Việc duy trì cân nặng lý tưởng là một mục tiêu quan trọng đối với nhiều người, nhưng khi nó trở thành tâm điểm của cuộc sống - điều này có thể biểu hiện rằng bạn đang quá ám ảnh với việc giảm cân. Sự tập trung quá mức vào cân nặng không chỉ gây cản trở cho việc tận hưởng cuộc sống mà còn có thể dẫn đến những hành vi không lành mạnh và có hại cho sức khỏe tâm thần và thể chất.
Dưới đây là dấu hiệu cho thấy bạn có thể đang quá sa đà vào hành trình giảm cân của mình, từ việc cân nặng liên tục, đếm từng calo một cách ám ảnh, cho đến việc tránh tham gia các hoạt động xã hội chỉ để tuân theo một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt. Việc nhận biết những dấu hiệu sớm này sẽ giúp bạn có cái nhìn cân đối hơn và định hình lại mục tiêu của mình một cách khỏe mạnh hơn.
Nếu bạn bước lên cân trước và sau bữa ăn liên tục trong ngày để kiểm tra cân nặng thì đây là một dấu hiệu cho thấy bạn đang quá ám ảnh về chúng. Cân nặng của một người dao động tự nhiên trong suốt cả ngày, do đó mà nếu muốn kiểm tra cân nặng mỗi ngày thì bạn nên kiểm tra một lần vào buổi sáng, sau khi đi vệ sinh và trước bữa ăn sáng.
Trừ khi có chỉ định từ bác sĩ, còn lại bạn chỉ nên cân mỗi tuần một lần là đủ.
Ghi lại nhật ký ăn uống của các bữa chính và bữa nhẹ là cần thiết để tránh việc tiêu thụ calo quá mức. Nhưng nếu bạn bắt đầu có thói quen lựa chọn thực phẩm chỉ dựa trên giá trị calo của chúng mà bỏ qua các vitamin và chất dinh dưỡng quan trọng cũng như bỏ qua cảm giác hài lòng của bản thân thì hãy điều chỉnh lại ngay.
Có một ranh giới mong manh giữa việc đếm lượng calo và những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi liên quan đến chứng rối loạn ăn uống. Để ăn uống lành mạnh, bạn hãy tập trung vào việc chia khẩu phần ăn của mình thành các nhóm bao gồm rau củ - chất đạm - tinh bột tốt cho sức khỏe.
Không có gì sai khi bạn muốn ăn các thực phẩm "sạch" tốt cho sức khỏe và tránh ảnh hưởng tiêu cực của các chất phụ gia, nếu có. Nhưng nếu bạn luôn coi một số loại thực phẩm là chỉ tốt (ví dụ như bông cải xanh) và những thực phẩm khác là chỉ xấu (ví dụ như khoai tây) và ám ảnh với việc chỉ ăn thực phẩm tốt và loại trừ toàn bộ thực phẩm mà bạn coi là chỉ xấu có thể là dấu hiệu của việc bạn đang tập trung quá nhiều vào việc giảm cân.
Thực tế, vốn dĩ không có thực phẩm nào là chỉ tốt hoặc chỉ xấu. Khi tiêu thụ quá nhiều một thực phẩm nào đó, hẳn sẽ có những tác dụng phụ không mong muốn tới sức khỏe. Bạn nên quan tâm tới giá trị dinh dưỡng tổng thể của thực phẩm và coi thực phẩm là "nhiên liệu" để bạn khỏe mạnh hơn. Tiêu thụ ở mức vừa phải các thực phẩm tốt cho sức khỏe để nhận được tất cả các vi chất dinh dưỡng như kali, magie, vitamin A, vitamin B6, vitamin C,..
Thường thì khi giảm cân việc cắt giảm hoặc hạn chế thực phẩm tiêu thụ sẽ giúp giảm lượng calo hấp thụ và bạn có thể giảm cân nhưng cắt giảm một cách cực đoan các chất dinh dưỡng như carbohydrate và chất béo cũng như protein và chất xơ lại có thể gây phản tác dụng và khiến sức khỏe bị ảnh hưởng xấu.
Hơn nữa, việc cắt giảm cực đoan còn làm tăng khả năng ăn uống không điều độ, cơn thèm ăn khi bạn ăn trở lại hoặc cơ thể bắt đầu "đòi hỏi" nạp vào các chất dinh dưỡng bị thiếu. Vòng lặp luẩn quẩn này không khiến bạn giảm cân lành mạnh mà còn có thể gây tăng cân và rối loạn dinh dưỡng.
Tập thể dục thường xuyên là điều cần thiết để giảm cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh cũng như hỗ trợ sức khỏe tinh thần. Nhưng một người có thể trở nên ám ảnh với việc tập thể dục, bất chấp tập luyện khi đang bị ốm hay bị thương, tập gắng sức và chìm trong cảm xúc tồi tệ nếu không được đổ mồ hôi khi tập luyện.
Việc nghiện tập thể dục có thể biểu hiện rằng bạn đang quá tập trung vào việc giảm cân và đôi khi điều này (vốn là một thói quen tốt) sẽ ẩn chứa những hậu quả tiêu cực đối với sức khỏe và tâm lý. Khi việc luyện tập vượt qua giới hạn cân đối và trở thành một ám ảnh có thể dẫn tới chấn thương, mất cân bằng dinh dưỡng, rối loạn ăn uống và stress.
Cân nhắc và điều chỉnh lượng tập luyện phù hợp có thể giúp duy trì sự khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.
Nhiều người ám ảnh với việc ép bản thân thực hiện chặt chẽ các hành vi nghi thức ăn uống như nhai đủ 10 lần trước khi nuốt, cắt thực phẩm thành từng miếng bằng nhau, chỉ ăn vào một giờ cố định, chỉ sử dụng đũa gắp cho trẻ nhỏ khi ăn,...
Điều này có thể dẫn đến những hành vi ăn uống không lành mạnh và thậm chí là các rối loạn ăn uống. Biểu hiện thường thấy là cảm giác tồi tệ kéo tới khi bạn không thể hoàn thành các nghi thức này.
Cho dù là chế độ ăn thuần chay hay nhịn ăn gián đoạn hoặc chế độ ăn kiêng nào khác luôn khiến bạn không ngừng nghiên cứu và dành hàng giờ mỗi ngày chỉ để "bới tung" các công thức này lên thì hãy cẩn thận. Áp dụng một cách thái quá các chế độ ăn và không thống nhất cũng góp phần khiến bạn khó giảm cân hơn, hại sức khỏe hoặc tăng nguy cơ gặp các rối loạn ăn uống và thậm chí là trầm cảm, stress.
Ngoài những dấu hiệu kể trên, việc bạn đánh mất những đam mê khác của mình chỉ để giảm cân hay sẽ chỉ ăn các thức ăn mà mình chuẩn bị mà không có ngoại lệ hoặc luôn nhìn vào hình thể của người khác và đánh giá bản thân trong khi giảm cân, đánh giá ngoại hình dựa theo lượt thích trên mạng xã hội... đều cho thấy bạn đang quá tập trung vào việc giảm cân.
Nhìn chung, việc giảm cân là một hành trình đầy thách thức đòi hỏi sự kiên nhẫn và nỗ lực. Tuy nhiên, quan trọng là phải nhận biết được khi nào mình đã quá tập trung vào mục tiêu đó đến mức hành vi này trở thành mối lo ngại. Sức khỏe và hạnh phúc không chỉ đến từ con số trên cân mà còn đến từ sự cân bằng, dinh dưỡng hợp lý và tình yêu thương bản thân. Hãy lắng nghe cơ thể và tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp khi cảm thấy cần thiết để đảm bảo rằng bạn tiến tới lối sống lành mạnh mà không tự tổn thương sức khỏe.
Dấu hiệu của rối loạn ăn uống
Rối loạn ăn uống là những tình trạng sức khỏe tâm thần được đặc trưng bởi những thói quen ăn uống không bình thường, có thể bao gồm ăn quá nhiều hoặc quá ít, hoặc quá chú trọng vào trọng lượng và hình dáng cơ thể của mình. Các loại rối loạn ăn uống phổ biến bao gồm chứng biếng ăn, bulimia (chứng cuồng ăn) và chứng ăn uống bất thường.
Các rối loạn này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, tâm lý và chất lượng cuộc sống của người mắc phải. Triệu chứng của rối loạn ăn uống có thể bao gồm các dấu hiệu về hành vi, tâm lý và thể chất. Cụ thể:
- Hành vi: Bỏ bữa, ăn rất ít hoặc ăn quá nhiều, lo lắng về trọng lượng và hình dáng cơ thể, ám ảnh về thực phẩm, tập thể dục quá mức.
- Tâm lý: Lo lắng, trầm cảm, cảm giác mất kiểm soát, e ngại khi ăn trước mặt người khác.
- Thể chất: Sút cân hoặc tăng cân đáng kể trong một khoảng thời gian ngắn, rối loạn kinh nguyệt, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, tổn thương răng và nướu do nôn mửa thường xuyên.
Nếu nhận thấy các triệu chứng này, quan trọng là cần phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia sức khỏe tâm thần và dinh dưỡng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn