng biến phù hợp với tình huống thực tế", Chủ tịch Tập đoàn Alphanam chia sẻ.
Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết, chưa bao giờ doanh nghiệp Việt Nam có 2 năm liền liên tiếp đối diện khó khăn chồng chất như thời gian qua bởi đại dịch Covid - 19 và thiên tai dồn dập. Sự tổn hại nặng nề từ đại dịch Covid-19 gây ra là vô cùng to lớn. Các doanh nghiệp do nữ làm chủ và quản lý cũng không nằm ngoài vòng xoáy của những tác động đến từ đại dịch.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng nhấn mạnh, Việt Nam là một quốc gia may mắn khi đã rất thành công trong việc kiểm soát đại dịch và duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội hiệu quả sau đại dịch. Cũng là 1 trong 3 quốc gia có mức tăng trưởng GDP dương năm 2020 và Top 3 quốc gia có mức tăng trưởng GDP cao nhất năm 2021 theo dự báo của ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) trong khu vực ASEAN.
"Có thể nói các doanh nghiệp và nhà lãnh đạo nước ta đang thực sự bứt phá nâng tầm. Đã và đang học tốt các bài học về sự thích nghi, ứng biến, linh hoạt, củng cố nội lực, biến nguy thành cơ, cập nhật xu hướng công nghệ, thay đổi một cách sáng tạo để vươn mình trở thành tương lai của khu vực", bà Thắng nói.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa cho biết, năm 2020 là năm thành công vượt bậc, khẳng định sự tăng trưởng bản lĩnh của Việt Nam. Trong thành công chung đó, có vai trò quan trọng của các doanh nghiệp Việt Nam với gần 27% là doanh nghiệp do nữ làm chủ, đóng góp trên 30% GDP. Thành tích này đã góp phần đưa Việt nam là quốc gia đứng thứ 6 trong các quốc gia có tỉ lệ nữ doanh nhất cao nhất và là đại diện châu Á duy nhất có mặt trong Top 10 quốc gia có tỉ lệ cao doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo.
Tuy nhiên, bà Hòa cũng chỉ ra rằng, nền kinh tế Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng vẫn còn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. "Bối cảnh hội nhập sâu rộng, công nghệ phát triển nhanh như vũ bão, những khó khăn tác động của đại dịch Covid-19… đòi hỏi các doanh nghiệp phải bứt phá mạnh mẽ hơn. Khó khăn không phải là điều cản trở, mà chính là ta nhận diện và ứng phó với khó khăn đó như thế nào", Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn