ASEAN bảo vệ các nhóm yếu thế trong bối cảnh dịch bệnh

07:36 | 03/08/2021;
ASEAN tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trong khu vực, tập trung vào các lĩnh vực gia tăng chất lượng cuộc sống và các quyền cơ bản của người dân, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương và đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Qua đó, đóng góp thiết thực vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm.

Từ ngày 2 đến 6/8 diễn ra hơn 20 Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao trong khuôn khổ ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác. Đây là một trong các đợt hội nghị quan trọng nhất trong năm của ASEAN để bàn về tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, kiểm điểm và định hướng quan hệ đối ngoại của ASEAN và trao đổi về các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.

ASEAN bảo vệ các nhóm yếu thế trong bối cảnh dịch bệnh

Một cuộc họp ASEAN trực tuyến

Trong ngày làm việc đầu tiên 2/8 đã diễn ra các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM-54), Hội đồng Cộng đồng Chính trị-an ninh ASEAN lần thứ 23, Hội đồng điều phối ASEAN lần thứ 29, Ủy ban Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân và Phiên đối thoại với các Đại diện Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR). Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các Hội nghị này.

Trước thực trạng dịch bệnh COVID-19 tái bùng phát ở nhiều nước trong khu vực, các Bộ trưởng đã dành nhiều thời gian trao đổi về hợp tác ứng phó và phục hồi sau đại dịch, nhấn mạnh cần trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác trong nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối vaccine. Các nước cũng nhất trí tiếp tục triển khai các kết quả đạt được trong năm 2020, trong đó có kiểm điểm triển khai Hiến chương ASEAN, xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 và thúc đẩy hợp tác tiểu vùng.

Các nước đã trao đổi sâu rộng về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Trước các diễn biến phức tạp ở Biển Đông, các Bộ trưởng khẳng định lập trường nhất quán về giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật Biển 1982. Các nước kêu gọi kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tái khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Tiếp tục nỗ lực hướng tới bộ Quy tắc ứng xử COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật Biển 1982.

Đoàn Việt Nam, do Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm trưởng đoàn, đã tham gia tích cực, đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất quan trọng tại các Hội nghị. Bộ trưởng nhấn mạnh đoàn kết và thống nhất là nền tảng cho sức mạnh của ASEAN, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn. Tinh thần ấy đã được thể hiện xuyên suốt hơn nửa thế kỷ qua và được minh chứng rõ nét trong cuộc chiến chống COVID-19 hiện nay. Trong các nỗ lực ứng phó dịch bệnh, Bộ trưởng chia sẻ ý nghĩa thiết yếu của vaccine, đề nghị ASEAN tận dụng hiệu quả các cơ hội hợp tác với các đối tác, nhất là trong mua sắm và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine.

ASEAN bảo vệ các nhóm yếu thế trong bối cảnh dịch bệnh

Đại sứ Nguyễn Thái Yên Hương - Đại diện Việt Nam tại AICHR (áo đỏ) phát biểu


Trong năm qua, AICHR đã tăng cường hợp tác về quyền sức khoẻ, quyền của người dân trong các hoạt động kinh tế, hỗ trợ nhân đạo, môi trường và biến đổi khí hậu, quyền của nhóm yếu thế trong bối cảnh dịch bệnh như lao động di cư, phụ nữ và trẻ em… AICHR đồng thời đã thông qua 8 sáng kiến, hoạt động trong Khung phục hồi tổng thể ASEAN thuộc phạm vi chức năng của AICHR, trong đó bao gồm Chương trình ưu tiên 2022. 

Đại sứ Nguyễn Thái Yên Hương - Đại diện Việt Nam tại AICHR nhấn mạnh, AICHR nên tập trung nguồn lực vào đáp ứng các nhu cầu cấp bách, thiết yếu và quyền cơ bản nhất của người dân như tiếp cận vaccine, an ninh lượng thực và nguồn nước sạch, giáo dục và việc làm…

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn