Pakistan: Tử hình kẻ giết hại con gái cựu Đại sứ Pakistan

Kim Ngọc
25/02/2022 - 17:27
Pakistan: Tử hình kẻ giết hại con gái cựu Đại sứ Pakistan

Zahir Jaffer, 30 tuổi, đến tòa án ở Islamabad, nơi Jaffer bị kết án treo cổ. Ảnh: Farooq Naeem/ AFP/ Getty Images

Zahir Jaffer bị kết án tử hình vì giết hại dã man con gái của cựu Đại sứ Pakistan, làm dấy lên lời kêu gọi bảo vệ tốt hơn cho nạn nhân của bạo lực gia đình.

Công lý đứng về phía nạn nhân

Hôm thứ Năm (24/02), Zahir Jaffer bị kết án tử hình vì giết hại cô Noor Mukadam, 27 tuổi, con gái cựu nhà ngoại giao Pakistan tại ngôi nhà ở một khu phố giàu có của thủ đô Islamabad hồi tháng Bảy năm ngoái.

Jaffer, 30 tuổi, là con trai của một gia đình có thế lực và mang hai quốc tịch Pakistan-Mỹ, đã bị bắt tại hiện trường vụ tấn công và bị buộc tội giết người, hiếp dâm, bắt cóc và giam giữ người có chủ ý. Theo đó, Jaffer được cho là đã tấn công Mukadam sau khi bị cô gái từ chối lời cầu hôn. Hai người làm của Jaffer, một bảo vệ và một người làm vườn, đều bị kết án 10 năm vì tiếp tay cho vụ giết người khi ngăn chặn Mukadam rời khỏi dinh thự sang trọng. Cha mẹ của Jaffer, những người đối mặt với các cáo buộc che đậy vụ giết người, được tòa tuyên trắng án.

Pakistan: Tử hình người đàn ông giết hại con gái cựu nhà ngoại giao - Ảnh 1.

Noor Mukadam qua đời vào ngày 20/6 năm ngoái tại nhà của Jaffer ở Islamabad

Sau một phiên tòa kéo dài bắt đầu vào tháng Mười, Thẩm phán Ata Rabbani hôm thứ Năm đã kết án treo cổ Jaffer. Cha của nạn nhân, ông Shaukat Mukadam, vui mừng trước phán quyết. "Điều này dành cho tất cả các cô gái ở Pakistan. Xã hội và phương tiện truyền thông đã đứng về phía chúng tôi, toàn bộ quốc gia và thế giới đã đứng về phía chúng tôi", ông nói với các phóng viên.

Luật sư Shah Khawar cho biết: "Công lý đã lên tiếng, và phán quyết hôm nay sẽ trao quyền cho phụ nữ Pakistan nói chung". Farzana Bari, một nhà hoạt động vì quyền phụ nữ, nói: "Ngày hôm nay, công lý đã được thực thi. Chúng tôi yêu cầu các tòa án cấp cao hơn sẽ giữ nguyên bản án và bác đơn kháng cáo của Jaffer".

Cái chết của Mukadam có thể đã bị mất trong số liệu thống kê tội phạm của Pakistan, nếu không phải vì địa vị của cô và các mối quan hệ của gia đình Jaffer cũng như vụ giết người được xảy ra ở khu F7, một trong những khu phố giàu có nhất ở Islamabad.

Pakistan: Tử hình người đàn ông giết hại con gái cựu nhà ngoại giao - Ảnh 2.

Các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ ở Pakistan biểu tình phản đối vụ giết hại dã man Noor Mukadam vào ngày 22/9/2021

Bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái ở Pakistan

Bực lực với phụ nữ và trẻ em gái là một điều phổ biến ở Pakiatan, nhưng cái chết của Noor Mukadam đã gây chấn động cả nước vì gia thế của Jaffer và bản chất tàn bạo của vụ án. Pakistan có tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ cao, tỷ lệ kết án thấp, với hầu hết thủ phạm đều không bị buộc tội. Theo AGHS Legal Aid Cell, một nhóm nhân quyền cung cấp đại diện pháp lý miễn phí cho các nhóm yếu thế ở Pakistan, tỷ lệ kết án cho các trường hợp bạo lực với phụ nữ là dưới 3%. Ngoài ra, Pakistan cũng không có luật toàn quốc hình sự hóa bạo lực gia đình, khiến nhiều phụ nữ và trẻ em gái dễ bị tấn công.

Một báo cáo gần đây của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), cho biết: "Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái - bao gồm cưỡng hiếp, giết người, tấn công bằng axit, bạo lực gia đình và cưỡng ép kết hôn là tình trạng phổ biến trên khắp Pakistan. Các nhà bảo vệ nhân quyền ước tính rằng mỗi năm có khoảng 1.000 phụ nữ bị giết trong những vụ giết người 'vì danh dự'".

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới về bạo lực gia đình ở Pakistan từ năm 2008 đến năm 2018, bạo lực thường xảy ra trong hôn nhân và không được báo cáo vì được coi là một chuẩn mực văn hóa trong xã hội gia trưởng của Pakistan. Bộ Nhân quyền Pakistan cho biết, khoảng 28% phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 49 đã từng bị bạo lực thể xác từ năm 15 tuổi, trích dẫn Khảo sát Nhân khẩu học và Sức khỏe của nước này từ năm 2017-2018. Các nhà hoạt động đã dùng cái chết của Mukadam để kêu gọi Quốc hội nước này thông qua đạo luật phạt tiền hoặc bỏ tù những người phạm tội lạm dụng phụ nữ, trẻ em hoặc những người dễ bị tổn thương.

Dự luật Phòng ngừa và Bảo vệ Bạo lực Gia đình Pakistan được đề xuất vào năm 2020. Nếu được thông qua, dự luật sẽ chỉ áp dụng cho thủ đô Islamabad, nhưng các nhà hoạt động tin rằng nó sẽ khuyến khích các tỉnh khác thông qua luật tương tự vì thủ đô do đảng cầm quyền Pakistan Tehreek-e-Insaf của đất nước kiểm soát.

Nguồn: CNN, The Guardian
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm