Tại danh sách "Forbes World's Billionaires List - The Richest in 2024" (Những tỷ phú thế giới 2024) của tạp chí Forbes, năm nay, có 6 tỷ phú đại diện Việt Nam xuất hiện trong danh sách này.
Cụ thể là: ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch VietJet Air, ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hòa Phát, ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Thaco và ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan.
Trong số 5 tỷ phú nam của Việt Nam, chỉ có 2 tỷ phú là ông Nguyễn Đăng Quang và ông Trần Bá Dương bị giảm tài sản. Tổng số tài sản của 5 tỷ phú hiện là 11,1 tỷ USD, tăng thêm 0,7 tỷ USD so với năm 2023.
Để thực hiện danh sách này, Forbes đã sử dụng phương pháp đánh giá bằng quy mô tài sản của cá nhân dựa vào giá cổ phiếu và tỷ giá hối đoái tại ngày 10/3.
Ông Phạm Nhật Vượng đứng đầu danh sách những tỷ phú Việt Nam tại vị trí 712, khối tài sản là 4,4 tỷ USD. So với năm ngoái, giá trị tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng chỉ tăng nhẹ 100 triệu USD, tương đương với 2,3%. Đây là năm thứ 6 liên tiếp, ông Vượng xuất hiện tại danh sách này và vẫn giữ vững vị trí tỷ phú giàu nhất Việt Nam.
Năm 2023 có thể nói là một năm đáng nhớ đối với tỷ phú Phạm Nhật Vượng và tập đoàn Vingroup khi chính thức niêm yết cổ phiếu VFS (Vinfast) tại sàn chứng khoán Mỹ, trở thành cổ phiếu Việt Nam đầu tiên "xuất ngoại".
Hiện, cá nhân ông đang sở hữu 691,3 triệu cổ phiếu VIC (Vingroup, HOSE), chiếm tỷ lệ 18%. Dựa trên thị giá VIC đang là 47.750 đồng/cp, tài sản của ông tại sàn là 33.009 tỷ đồng.
Chủ tịch Thép Hòa Phát, ông Trần Đình Long sở hữu 2,6 tỷ USD, đứng thứ 1286. Con số trên giúp ông trở thành tỷ phú có mức tăng trưởng tài sản mạnh nhất với 44,4% so với năm ngoái.
Với số lượng cổ phiếu HPG đang nắm giữ, tài sản của ông tại sàn chứng khoán hiện đang là khoảng 45.000 tỷ đồng.
Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ từ diễn biến khởi sắc của cổ phiếu HPG (Thép Hòa Phát, HOSE) thời gian qua tại sàn chứng khoán. Chỉ trong năm 2023, giá cổ phiếu HPG đã tăng tới 44%. Hiện tại, cổ phiếu HPG đang có mức giá là 29.950 đồng/cp, tăng 41,3% so với thị giá thời điểm này năm ngoái.
Ông Hồ Hùng Anh, chủ tịch Techcombank đứng tại vị trí 1851 với tài sản 1,7 tỷ USD, tăng 13,3% sau 1 năm.
Cá nhân ông hiện đang nắm giữ hơn 39,3 triệu cổ phiếu TCB (Techcombank, HOSE), tương đương với 1.840 tỷ đồng.
Kế tiếp, lần lượt là ông Nguyễn Đăng Quang và ông Trần Bá Dương khi đồng vị trí 2410 tại 1,2 tỷ USD. Đồng thời, 2 vị tỷ phú này đều ghi nhận tài sản giảm trong năm qua, ông Nguyễn Đăng Quang, tài sản giảm 7,7%, còn ông Trần Bá Dương, tài sản giảm tới 20%.
Đối với chủ tịch Tập đoàn Masan, ông Nguyễn Đăng Quang đã có một năm nhiều biến động khi liên tục biến mất và xuất hiện tại danh sách Forbes do biến động tài sản từ khoảng 1-1,9 tỷ USD do cổ phiếu MSN (Masan, HOSE).
Tại sàn, ông Quang đang nắm giữ trực tiếp 15 triệu cổ phiếu MSN (Masan, HOSE) và hơn 9,4 triệu cổ phiếu TCB (Techcombank, HOSE). Ngoài ra, thông qua CTCP Masan và Hoa Hướng Dương, ông vẫn gián tiếp sở hữu lượng lớn cổ phiếu MSN, tương đương gần 45%.
Đồng thời, ông Quang cũng trực tiếp giữ cổ phần tại một số công ty con khác của Masan như Masan Consumer (MCH, UPCoM), Tầm Nhìn Masan (MRH, UPCoM).
Chủ tịch Thaco, ông Trần Bá Dương là tỷ phú Việt duy nhất trong danh sách này hiện chưa niêm yết doanh nghiệp tại sàn chứng khoán.
Theo báo cáo định kỳ về tình hình tài chính năm 2023 của CTCP Tập đoàn Trường Hải (THACO), lợi nhuận sau thuế đạt 2.734 tỷ đồng, giảm mạnh 63%. Đây có lẽ là nguyên nhân khiến tài sản của ông năm nay theo Forbes thống kê đã giảm mạnh 20%.
Thaco được thành lập vào năm 1997, do ông Trần Bá Dương sáng lập, Chủ tịch HĐQT. Đến nay, doanh nghiệp đã phát triển đa ngành gồm 6 tập đoàn thành viên: Thaco Auto (ô tô), Thaco Industries (cơ khí và công nghiệp hỗ trợ), Thaco Agri (nông nghiệp), Thadico (đầu tư, xây dựng), Thisco (thương mại và dịch vụ), Thilogi (logistics).
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn