Tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, có một thành phố tên là Chung Tường, tuy chỉ là cấp huyện nhưng vùng đất này có rất nhiều chứng tích lịch sử. Chung Tường từng là nơi ở của 6 vị hoàng đế và luôn được đánh giá là nơi có phong thủy phù hợp để ở và chôn cất. Thành phố này có một ngôi làng nhỏ tên là Tam Xóa Hà. Trong làng có một câu chuyện lưu truyền về một vị hoàng tử đã được chôn cất ở đây và bên trong mộ của ông có vô số vàng bạc châu báu, nếu ai đào được thì sẽ phát tài.
Chính vì truyền thuyết này, nhiều nhóm trộm mộ đã tìm cách đột nhập vào nghĩa trang của làng để tìm kiếm kho báu nhưng không thành công. Năm 2004, khi người dân trong làng đang say ngủ thì bất ngờ bị "đánh thức" trong đêm. Tổng cộng có tới 9 "cơn rung chấn" lần lượt xảy ra, dân làng tuy bị giật mình nhưng chuyện tương tự đã từng xảy ra trước đây. Đây không phải lần đầu những kẻ trộm mộ dùng thuốc nổ để công phá các ngôi mộ.
Vì quá căm phẫn trước sự ngang nhiên này, dân làng đã bàn bạc cùng nhau kéo tới nghĩa trang để đánh đuổi những kẻ trộm mộ. Khi người dân làng cùng chính quyền thôn tới nơi, những kẻ trộm mộ đã cao chạy xa bay. 9 lần đánh bom liên tiếp đã khiến nghĩa trang của làng bị thiệt hại nặng nề. Trên mặt đất đầy những hố, có hố sâu tới 8m. Cuối cùng, họ quyết định liên hệ với Ban Di tích văn hóa của thành phố tới để khảo sát khu vực nghĩa trang.
Nhận được tin báo, một đội khảo cổ đã gấp rút di chuyển tới làng Tam Xóa Hà. Theo quan sát của họ, nghĩa trang của làng được xây từ thời nhà Minh, xét theo quy mô thì có lẽ là nơi chôn cất của một vị hoàng tử nào đó. Họ lập tức bắt tay vào khai quật những gì còn lại trong các hố để tránh tổn thất lớn hơn.
Sau khi tìm kiếm và kiểm định các đồ vật tùy táng bên trong, họ phát hiện ra nghĩa trang này là nơi chôn cất của Dĩnh Tĩnh Vương Chu Đống. Chu Đống là hoàng tử thứ 24 của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương. Làng Tam Xóa Hà là một trong những vùng đất được nhà vua ban thưởng cho ông cai quản.
Theo ghi chép trong sử sách, Chu Đống là một vị hoàng tử nhân đức, lấy việc quản lý quốc gia làm trọng, luôn khuyến khích người dân khai khẩn đất hoang để phát triển nông nghiệp. Dưới sự cai quản của Chu Đống, vùng đất này đã phát triển rất thịnh vượng. Chu Đống không chỉ là người đức độ, ông còn là một người thông thạo văn thơ. Chu Nguyên Chương rất coi trọng Chu Đống và thường ban thưởng hậu hĩnh cho ông.
Chu Đống không có con trai nên đồ tùy táng chôn cùng ông trong lăng mộ nhiều vô số kể. Đội khảo cổ đã khai quật trong 40 ngày liên tục, làm việc gần 24 tiếng một ngày mới hoàn thành công việc. Kết quả là họ đã khai quật được hơn 400 di vật văn hóa. Trong đó có 2 món bảo vật vô cùng giá trị được định giá lên tới 1 tỷ NDT (hơn 3.400 tỷ đồng).
Đó là 2 chiếc bình bằng sứ Thanh Hoa chạm hoa văn rồng phượng. Mỗi chiếc bình có giá 500 triệu NDT và chúng đều được công nhận là bảo vật quốc gia. Hai bình sứ Thanh Hoa này có hai kiểu hoa văn khác nhau, một là hoa văn long vân, màu sắc đậm đà diễm lệ, có một ít đốm, nhưng hội họa hơi thô, có 4 tầng hoa văn, chủ yếu là dây leo hoa mẫu đơn cùng với rồng bốn chân, hình tượng rồng uy mãnh, có gáy nhỏ. Món còn lại là bình mai với hoa văn là bức "Tứ ái đồ", màu sắc so với bình long vân bên trên thì nhạt hơn. Hiện nay, 2 chiếc bình đang được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Bắc.
Sở dĩ, 2 chiếc bình này được đánh giá cao như vậy là vì xuất xứ của chúng. Trong số các đồ gốm sứ thì nổi tiếng nhất là sứ Thanh Hoa. Sứ Thanh Hoa được bắt nguồn từ thời nhà Đường, nhưng thực sự có bước đột phá lớn là khi qua các lò nung ở thời nhà Nguyên.
Sứ Thanh Hoa bất kể là dùng chất liệu gì, hoa văn đường nét, thời gian nung hay công nghệ chế tác đều cực kỳ tinh tế. Thông qua nặn bùn, làm phôi, in phôi, vuốt phôi (làm cho đường nét phôi sắc sảo), tráng men bên trong, vẽ phôi, xoa men bên ngoài, khoét đáy cho vừa đủ, vẽ kiểu dáng đáy, tráng men đáy, bọc men vừa đủ, hoàn thành tác phẩm sứ thô, nung sứ, mở lò, … hơn mười mấy công đoạn làm việc.
Sứ Thanh Hoa trước đây là sản phẩm gia truyền, đạt đến đỉnh cao ở giai đoạn thời Minh - Thanh, là một trong những dòng gốm sứ cao cấp và đắt tiền nhất thời đó. Nhưng từ sau cải cách, vì sự cạnh tranh giữa các lò gốm sứ cùng địa phương, kỹ thuật sản xuất gốm sứ không ngừng phát triển trong khi gốm sứ Thanh Hoa mang tính truyền thống, đơn chiếc, giá cả quá đắt đỏ, chỉ sản xuất đáp ứng một hai tầng lớp nên sứ Thanh Hoa không được sử dụng rộng rãi so với những lò gốm khác. Sứ Thanh Hoa cổ là một trong số nhiều món được các tay sành đồ cổ lùng mua. Sau này, sứ Thanh Hoa được truyền lại vào dân gian và trở thành loại gốm sứ thông dụng.
Ngoài hai món bảo vật này, các nhà khảo cổ còn tìm thấy rất nhiều đồ dùng bằng vàng, bạc và ngọc rất tinh xảo. Bên trong lăng mộ của Chu Đống, họ còn phát hiện ra một bức tường thành màu đỏ cao khoảng 3,8m cùng 30 gian phòng khác nhau, mỗi gian đều được bày biện rất tráng lệ tuy nhiên do bị bom mìn công phá nên nhiều chỗ đã bị phá hủy nghiêm trọng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn