Tuổi kết hôn là độ tuổi tối thiểu một công dân được phép lấy chồng hoặc vợ cũng như có quyền làm hoặc buộc phải làm cha/mẹ hoặc các hình thức khác đồng thuận khác. Trước đó, tuổi kết hôn của phụ nữ Ấn là 18 và nam giới nước này là 21. Tuy nhiên, cuộc họp Nội các ngày 15/12/2021 đã thông qua dự luật nâng tuổi kết hôn của phụ nữ ngang bằng với nam giới.
Trước thay đổi trên, nhiều nhà hoạt động xã hội cho rằng phụ nữ Ấn Độ có thể rơi vào thách thức và nguy hiểm khác khi nâng tuổi kết hôn lên 21. Sau khi Nội các thông qua, chính phủ sẽ đưa ra một bản sửa đổi đối với Luật Cấm hôn nhân trẻ em 2006 và Luật Hôn nhân của người Hindu 1995.
Trong một bài phát biểu vào năm ngoái, Thủ tướng Ấn Độ, ông Narendra Modi, đã nhắc đến đề xuất nâng tuổi kết hôn. "Chính phủ quan tâm đến sức khỏe của phụ nữ và trẻ em gái. Để cứu các cô gái khỏi tình trạng suy dinh dưỡng, họ cần phải kết hôn sau độ tuổi cho phép kết hôn", Thủ tướng nói.
Đầu năm nay, hàng trăm cô gái từ bang Haryana, phía bắc Ấn Độ, đã gửi thư đến Tổng thống Modi với mong muốn ông thông qua dự luật nâng tuổi kết hôn ở phụ nữ Ấn. Haryana là nơi có tỷ lệ giới tính giữa nữ và nam thấp nhất trong số các bang khác của quốc gia này.
Bộ trưởng Bộ Tài chính của Ấn Độ, bà Nirmala Sitharaman, cho biết: "Quyết định này rất quan trọng và có ý nghĩa lớn vì mở ra cơ hội cho phụ nữ tiến xa hơn, cả về học vấn lẫn sự nghiệp. Tuy nhiên, cần phải giảm MMR (tỷ lệ tử vong ở người mẹ) cũng như cải thiện mức độ dinh dưỡng. Toàn bộ vấn đề liên quan đến độ tuổi một người bước vào độ tuổi làm mẹ cần được xem xét toàn diện".
Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc vào năm 2017, Ấn Độ phải "vật lộn" để ngăn chặn tình trạng tảo hôn. Năm 2017 ghi nhận 27% các cô gái Ấn Độ kết hôn trước 18 tuổi.
Khi dự luật được thông qua, nhiều ý kiến ủng hộ cho rằng đây là một quyết định đúng đắn vì tuổi kết hôn của nam giới và nữ giới đã bằng nhau. Tuy nhiên, nhiều bình luận cũng cho biết các nhà chức trách cần hoạt động nhiều hơn để thay đổi tư duy xã hội chứ không phải chỉ ban hành thành luật.
Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, một số nhà hoạt động xã hội cho rằng bước đi này của chính phủ có thể gây ra "thảm họa" đối với phụ nữ nước này. Bà Flavia Agnes, một nhà hoạt động vì nữ quyền, cho biết: "Hiện tại, rất nhiều cô gái Ấn đang mang thai ở độ tuổi 13, 14 hoặc 15 và tuổi kết hôn hợp pháp lại nâng lên 21 tuổi. Điều này sẽ là một thảm họa vì phụ nữ đã mang thai nhưng không được phép kết hôn".
Ở nhiều vùng nông thôn, các gia đình cho phép trẻ em gái lấy chồng sớm vì lo sợ nguy cơ bị hãm hiếp hoặc con cái sẽ bỏ đi. Theo các nhà hoạt động, khi chính phủ đang ủng hộ quyền tự chủ kết hôn của phụ nữ, nâng tuổi kết hôn dường như là một động thái kìm hãm kết hôn tự do, khi phụ nữ chưa đủ 21 tuổi muốn kết hôn những sẽ vi phạm pháp lý.
"Tôi tin rằng quyết định này nên trở thành giảm tuổi kết hôn của nam giới xuống 18 tuổi thay vì tăng tuổi kết hôn của nữ giới lên 21. Nếu một công dân có quyền bầu cử khi đủ 18 tuổi, họ có tất cả các quyền mà người trưởng thành nào cũng có, bao gồm kết hôn hợp pháp", bà Kavita Krishnan, một chính trị gia của Ấn Độ, bày tỏ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn