pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hành trình mang thai nghén lên nghén xuống, mẹ bầu còn bị té bầm tím người
Đó là câu chuyện về hành trình mang thai và đi đẻ của M.N ở TP Hồ Chí Minh. Hiện người vợ trẻ này đang sống cùng chồng và 2 con nhỏ.
Theo M.N chia sẻ, vợ chồng cưới xong 2 tuần thì cô có bầu con đầu lòng. Lần sinh vừa rồi là bé thứ 2 của vợ chồng cô, cách lần đầu 4 năm. Dù lần đó vợ chồng gần gũi, bản thân cô đã uống thuốc tránh thai khẩn cấp nhưng vẫn có 2 vạch đúng ngày mùng 3 Tết. Bởi thế khi biết tin mang bầu lần 2, không chỉ M.N mà cả chồng đều bối rối nhưng vẫn vui vẻ đón nhận sự xuất hiện bất ngờ này của con yêu.
Mang bầu lần 2 với bao vất vả chật vật nhưng cuối cùng cũng mẹ tròn con vuông. (Ảnh: NVCC)
Mang thai lần 2, dù mới được 6 tuần nhưng My Nguyễn đã bắt đầu nghén rất nặng: “Em sợ tất cả các loại thịt cá, đến mùi hành tỏi cũng không ngửi được. Hàng xóm nấu ăn gì em cũng nôn. Ngày em nôn cả chục lần, có hôm 1-2 giờ sáng vẫn còn nôn nhiều. Đến sữa em cũng không thể uống được, vì nghén nên em rất lười và sợ ăn nên chỉ tăng được 6kg suốt thai kỳ”.
Bầu bí nghén ngẩm đã vất vả nhưng khi mang thai ở tuần thứ 9 thì M.N còn bị thiếu máu. Đặc biệt lúc thai nhi 12 tuần siêu âm độ mờ da gáy bé có 4.2. Lúc đó vì quá lo lắng mà bà mẹ trẻ này đã khóc rất nhiều.
4 năm sau khi sinh con đầu lòng thì vợ chồng trẻ bất ngờ có tin 2 vạch (Ảnh: NVCC)
“Bác sĩ cho lên gặp chuyên gia và được tư vấn chọc ối. Em chưa yên tâm nên qua Từ Dũ khám thì kết quả là độ mờ da gáy của bé là 4.5. Vì thế vợ chồng quyết định 16 tuần đi chọc ối trong sợ hãi và lo lắng thấp thỏm. Chọc ối xong, em còn bị té rất mạnh trong nhà vệ sinh đến bầm tím người ở tuần 17. Cũng may con trong bụng không sao và có kết quả bình thường”, M.N kể về những chật vật lo âu ngày mang bầu.
Cứ tưởng sẽ không còn bất cứ thử thách nào với mẹ bầu này nữa, thế nhưng ở tuần thứ 21 khi siêu âm hình thái thai nhi thì bé bị nang tuyến phổi, dây rốn bám mép. Từ đó lại chuỗi ngày 2 vợ chồng M.N lại đi gặp chuyên gia tư vấn và quyết định giữ bé lại, sinh ra xong sẽ đưa bé qua Bệnh viện Nhi đồng theo dõi và chạy chữa.
Tuần thứ 38, sản phụ này phải sinh mổ (Ảnh: NVCC)
Tới tuần thứ 37, bác sĩ bắt sản phụ này phải nhập viện để theo dõi tới 38 tuần đợi sinh mổ: “37 tuần em nhập viện nằm khoa dưỡng 5 ngày sau đó mới được chỉ định đi mổ. Lúc lên bàn mổ, em muốn trầm cảm vì quá sợ hãi. Lúc đó em lo sợ rất nhiều thứ, sợ con bị gì, sợ kết quả ối không chuẩn, sợ mình có chuyện... Khi bé sinh ra, bác sĩ bế ra cho người nhà nhìn mặt rồi theo dõi vài tiếng là đưa qua bệnh viện Nhi Đồng. Tại đây, bé phải làm rất nhiều xét nghiệm, chụp CT, X. quang, siêu âm, xét nghiệm máu…”.
Sau sinh vì con phải tách mẹ nên bà ngoại theo bé qua Nhi Đồng chăm sóc. Còn chồng M.N phải chăm con lớn ở nhà. Bởi vậy sản phụ này không có ai bên cạnh. Đã vậy mổ lần 2 nên người vợ trẻ này rất đau. Lại thêm bị ho nhưng không dám uống kháng sinh vì lo mất sữa nên vừa đau vết mổ vừa ho như cực hình. Cũng may cuối cùng vợ chồng nhờ được 1 người quen vào chăm 2 ngày ở viện.
Sau 5 ngày mổ đẻ về nhà, sản phụ này vẫn bị ho nhiều, khó thở, mất khứu giác nên 2 ngày sau lại phải nhập viện cấp cứu tiếp nằm 5 ngày thì mới xin về với con. Suốt cả thời gian ở cữ, do chồng đi làm nên người mẹ trẻ 2 con này đã tự phải dậy nấu ăn, tự tắm cho con. Chưa một ngày cô biết được cảm giác thảnh thơi khi ở cữ.
Mặc dù vất vả nhưng bà mẹ trẻ vẫn cố gắng ăn uống bình thường. Và may mắn cho cô là 17 ngày không cho con ti nhưng vẫn không bị mất sữa. Vì thế con vẫn được bú mẹ bình thường.
Có con nhỏ, bà mẹ trẻ sợ nhất con ốm phải vào viện (Ảnh: NVCC)
Hiện bé thứ 2 nhà M.N đã được hơn 1 tháng, trộm vía bé bú tốt và ăn ngủ ngoan. Và cũng giống như nhiều mẹ bỉm sữa khác, bà mẹ 2 con này cũng lo sợ nhất là cảnh con ốm, cảnh phải ôm con đi viện.
“Em sợ con ốm, không khỏe mạnh, sợ cảnh phải ôm con đi viện. Bé sinh 28 ngày đã bị viêm phổi nên phải lấy ven, tiêm thuốc vào đùi mỗi ngày, con khóc mẹ xót lắm. Em sợ mỗi lần tiêm thuốc bác sĩ nói lệch ven rồi thay ven. Những lần lấy con khóc khàn giọng là mẹ lại đau và xót con vô cùng”, M.N tâm sự.