Hãng thông tấn nhà nước SPA cho biết trong hôm thứ Bảy (12/3), Ả Rập Xê Út đã hành quyết 81 người, bao gồm 7 người Yemen và 1 người Syria, với tội danh khủng bố và có "niềm tin lệch lạc". Đây là vụ hành quyết hàng loạt lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua ở vương quốc này, vượt qua con số 67 vụ trong cả năm 2021 và 27 vụ trong năm 2020.
Trích dẫn trong một tuyên bố từ bộ nội vụ nêu: "Những cá nhân này, tổng cộng 81 người, bị kết án với nhiều tội danh khác nhau bao gồm giết người vô tội, sát hại đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Tội ác của họ cũng bao gồm việc cam kết trung thành với các tổ chức khủng bố nước ngoài, như ISIS, al-Qaeda và Houthi".
Báo cáo cho biết thêm, trong số 81 người bị hành quyết, có 37 công dân Ả Rập Xê Út bị kết tội trong một vụ cố gắng ám sát các nhân viên an ninh, nhắm mục tiêu vào các đồn cảnh sát và đoàn xe.
Các nhóm nhân quyền cáo buộc Ả Rập Xê Út thi hành luật hạn chế thể hiện chính trị và tôn giáo, đồng thời chỉ trích nước này sử dụng án tử hình, kể cả với các bị cáo bị bắt khi còn là trẻ vị thành niên. Tuy nhiên, quốc gia Hồi giáo này phủ nhận các cáo buộc vi phạm nhân quyền và nói rằng họ bảo vệ an ninh quốc gia thông qua luật pháp của mình. Hãng thông tấn nhà nước SPA cho biết các bị cáo được cung cấp quyền liên hệ với luật sư và được đảm bảo đầy đủ quyền lợi theo luật của Ả Rập Xê Út trong quá trình xét xử.
Ả Rập Xê Út đã hành quyết 63 người trong một ngày vào năm 1980, một năm sau khi các chiến binh chiếm giữ Nhà thờ Hồi giáo lớn ở Mecca, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông nhà nước. Năm 2016, tổng cộng 47 người, bao gồm cả giáo sĩ Hồi giáo nổi tiếng người Shi'ite Nimr al-Nimr, đã bị hành quyết trong một ngày.
"Vương quốc sẽ tiếp tục thực hiện lập trường nghiêm khắc và kiên định chống lại chủ nghĩa khủng bố và các hệ tư tưởng cực đoan đe dọa sự ổn định của toàn thế giới", báo cáo cho biết thêm. Báo cáo không nêu cách các vụ hành quyết được thực hiện, mặc dù các tử tù thường bị chặt đầu ở Ả Rập Xê Út.
Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, Ả Rập Xê Út có tỷ lệ tử hình cao thứ năm trên thế giới sau Trung Quốc, Iran, Ai Cập và Iraq. Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2017 dưới thời cha mình, Thái tử Mohammed bin Salman ngày càng tự do hóa cuộc sống ở Ả Rập Xê Út, mở các rạp chiếu phim và cho phép phụ nữ lái xe.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn