“Phiên bản tuổi dậy thì của con tôi là… vô số lỗi, sự bất cập”

Bảo Ngọc (Thực hiện)
07/08/2023 - 09:32
“Phiên bản tuổi dậy thì của con tôi là… vô số lỗi, sự bất cập”

Tác giả Vũ Minh Họa và 2 con trai

Đó là chia sẻ của tác giả Vũ Minh Họa, tác giả cuốn sách tâm lý - kỹ năng “Cong ăn cong, thẳng ăn thẳng” về hành trình cùng con đi qua khủng hoảng tuổi dậy thì.

Cuốn sách Cong ăn cong, thẳng ăn thẳng của tác giả Vũ Minh Họa (NXB Phụ nữ Việt Nam) được viết dưới dạng nhật ký của một người mẹ đơn thân, kể về việc đối mặt với khủng hoảng tuổi dậy thì của hai cậu con trai. Báo PNVN đã có cuộc trò chuyện với tác giả Vũ Minh Họa:

Từng không muốn thừa nhận con thuộc cộng đồng LBGT

Điều gì đã khiến chị viết cuốn sách tâm lý - kỹ năng "Cong ăn cong, thẳng ăn thẳng", thưa chị?

Tôi là người luôn cất giữ nâng niu những kỷ niệm đáng nhớ của các con. Tôi vẫn còn giữ những tờ giấy siêu âm khi con tôi còn trong bụng hay những nét vẽ đầu tiên khi lần đầu con cầm bút vẽ, vẽ quả dưa hấu, vẽ cô ca sĩ hay vẽ con cá vàng… Khi còn là học sinh cấp 1, cấp 2, các con tôi là những cậu bé rất ngoan, học giỏi, biết nghe lời và không bao giờ phạm lỗi, luôn được khen ngợi và ai cũng yêu. Nhưng khi đến tuổi dậy thì, các con tôi không những thay đổi mà còn trở thành một phiên bản khác - phiên bản mới với vô số lỗi và sự bất cập. Điều đó khiến tôi rối tung và chơi vơi, luôn trong trạng thái ngỡ ngàng, bật ngửa và bất an, cảm xúc rất hỗn độn.

Cuốn sách "Cong ăn cong, thẳng ăn thẳng"

Cuốn sách "Cong ăn cong, thẳng ăn thẳng"

Nhưng cũng chính phiên bản vô số lỗi ở tuổi dậy thì của các con đã cho tôi rất nhiều cảm hứng để "kể xấu" đầy yêu thương. Con trai lớn của tôi thuộc cộng đồng LGBT - điều này không phải đứa trẻ nào cũng sẵn sàng mở lòng tâm sự, hay bố mẹ cởi mở đón nhận. Và rất nhiều bạn trẻ trong cộng đồng này cũng đang không dám sống thật với thay đổi của trái tim mình. Tôi nghĩ đó là điều đặc biệt để tôi viết nên cuốn sách này.

Chị đã trải qua cung bậc cảm xúc như nào khi con thú nhận mình thuộc cộng đồng LGBT?

Chia sẻ bộc bạch của con không khiến tôi rất bất ngờ nhưng cảm xúc của tôi vẫn chùng xuống cùng sự lo lắng xâm chiếm. Vì bằng linh cảm và quan sát của một người mẹ, tôi đã phần nào nhận thấy con trai của tôi có sự khác biệt nhất định với các cậu bé cùng trang lứa. Nhưng tôi thật sự không muốn thừa nhận và không mong muốn chuyện đó xảy ra, các bạn thuộc cộng đồng LGBT có rất nhiều thiệt thòi.  Những ngày đầu, tôi chưa biết phải làm thế nào để đồng hành cùng con trên con đường lồi lõm trắc trở này, bao suy nghĩ cứ đan chéo chồng lên nhau rất hỗn độn.

Chị đã làm thế nào để thấu hiểu được con mình hơn?

Tôi bắt đầu tìm kiếm thông tin về cộng đồng LGBT, để nhận diện sự khác biệt của giới tính này, về những thay đổi từ tính cách, tâm sinh lý, trang phục… Tôi muốn học cách thích nghi và hiểu hơn những khó khăn mà con tôi phải trải qua, học cách thấu hiểu.

Tôi bắt đầu chia sẻ câu chuyện của gia đình mình với bạn bè, để nhận được những lời khuyên. Tôi cũng tìm hiểu thêm thông tin từ sách, báo và nhận ra rằng: "Là ai cũng được, sinh ra được khỏe mạnh, sống hướng thiện đã là một đặc ân, khi chúng ta biết đủ, biết thích nghi và biết yêu thương, chúng ta sẽ hạnh phúc".

Cha mẹ nên học cách kiên nhẫn trước con

Con trai thứ hai của chị khá nghịch, Ban giám hiệu trường con thường xuyên mời chị đến vì lỗi vi phạm của con. Mỗi lần "được" mời như vậy, chị cảm thấy thế nào?

Khi lần đầu con vi phạm nội quy, tôi rất sốt sắng và lo lắng. Nhưng tôi là một người mẹ rất biết bảo vệ con mình, không phải nhà trường nói con tôi sai ở đâu, tôi nhận ở đấy mà tôi sẽ lắng nghe từ cả hai phía.

Ban giám hiệu mời mẹ lên thuộc mặt đọc tên được luôn. Tôi nói vui là "đeo mo" đi xin học cho con, vì con nghỉ học nhiều nên bị đình chỉ. Thường các bạn sẽ phải viết bản kiểm điểm và ký cam kết chịu mọi hình phạt của nhà trường. Riêng tôi thì khác, tôi lấy bút đỏ ghi rõ: Gia đình hoàn toàn đồng ý với các biện pháp răn dạy phù hợp giáo dục, không ảnh hưởng tâm lý, sức khỏe của con. Theo tôi, tùy từng bạn nên có biện pháp giáo dục thích đáng, không thể để sức khỏe bị ảnh hưởng, phụ huynh nên biết đứng ra để bảo vệ và đồng hành cùng con mềm dẻo nhất có thể.

Tác giả Vũ Minh Họa

Tác giả Vũ Minh Họa

Trong quá trình đi cùng con, có bao giờ chị cảm thấy mình bất lực?

Tôi khóc có, muốn đánh các con cũng có. Tôi thấy bất lực vì các con tôi như biến thành phiên bản khác, cực kỳ khó bảo. Tôi còn bất lực vì tại sao là con mình mà mình lại không dạy được. Thậm chí tôi còn phải trở thành trinh sát bất đắc dĩ vì không biết con mình đang đi đâu, làm gì. Là một người mẹ, tôi không thể không lo lắng.

Con trai thứ 2 của tôi rất hay dọa… cho mẹ lên chức bà nội, làm tôi đôi lúc cũng giật mình. Tôi không cấm các con yêu hay thích các bạn khác giới, chỉ nhỏ nhẹ bảo con lên mạng tìm các phương pháp sao cho an toàn. Rất may sau này khi con lớn hơn, biết thương, hiểu cho mẹ hơn và cũng bắt đầu ngoan hơn.

Theo chị, điều gì là quan trọng nhất để con coi cha mẹ là người bạn đồng hành, sẵn sàng chia sẻ những câu chuyện của mình?

Đầu tiên tôi nghĩ các bậc làm cha, làm mẹ như chúng ta nên học sự kiên nhẫn trước các con. Thứ hai, chúng ta không nên lấy quyền làm bố mẹ ra để áp đặt lên các con, hãy cho con cơ hội giãi bày, đưa ra chính kiến của mình. Tôi hay nói với con mình rằng, con lắng nghe mẹ nói hết đi, sau đó thấy có gì chưa đúng con có quyền được phản biện và đưa ra ý kiến của con.

Tiếp đó, tôi dẫn dắt câu chuyện về quá khứ, là mẹ cũng đã từng như này, như kia, nói theo cách vui vui để vào hùa với con. Từ đấy, các con mới bắt đầu không giấu nữa, chia sẻ với mình rất tự nhiên.

Xin cảm ơn chị đã chia sẻ!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm