Trong một căn bếp rộng 4 mét vuông ở Nam Kinh, thủ phủ miền đông Giang Tô của Trung Quốc, bà Dương Bổn Phân tranh thủ viết nhanh bản thảo trong khi đợi canh sôi, hầm thịt hoặc rau ráo nước. Đó là nội dung trong phần lời tựa của cuốn tiểu thuyết đầu tay với nhan đề "Thu Viên" mà bà Dương, 82 tuổi, chia sẻ cách mình viết tiểu thuyết như thế nào khi đã 60 tuổi.
Bà Dương dành một năm để hoàn thành câu chuyện và chờ đợi hơn 10 năm để quyển sách được xuất bản. "Thu Viên" đạt 8,9/10 điểm Douban, một nền tảng mạng xã hội Trung Quốc chuyên xếp hạng và đánh giá sách và phim. Cho đến nay, quyển sách đã bán được hơn 80.000 bản. Nhiều độc giả gọi bà là "nữ nhà văn bên bếp lò" vì trải nghiệm sáng tác của bà.
Bà Dương sinh năm 1940 tại quận Tương Âm, thành phố Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc). Bà làm nông, đến tuổi thì kết hôn, sinh con và luôn bận rộn với cuộc sống mưu sinh. Sau một thời gian, bà làm nhân viên đổ xăng cho một công ty vận tải ô tô. Sau khi nghỉ việc tại đây, lúc đã 60 tuổi, bà cùng chồng chuyển từ Giang Tây đến Nam Kinh để chăm sóc cháu vì con gái và con rể phải đi làm. Gia đình năm người chen chúc trong một căn hộ rộng 70 mét vuông.
Không thích chơi bài, chơi mạt chược hay học múa như nhiều người Trung Quốc cao tuổi, bà Dương dành thời gian rảnh rỗi để thêu thùa, đọc sách và viết. Được truyền cảm hứng từ quyển sách "Mother on the River" của Dã Phu, bà Dương quyết định viết lại câu chuyện cuộc đời mẹ mình, một phụ nữ Trung Quốc bình thường, cùng nỗi khổ của những người dân quê ở Trung Nam để tưởng nhớ bà. Bà viết: "Dấu vết của mẹ tôi trên thế giới này sẽ nhanh chóng mất đi nếu không có ai đặt bút xuống. Dấu vết của chính tôi cũng sẽ bị xóa sạch vào một ngày không xa".
Nhiều năm về trước, bà Dương không biết sử dụng máy tính, chỉ có thể viết ra giấy những dòng chữ nghệch ngoạc và sửa đổi nhiều lần. Tuy nhiên, bà không dừng lại mà tiếp tục viết tiếp những câu chuyện khác. Kể từ đó, Chương Hồng, con gái của bà Dương, trở thành trợ thủ đáng tin cậy nhất đằng sau công việc sáng tác của mẹ: giúp mẹ đăng dòng chữ lên Internet. Nội dung do bà Dương viết tiếp tục được đăng tải nhiều kỳ trên mạng cho đến khi hết.
Năm 2017, gần 20 năm sau, những dòng chữ vốn tưởng đã "ngủ yên" ở một góc nào đó trên Internet tình cờ được một người trong ngành xuất bản đọc và rất thích nên đã liên hệ với bà Dương thông qua con gái Chương Hồng. Vào tháng 6/2020, khi bà Dương đã 80 tuổi, quyển sách đầu tay "Thu Viên" của bà cuối cùng cũng được xuất bản.
Không chỉ là tựa đề, "Thu Viên" cũng là tên của mẹ bà Dương trong sách. Lời giới thiệu sách có viết: "Năm 1914, có một người tên 'Thu Viên' trên thế giới. Bà ấy đã từng đến đây, từng tranh đấu, từng tuyệt vọng và từng rất hạnh phúc. Hôm nay, con gái 80 tuổi của bà đã kể với cả thế giới về cuộc sống bình thường của bà".
Hiện tại, trên Douban, quyển "Thu Viên" đã có hơn 20.000 người đánh giá với số điểm 8,9/10, hơn 10.000 bình luận để lại và bán ra 88.000 bản.
Bà Dương bắt đầu hành trình sáng tác của mình với niềm tin để lại điều gì đó. Niềm đam mê viết của bà không ngừng trỗi dậy và vẫn tiếp tục viết cho đến ngày nay. Cuốn sách thứ hai, "Phù mộc", đã được xuất bản vào năm ngoái. Cuốn sách thứ ba, một cuốn hồi ký về cuộc sống gia đình bà, cũng đã được phát hành vào tháng trước.
Trong một cuộc phỏng vấn với Yangtze Evening News Ziniu News, bà Dương cho biết, ban đầu việc sáng tác chỉ là sở thích, nhưng sau đó đã trở thành mục tiêu không thể từ bỏ. Trong lời tựa một cuốn sách của mình, bà Dương viết: "Ở tuổi xế chiều, tôi như đi trên một chuyến tàu rong ruổi. Một động lực chưa từng có thúc đẩy tôi lao về phía trước... Trong chuyến hành trình của mình, tôi như vội vã cầm bút để viết, một lần nữa đi lại con đường nhân sinh dài đằng đẵng".
Tốc độ sáng tác của bà Dương thường rất nhanh, bởi vì mỗi chữ bà viết ra đều bắt nguồn từ cuộc sống, một số đến từ trải nghiệm, một số nghe được, nhưng hầu hết đều liên quan đến bản thân. Những năm gần đây, mặc dù bị đau gối, nhưng bà Dương vẫn tiếp tục viết, chỉ có điều ít thường xuyên hơn trước. Bà Dương nói với tờ Women's News của Trung Quốc: "Cuộc sống thật khó khăn. Tôi đã sống vì người khác cho đến khi tôi bắt đầu viết và xuất bản các tác phẩm của mình".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn