Truyền thông nâng cao kiến thức về sức khỏe sinh sản cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số

Linh Trần
28/11/2022 - 21:29
Truyền thông nâng cao kiến thức về sức khỏe sinh sản cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số

Một tiết mục trong buổi tuyên truyền

Trước tình trạng mang thai và sinh đẻ ở vị thành niên trên địa bàn Sơn La gia tăng, cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản cho thanh thiếu niên trên địa bàn.

Tỷ lệ mang thai và sinh đẻ ở trẻ vị thành niên tăng cao

Thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), sức khỏe tình dục (SKTD) cho lứa tuổi vị thành niên (VTN), thanh niên trên địa bàn tỉnh Sơn La luôn được quan tâm. Bên cạnh xây dựng các mô hình, câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe sinh sản hoạt động hiệu quả, công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho trẻ vị thành niên, thanh niên luôn được đẩy mạnh.

Tại Sơn La, theo số liệu thống kê, tỷ lệ có thai và sinh đẻ ở VTN có xu hướng tăng theo từng năm. Cụ thể, năm 2018 là 10%, năm 2022 là 15,7%; tỷ lệ phá thai ở VTN cũng tăng từ 1,4% năm 2018, đến năm 2022 là 2,66%. Riêng 9 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 461 trường hợp tảo hôn trên tổng số 4.673 cặp kết hôn, giảm so với cùng kỳ.

Trước thực trạng nêu trên, Tổ chức HealthBridge Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Sơn La triển khai dự án "Chăm sóc Sức khỏe sinh sản, Sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên tại tỉnh Sơn La, giai đoạn 2021- 2025" tại các xã Chiềng Bôm, Tông Cọ (huyện Thuận Châu); xã Chiềng Đen, Chiềng Ngần, phường Chiềng Sinh và Chiềng Lề (TP. Sơn La) với hơn 2.600 trẻ vị thanh niên, 2.500 người dân tại cộng đồng, 40 nhân viên y tế và 40 giáo viên tham gia.

Truyền thông nâng cao kiến thức về sức khỏe sinh sản cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Hình ảnh tại buổi truyền thông về kiến thức về sức khỏe sinh sản cho thanh thiếu niên tại Sơn La

Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động của dự án, mới đây ngày 10-11/11/2022, Tổ chức HealthBridge Foundation of Canada đã có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Sơn La; Đồng thời, triển khai các hoạt động ngoại khóa Truyền thông về chăm sóc Sức khỏe sinh sản, Sức khỏe tình dục VTN, thanh niên tại trường THCS xã Chiềng Bôm (huyện Thuận Châu) và trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Sơn La với hơn 1.200 học sinh là người dân tộc thiểu số các thầy giáo, cô giáo trong nhà trường tham gia.

Truyền thông nâng cao kiến thức về sức khỏe sinh sản cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Một tiết mục trong buổi truyền thông

Theo thống kê của Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 300 đến 400 ngàn ca phá thai ở độ tuổi 15-19 được ghi nhận, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên.

Qua kết quả điều tra của Tổng cục Dân số, mặc dù tỷ lệ phá thai ở Việt Nam trong 10 năm trở lại đây giảm, song tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ VTN, thanh niên lại có dấu hiệu gia tăng, chiếm hơn 20% các trường hợp phá thai.

Buổi ngoại khóa giúp các em trang bị thêm cho bản thân về kiến thức tình dục an toàn, hiểu thế nào là tình dục không xâm phạm; biết cách phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục; các dấu hiệu nhận biết mang thai, các biện pháp phòng, tránh mang thai sớm, phá thai an toàn, sử dụng bao cao su đúng cách, cung cấp số điện thoại tổng đài bảo vệ trẻ em 111.

Các em được giao lưu học hỏi qua các phần thi rất thiết thực trả lời nhanh các câu hỏi liên quan đến chăm sóc Sức khỏe sinh sản, Sức khỏe tình dục và trình diễn các tiểu phẩm qua các chủ đề phản ánh thực trạng tình bạn, tình yêu, tình dục ở tuổi học đường.

Thay đổi nhận thức của thanh niên, vị thành niên

Em Quàng Thị B. (học sinh lớp 8, Trường THCS Chiềng Bôm) chia sẻ: "Em rất ngại khi hỏi cha mẹ về những vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục nên em thường lên mạng tìm hiểu hoặc trao đổi cùng bạn bè. Những buổi nói chuyện chuyên đề về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh niên như thế này giúp chúng em có được nguồn thông tin chính thống, có kiến thức, kỹ năng bảo vệ mình, biết cách giải quyết các vấn đề, tình huống xảy ra trong thực tế và xây dựng mối quan hệ tình bạn, tình yêu học đường đúng đắn, trong sáng".

Truyền thông nâng cao kiến thức về sức khỏe sinh sản cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số - Ảnh 4.

Buổi tuyên truyền nâng cao nhận thức của thanh thiếu niên về sức khỏe sinh sản tại Chiềng Bôm

Ông Quàng Văn Long, Phó Hiệu trưởng trường THCS Chiềng Bôm cho rằng, buổi truyền thông đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo quý thầy cô, phụ huynh và các em học sinh. Các em đã mạnh dạn đặt câu hỏi, sẵn sàng chia sẻ những điều trăn trở về tâm lý, tình cảm tuổi mới lớn. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho trẻ VTN, thanh niên, đặc biệt ở vùng khó khăn như xã Chiềng Bôm.

Thời gian tới, nhà trường cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của cơ quan chức năng để địa phương triển khai được thêm nhiều hoạt động về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục hơn nữa tới trẻ vị thành niên trong nhà trường và tại địa phương.

Truyền thông nâng cao kiến thức về sức khỏe sinh sản cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số - Ảnh 5.

Cơ quan chức năng tuyên truyền nâng cao kiến thức về sức khỏe sinh sản cho thanh thiếu niên

Về vấn đề này, bác sĩ Đoàn Thanh Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Sơn La cho biết: "Ban quản lý dự án sẽ tiếp phối hợp với ngành Giáo dục - Đào tạo và các ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông đại chúng để đầu tư nguồn lực và tạo môi trường xã hội thuận lợi cho công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng sẽ tăng cường công tác truyền thông cung cấp kiến thức về tình dục an toàn, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục và những dịch vụ liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên trên địa bàn tỉnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm