pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ông Phạm Nhật Vượng và Nguyễn Đăng Quang có tên trong danh sách tỷ phú thế giới
Kết thúc một năm nền kinh tế đầy thăng trầm 2023, tài sản các tỷ phú Việt Nam ghi nhận nhiều chuyển biến.
Tại bảng xếp hạng 500 tỷ phú thế giới của Bloomberg Billionaire Index, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (VIC, HOSE), ông Phạm Nhật Vượng, đang giữ vị trí thứ 254. Tổng tài sản đạt 9,13 tỷ USD.
Ông Phạm Nhật Vượng hiện là người Việt Nam duy nhất xuất hiện tại bảng xếp hạng này.
Theo Bloomberg Billionaire Index, tài sản của ông Vượng chủ yếu đến từ cổ phần hai công ty niêm yết là Vingroup (VIC) và VinFast (VFS).
Tỷ phú Vingroup đang kiểm soát phần lớn cổ phần tại VinFast - công ty Việt Nam đầu tiên được niêm yết tại sàn Nasdaq thông qua SPAC vào tháng 8/2023. Theo thống kê tính đến hết năm 2023, ông Phạm Nhật Vượng đang nắm giữ 45% cổ phần VinFast, điều này giúp ông tăng khoảng 7 tỷ USD giá trị tài sản. Số cổ phiếu ông kiểm soát VinFast thông qua Vingroup được loại trừ để tránh tính hai lần.
Tại thị giá khoảng 7 USD/cp ở thời hiện tại, vốn hóa thị trường VinFast đạt 16,5 tỷ USD.
Bên cạnh VinFast, Bloomberg còn cho biết, ông Vượng đang sở hữu 61% cổ phần của Vingroup, công ty hoạt động nhiều lĩnh vực, như: bất động sản, giáo dục, bán lẻ ..
Ngoài nằm giữ trực tiếp, ông Vượng còn sở hữu cổ phần tại VIC thông qua các công ty riêng của mình: CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam, VMI,... Cổ phiếu do bà Phạm Thu Hương, phu nhân Chủ tịch Vingroup, cũng được ghi nhận vào tài sản của ông, để phản ánh tư cách là người sáng lập của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Song, tại xếp hạng của Forbes, tổng tài sản của tỷ phú Vingroup chỉ ở mức 4,3 tỷ USD, tương đương với năm 2018, giảm mạnh so với 4 năm qua.
Nguyên do là bởi Forbes ước tính chủ yếu dựa vào số cổ phiếu nắm giữ tại Vingroup, còn tại VinFast, dựa vào nhiều yếu tố, Forbes đã tính toán lại định giá và mọi biến động giá cổ phiếu VFS không được tính vào tài sản của ông.
Giới tỷ phú Việt Nam năm qua còn đón nhận thêm biến động nữa với sự trở lại của ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan (MSN, HOSE) tại danh sách tỷ phú thế giới của Forbes.
Trước đó, vào hồi tháng 10/2023, do biến động của cổ phiếu MSN, ông Nguyễn Đăng Quang từng không còn xuất hiện trong danh sách này.
Năm 2019, ông Nguyễn Đăng Quang lần đầu tiên góp mặt trong danh sách những tỷ phú giàu nhất của Forbes. Tài sản của ông từng đạt mức cao nhất theo xếp hạng của Forbes là vào năm 2022, cán mốc 1,9 tỷ USD.
Theo Forbes, doanh thu của tập đoàn Masan đến từ các lĩnh vực kinh doanh sản phẩm thực phẩm, hàng tiêu dùng, thức ăn chăn nuôi và chế biến thực phẩm.
Tính đến tháng 6/2023, ông Nguyễn Đăng Quang nắm giữ lượng lớn cổ phiếu MSN thông qua CTCP Masan và Xây dựng Hoa Hướng Dương, tương đương khoảng 45% cổ phần Masan. Bà Nguyễn Hoàng Yến, phu nhân của ông, cũng đang nắm giữ 50,9 triệu cổ phiếu, tương đương 3,58%.
Ngoài ra, ông còn đang nắm giữ khoảng 9,4 triệu cổ phiếu TCB (Ngân hàng Techcombank, HOSE) tại vị trí Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng Techcombank.
6 tỷ phú Việt Nam xuất hiện trong danh sách tỷ phú giàu nhất thế giới và tổng tài sản
Hiện, Việt Nam có 6 đại diện xuất hiện danh sách tỷ phú của Forbes, gồm: ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC, HOSE), bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch CTCP Hàng không VietJet (VJC, HOSE), ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG, HOSE), ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB, HOSE), ông Trần Bá Dương - Chủ tịch CTCP ô tô Trường Hải (THACO) và gia đình, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Tập đoàn Masan (MSN, HOSE).