Khi con đi học về, điều đầu tiên bạn hỏi là gì? Là chỉ trích hay động viên? Hãy thử thay đổi theo một cách khác, giao tiếp với trẻ bằng ngôn ngữ tích cực, để trẻ cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ dành cho mình, học cách đối xử tốt với mọi thứ xung quanh.
Số lượng trẻ em và thanh thiếu niên dưới 17 tuổi mắc các chứng rối loạn cảm xúc và hành vi khác nhau đang tăng lên hàng năm. Nhiều người không hiểu: Lẽ ra tuổi thơ là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của trẻ nhỏ, tại sao những căn bệnh liên quan đến cảm xúc lại thường xuyên tìm đến?
Đôi khi, chúng ta kiểm soát nhịp độ học tập và cuộc sống của trẻ quá chặt chẽ, không cho phép trẻ bộc lộ cảm xúc thật của mình. Điều này gần như buộc trẻ từng bước đóng cửa trái tim mình với cha mẹ.
Sau giờ học, hãy đặt mình vào vị trí của trẻ và hỏi: "Hôm nay con đi học có vui không?" Hướng dẫn trẻ kể về tình trạng của mình ở trường, điều này không chỉ gợi nhớ về niềm hạnh phúc mà còn giúp trẻ chia sẻ những lo lắng và cùng nhau giải quyết vấn đề.
Chúng ta cần để trẻ hiểu rằng dù trẻ gặp phải chuyện gì, cảm thấy thế nào, cha mẹ sẽ nhẹ nhàng chấp nhận, hướng dẫn trẻ, cùng trẻ nhìn nhận, giải quyết vấn đề. Lắng nghe con, cho phép con được khóc, được cười, được mất bình tĩnh và trút giận là cách giáo dục ấm áp nhất mà cha mẹ dành cho con cái.
Trong thế giới của trẻ thơ, trường học cũng là xã hội thu nhỏ. Một chuyên gia tâm lý trẻ em từng nói: "Quan sát hành vi của người bạn thân nhất của trẻ là cách tốt nhất để hiểu một đứa trẻ".
Cha mẹ không dạy, con cái không hiểu, một đứa trẻ thiếu kỹ năng xã hội sẽ đầy căng thẳng và cô đơn ở nơi công cộng. Đồng thời, trẻ dễ bị "tình bạn độc hại" lôi cuốn.
Sau giờ học, hãy hỏi xem con bạn hòa đồng với bạn bè như thế nào, quan tâm đến tình bạn của con. Điều này giúp giảm thiểu tình trạng con bị bắt nạt mà không dám nói, và bảo vệ con khỏi sự lạc lối nếu có.
Trí tuệ đến từ việc đặt câu hỏi, sự tò mò thay đổi cuộc sống. Trẻ mới lớn luôn có rất nhiều vấn đề kỳ lạ. Chúng thích đặt câu hỏi vì tò mò về thế giới chưa biết.
Có nhiều bậc cha mẹ luôn tỏ ra chiếu lệ, thậm chí xem thường khi đối mặt với những vấn đề của con cái. Điều này đã hủy hoại khát khao khám phá quý giá của con cái và bỏ lỡ cơ hội được khai sáng.
Trần Mỹ Linh, người mẹ sinh ra ở Hong Kong (Trung Quốc) đã gửi ba cậu con trai của mình đến Đại học Stanford, có một bí quyết trong quan điểm nuôi dạy con cái của mình: Đặt cho con nhiều câu hỏi hơn để rèn luyện khả năng suy nghĩ độc lập của chúng. Đồng thời, cô cũng khuyến khích trẻ đặt câu hỏi nhiều hơn, ngay cả khi đang nấu ăn trong bếp, cô cũng tắt lửa ngay khi có thể để cùng trẻ tìm câu trả lời cho vấn đề.
Khi hỏi trẻ "Hôm nay con có gì muốn hỏi không", chúng ta đang tạo cho trẻ thói quen đặt câu hỏi và tinh thần phản biện về kiến thức trên lớp và mọi thứ.
Có nhiều bậc cha mẹ luôn thích hỏi con mình một cách trịch thượng: "Hôm nay con học có ngoan không. Đạt điểm gì? Có trả lời được câu nào không?". Trong mắt trẻ nhỏ, đây là một kiểu "thẩm vấn", cha mẹ đứng ở quyền cao nhất, tạo cho trẻ cảm giác áp bức. Giao tiếp với cha mẹ không vui nên trẻ đương nhiên không muốn nói chuyện.
Để thực hiện việc cha mẹ và con cái cùng học, người Do Thái đã hình thành một bộ "phương pháp tư vấn" của riêng họ, mấu chốt của toàn bộ phương pháp là "để con dạy cha mẹ". Trẻ em thường chỉ nghe bài giảng của giáo viên ở trường, nhưng phương pháp của người Do Thái tạo cơ hội cho trẻ chủ động và phát triển sự tự tin ở mức độ lớn nhất.
Cứ thử tưởng tượng, một đứa trẻ đi học về, vì không thuộc lòng những điểm kiến thức thầy dạy, lại bị cha mẹ trách móc, phê bình nên càng tự ti, không dám thể hiện mình. Còn đứa trẻ kia, vì được cha mẹ khuyến khích nên "dạy dỗ" cha mẹ như cô giáo dạy học trò, như vậy đứa trẻ nào sẽ có động lực học tập hơn?
Nhà cao tầng mọc lên từ lòng đất, giáo dục cũng như kiến trúc, quan trọng nhất là phần móng, và phần này cũng khó làm lại nhất. Chúng ta nên học cách khuyến khích trẻ em một cách nhẹ nhàng và khôn ngoan, xây dựng một nền tảng vững chắc trong trái tim con mình.
Ý nghĩa của câu hỏi này đầu tiên là cha mẹ bày tỏ tình yêu vô điều kiện với con cái, quan tâm đến việc con cái có gặp khó khăn hay không và bảo vệ cảm giác thân thuộc của chúng. Điều này gửi đến con một thông điệp rằng cha mẹ luôn là chỗ dựa tin cậy nhất của con. Thứ hai là hướng dẫn trẻ suy nghĩ tìm hướng giải quyết.
Như một người cha tên là John Roberts (Mỹ) đã phát biểu trong lễ tốt nghiệp của con mình: "Cha hy vọng rằng trong những năm tới, con sẽ thỉnh thoảng bị đối xử bất công, để con hiểu được giá trị của công lý. Cha hy vọng rằng thỉnh thoảng con sẽ bị bỏ qua, để con nhận ra tầm quan trọng của việc lắng nghe. Cha hy vọng con sẽ đau khổ vừa đủ để con học được sự đồng cảm".
Sai lầm và khó khăn là cơ hội để trẻ trưởng thành.
Nhưng trong đời thực, có một kiểu cha mẹ trực thăng, lúc nào cũng lượn lờ bên con, thấy con gặp vấn đề gì là lập tức dẹp bỏ mọi trở ngại. Cha mẹ thông minh chỉ xuất hiện khi con cái gặp vấn đề lớn để giúp chúng giải tỏa đầu óc, nếu không thì cố gắng không can thiệp.
Kỷ luật không có nghĩa là làm tất cả, và buông tay không có nghĩa là buông xuôi, cha mẹ phải nắm được sự cân bằng tinh tế giữa buông bỏ và kỷ luật, để con cái thực sự "thành tài, thành nhân".
Một vài lời chào hỏi, động viên sau giờ học có thể trở thành của cải tinh thần vô hình trong đời trẻ, nâng đỡ trẻ vượt qua trở ngại và tiến lên phía trước.
Thước đo sự trưởng thành của một đứa trẻ không nên chỉ là một bảng điểm đẹp đẽ hay một chồng chứng chỉ dày cộp.
Chỉ bằng cách tạo cho trẻ một nhân cách hoàn thiện, nuôi dưỡng khả năng hòa đồng với xã hội của trẻ, kích thích trí tò mò vô hạn và động lực bên trong của trẻ, đồng thời xây dựng một trái tim cứng rắn và dũng cảm, trẻ mới có thể bước đi cởi mở và trung thực hơn trên con đường trưởng thành.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn