Hội LHPN Việt Nam tham gia tích cực trong Liên đoàn các Tổ chức Phụ nữ ASEAN

Ngự Bình
13/11/2020 - 07:02
Hội LHPN Việt Nam tham gia tích cực trong Liên đoàn các Tổ chức Phụ nữ ASEAN

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (giữa) trò chuyện cùng bà Lê Thị Thu Hằng - Vụ trưởng Vụ Báo chí, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao (bên pải) bên lề Hội nghị thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN

Trong Liên đoàn các Tổ chức Phụ nữ ASEAN (ACWO) và các diễn đàn khác của ASEAN, Hội LHPN Việt Nam luôn tích cực chia sẻ những sáng kiến, kinh nghiệm thành công trong hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Hội chia sẻ sáng kiến "Ngày phụ nữ khởi nghiệp" trong Đại hội đồng ACWO 19

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga nhận định, với vai trò Chủ tịch ASEAN năm nay, Việt Nam có sáng kiến tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo nữ ASEAN lần đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN ngày 12/11. Hội nghị này có ý nghĩa rất quan trọng khi thế giới đang phải đối phó với dịch bệnh COVID-19 và nhiều thách thức khác đối với phát triển bền vững.

"Hội nghị là sự khẳng định cam kết mạnh mẽ của ASEAN về tăng cường bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ. Hội nghị sẽ giúp làm nổi bật hơn vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực hướng tới mục tiêu vì một Cộng đồng ASEAN "toàn diện, lấy con người làm trung tâm, hướng tới con người", góp phần thực hiện các mục tiêu Phát triển Bền vững SDG với phương châm "không ai bị bỏ lại phía sau", Chủ tịch Hà Thị Nga chia sẻ.  

Theo Chủ tịch Hà Thị Nga, sáng kiến này cũng thể hiện rõ vai trò nước chủ nhà Việt Nam, cho thấy chủ trương nhất quán của Việt Nam trong việc quan tâm, thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới.

Hội LHPN Việt Nam tham gia tích cực trong Liên đoàn các Tổ chức Phụ nữ ASEAN - Ảnh 1.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN.

Thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam luôn tham gia chủ động tích cực với tư cách thành viên của Liên đoàn các Tổ chức Phụ nữ ASEAN (ACWO). Kể từ khi tham gia ACWO năm 1996, theo cơ chế luân phiên, Hội đã lần lượt giữ nhiều vị trí trong ACWO. Năm 2010, với vai trò Chủ tịch ACWO, Hội đã tổ chức thành công Đại hội đồng ACWO lần thứ 14 tại Hà Nội và được bạn bè đánh giá cao.

Ngày 20/11 sắp tới, ACWO tổ chức Đại hội đồng lần thứ 19 tập trung thảo luận về 3 chủ đề trong Tầm nhìn ACWO 2025: Tăng cường các thành phố thông minh ASEAN; Nâng cao chất lượng sống của phụ nữ cao tuổi; Phụ nữ và Doanh nghiệp. Hội sẽ có bài trình bày về sáng kiến Ngày phụ nữ khởi nghiệp.

Đồng thời, trên một số diễn đàn khác của ASEAN, Hội luôn tích cực chia sẻ những sáng kiến, kinh nghiệm thành công trên các lĩnh vực, đặc biệt là trong hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đóng góp tích cực, có trách nhiệm trong ASEAN cũng như các cơ chế khu vực và quốc tế khác, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới.

Hội nghị mang tính lịch sử

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga - Cố vấn cao cấp của Ban Thư ký quốc gia ASEAN 2020, Phó chủ tịch Ủy ban quốc gia của Việt Nam về hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC) - nhận định, Hội nghị thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN mang tính dấu ấn của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020. Đây  cũng là một trong những hội nghị quan trọng của kỳ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37. Trong ASEAN, có thể nói đây là một hội nghị mang tính lịch sử là hội nghị cấp cao lần thứ 2 của Lãnh đạo nữ ASEAN trong lịch sử 53 năm hình thành và phát triển.

Hội LHPN Việt Nam tham gia tích cực trong Liên đoàn các Tổ chức Phụ nữ ASEAN - Ảnh 2.

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga

Là hội nghị lần thứ 2 của các lãnh đạo nữ ASEAN nhưng tầm mức và thời điểm cũng như tính thiết thực của hội nghị lần này có thể nói ở tầm mức rất cao, toàn diện so với giai đoạn trước. Trong ASEAN, vấn đề phụ nữ và bình đẳng giới cũng như vai trò của phụ nữ đã được bàn trong khoảng hơn 40 năm nay, đã hình thành được một số cơ chế như Ủy ban phối hợp trong ASEAN hợp tác về phụ nữ và bình đẳng giới. Thế nhưng, chỉ đến lần này, các vấn đề về bình đẳng giới, vai trò của phụ nữ trong ASEAN mới được bàn một cách toàn diện với những chuỗi hoạt động lớn ở tầm bộ trưởng và cấp cao mà Việt Nam đề xuất trong năm nay.

Từ Hội nghị Cấp cao ASEAN 36, chúng ta đã có sáng kiến tổ chức phiên đặc biệt của các nhà lãnh đạo nữ ASEAN về tăng quyền năng, vai trò của phụ nữ trong kỷ nguyên số. Tiếp đó, Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 53 cũng đã có một phiên họp đặc biệt khi lần đầu tiên các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN bàn về vai trò của phụ nữ đóng góp vào duy trì hòa bình và an ninh bền vững. Đến kỳ họp Hội nghị Cấp cao 37 lần này, Hội nghị thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN bàn một cách toàn diện, ở tầm cao về vai trò và đóng góp của phụ nữ. Sự kiện lần này là động lực, cơ hội rất lớn cho phụ nữ ASEAN, đồng thời đánh dấu một quyết tâm ở mức cao nhất của các nước ASEAN.

Hội LHPN Việt Nam tham gia tích cực trong Liên đoàn các Tổ chức Phụ nữ ASEAN - Ảnh 3.

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga chào các lãnh đạo tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 37

Theo Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, vai trò của phụ nữ trong ASEAN cũng như trên thế giới hiện nay trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội rất quan trọng. Bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ đã trở thành một mục tiêu chung của nhân loại trong việc thực hiện chương trình phát triển bền vững đến 2030. Thế nhưng, trong đại dịch Covid-19, phụ nữ là đối tượng bị tác động mạnh mẽ nhất và hiểu rõ nhất những tác động từ y tế tới đời sống, giáo dục, việc làm, thu nhập… Do đó, tiếng nói của phụ nữ đóng góp vào giải pháp chung cho việc ứng phó với đại dịch cũng như việc phục hồi hậu Covid-19 là vô cùng quan trọng để có được những giải pháp sáng tạo và toàn diện hơn.

Vai trò của phụ nữ trong phục hồi hậu đại dịch còn có một ý nghĩa quan trọng khác, đó là trong thời đại số đòi hỏi sự phát triển bền vững, các tiếp cận đa chiều, đa chủ thể, phát huy trí tuệ của tất cả thành phần trong xã hội. Đại dịch Covid-19, chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cho thấy tầm quan trọng của việc phát huy sức mạnh mềm của phụ nữ, năng lực kết nối, năng lực cảm thông, thấu hiểu, bao dung cũng như khả năng thích ứng linh hoạt… Trong ASEAN, chúng ta thấy rất rõ rằng ASEAN muốn có vai trò toàn cầu thì phải đóng góp vào những mục tiêu chung của nhân loại hiện nay, trong đó có bình đẳng giới và trao quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái.

Hội LHPN Việt Nam tham gia tích cực trong Liên đoàn các Tổ chức Phụ nữ ASEAN - Ảnh 4.

Bà Caitlin Wiesen - Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam

Bàn về Hội nghị thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN, bà Caitlin Wiesen - Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam đã làm rất tốt việc tổ chức hội nghị và khẳng định vai trò của mình trong năm Chủ tịch ASEAN 2020. Việt Nam đã thành công trong việc ứng phó với đại dịch trên lĩnh vực y tế, kinh tế xã hội. Hội nghị lần này thực sự rất sáng tạo, mang đến tinh thần hợp tác, đoàn kết và cũng đã thể hiện sự giàu có trong bản sắc văn hóa của các nước thành viên ASEAN.

"Phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng và tôi thực sự rất vui khi được thấy hội nghị lần này đã hết sức chú trọng tới điều này. Nếu phụ nữ trong các nước ASEAN và cả trên thế giới cùng hợp lực, họ có thể tạo ra những ảnh hưởng vô cùng lớn lao đối với lĩnh vực kinh doanh, đối với quá trình xây dựng nền hòa bình. Tất cả những điều đã được nêu đều đóng vai trò quan trọng cho một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, đồng thời tạo điều kiện cải thiện cuộc sống của tất cả chúng ta", bà Wiesen nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm