An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, là cửa ngõ phía Tây Nam của Tổ quốc, có nền văn hóa đa bản sắc. Hiện trên toàn tỉnh An Giang có 29 dân tộc sinh sống. Ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số, còn 28 dân tộc thiểu số khoảng 119.219 người, với 28.481 hộ, chiếm tỷ lệ 5,26% dân số toàn tỉnh. Cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã có điều kiện giao lưu, tỏa sáng và kết hợp văn hóa thành nét đẹp truyền thống đặc sắc.
Nguồn thu nhập của đồng bào dân tộc chủ yếu từ trồng trọt, chăn nuôi, làm thuê làm mướn theo thời vụ, nghề chài lưới, buôn bán nhỏ và dệt thủ công truyền thống. Tại An Giang, nhiều làng nghề thủ công truyền thống được hình thành từ lâu đời và tồn tại đến nay như nghề mộc, nghề đan đát, nghề dệt thổ cẩm, nấu đường thốt nốt, làng nghề nuôi cá bè với mô hình nhà nổi trên sông.
Trong những năm qua, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh An Giang đã thực hiện tốt chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế, văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Đến nay, công tác này đã góp phần quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng chung tay kiến thiết quê hương ngày càng phát triển.
Theo Hội LHPN tỉnh An Giang, phần lớn chị em phụ nữ trên địa bàn sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, trình độ dân trí còn hạn chế, thời gian nhàn rỗi nhiều, thu nhập bấp bênh và thường xuyên thiếu vốn sản xuất.
Những năm qua, để hỗ trợ phụ nữ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và hướng dẫn cho chị em thay đổi thói quen, cách suy nghĩ về các mô hình làm kinh tế, trang bị kiến thức về khoa học, kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất phù hợp với đặc thù, lợi thế của địa phương, cùng với các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc của Trung ương, của tỉnh, chính quyền và của Hội LHPN như: tư vấn đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tập huấn kiến thức, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi đồng thời hỗ trợ vốn ưu đãi để mua nguyên vật liệu, cây, con giống…
Các cấp Hội thành lập một số tổ, mô hình hỗ trợ chị em thoát nghèo. Cụ thể, đối với phụ nữ dân tộc Khmer có: "Tổ phụ nữ làm bánh Cà Tưm", mô hình "Nuôi heo sinh học", "Tổ phụ nữ liên kết bán trái thốt nốt" (huyện Tri Tôn); đối với phụ nữ Chăm có mô hình: "Tổ phụ nữ làm bánh dân tộc" (thị xã Tân Châu), "Tổ phụ nữ chăn nuôi trên đệm lót sinh học" (huyện An Phú)…có trên 200 thành viên tham gia, thu nhập từ 2,5-3 triệu đồng/tháng của mỗi thành viên tham gia, giúp các chị có thu nhập ổn định, phát triển nghề truyền thống của dân tộc mình.
Bên cạnh đó, Hội LHPN các cấp trong tỉnh cũng thường xuyên theo dõi, giám sát các mô hình bảo đảm phát huy hiệu quả để duy trì và phát triển nhân rộng trên địa bàn, cũng như thăm hỏi, hướng dẫn các chị trong sản xuất kinh doanh.
Hội LHPN các cấp giới thiệu cho trên 10.000 chị vay vốn từ Ngân hàng Ngân hàng xã hội, dư nợ 223 tỷ đồng giúp phụ nữ dân tộc thiểu số có điều kiện phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Bà Nguyễn Thị Quyến, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh An Giang - cho biết thêm, đối với phụ nữ nghèo khu vực biên giới, Hội LHPN các cấp trong tỉnh còn triển khai Chương trình "Đồng hành phụ nữ biên cương". Kết quả, từ nguồn vốn chương trình tin nhắn 1409, Hội LHPN phối hợp các đơn vị liên quan đã hỗ trợ cho 50 lượt hội viên, phụ nữ xã An Phú (huyện Tịnh Biên), xã Phú Hội (huyện An Phú) thực hiện mô hình sinh kế với số tiền 200 triệu đồng để mua bán nhỏ phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống. Bên cạnh, vận động nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh hỗ trợ 40 chị ở xã An Phú (huyện Tịnh Biên), xã Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu) vay để mua bán nhỏ với số tiền 140 triệu đồng.
Để hỗ trợ nguồn vốn cho phụ nữ vùng biên giới, được sự hỗ trợ của các cá nhân và Hội Phụ nữ Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ cho 120 chị hội viên, phụ nữ nghèo, cận nghèo khó khăn của xã Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu) và 13 xã, thị trấn huyện Tịnh Biên vay lãi suất bằng 0 với số tiền 600 triệu đồng hỗ trợ sinh kế cho hội viên, phụ nữ trong trồng trọt, chăn nuôi, mua bán... góp phần ngăn chặn tình trạng tín dụng đen trên địa bàn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn