Bài 2: Phát huy vai trò của Hội LHPN Việt Nam trong đoàn kết, vận động phụ nữ tham gia xây dựng Đảng

12:46 | 12/05/2023;
Trong lịch sử phát triển cũng như điều lệ hoạt động, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam luôn xác định tuyên truyền, vận động các tầng lớp phụ nữ tham gia xây dựng Đảng là một trong những chức năng nhiệm vụ hàng đầu của tổ chức Hội. Thông qua hoạt động của Hội LHPN Việt Nam, các chủ trương, đường lối của Đảng đã đi vào cuộc sống, đến với cán bộ, hội viên, phụ nữ.

Cầu nối đưa chính sách của Đảng đến với các tầng lớp phụ nữ

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị với 2 chức năng cơ bản: Đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam và đoàn kết, vận động phụ nữ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới.

Ngược dòng lịch sử, tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, bên cạnh Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình điều lệ tóm tắt của Đảng, Hội nghị còn quyết định thành lập các tổ chức quần chúng do Đảng lãnh đạo trong đó có Hội Phụ nữ Giải phóng. 

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, từ 14 đến  31/10/1930, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức Hội nghị lần thứ nhất họp tại Hương Cảng, Trung Quốc. Hội nghị đã thông qua các nghị quyết về vận động công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ. 

Tại hội nghị này, Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết về Phụ nữ vận động[1]. Đồng thời Trung ương Đảng đã đề ra Điều lệ Phụ nữ Liên hiệp Hội. Với tính chất quan trọng như vậy, Nghị quyết Hội Nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất tháng 10/1930 đã đánh dấu quá trình hình thành tổ chức Hội đầu tiên của phong trào phụ nữ dưới sự lãnh đạo của Đảng. "Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam có một chính đảng đánh giá đúng vai trò, vị trí và khả năng cách mạng của phụ nữ và có chủ trương, phương thức lãnh đạo phù hợp để tập hợp, huy động phụ nữ tham gia vào con đường đấu tranh cách mạng"[2].

Trong suốt chiều dài lịch sử từ khi ra đời đến nay, hơn 90 năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền và vận động phụ nữ thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuyên truyền và vận động được coi là một công cụ quan trọng để đưa ra thông tin và giải thích các chính sách của Đảng đến người dân, đặc biệt là phụ nữ - những người có vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước. 

Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khẳng định: "Từ những tổ chức tiền thân cho đến ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội đoàn kết, vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ, phát huy truyền thống yêu nước, anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"[3]. Trong 93 năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức rất nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động nhằm tăng cường sự hiểu biết của phụ nữ về các chính sách của Đảng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Dưới ngọn cờ của Đảng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã quy tụ được các tầng lớp phụ nữ tạo nên những phong trào lớn trong các giai đoạn lịch sử cách mạng. Trong cao trào cách mạng 1930- 1931, phụ nữ là lực lượng đông đảo trong các cuộc mít tinh, biểu tình, tuần hành… đấu tranh đòi giảm sưu thuế và đòi quyền tự do dân chủ. Ở thời kỳ vận động dân chủ 1936- 1939, phụ nữ tham gia đấu tranh công khai, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ trương, đường lối đấu tranh cách mạng và công tác vận động phụ nữ của Đảng. Trong thời kỳ chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền (1939 - 1945), Hội Phụ nữ phản đế, Đoàn Phụ nữ cứu quốc đã động viên phụ nữ gia nhập Mặt trận Việt Minh, tham gia các đội vũ trang tuyên truyền. Qua đấu tranh cách mạng, lực lượng phụ nữ đã từng bước trưởng thành, góp phần quan trọng trong Tổng Khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945.

Phát huy vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong đoàn kết, vận động phụ nữ tham gia xây dựng Đảng (Bài 2) - Ảnh 1.

Các đại biểu dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII tham quan triển lãm “Hội LHPN Việt Nam - Viết tiếp những ước mơ” - tháng 3/2022. Ảnh: PV

Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, hưởng ứng lời kêu gọi "Toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã động viên các tầng lớp phụ nữ tích cực tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Sự tham gia đông đảo của các tầng lớp phụ nữ trong sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu đã góp phần to lớn vào thắng lợi Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" ngày 7/5/1954.

Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước từ năm 1954 đến năm 1975, tại miền Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam đã phát động hàng ngàn cuộc đấu tranh chính trị lớn nhỏ. Năm 1960, "Đội quân tóc dài" ra đời trong phong trào Đồng khởi ở Bến Tre và đã phát triển rộng khắp trong toàn miền Nam, thu  hút hàng triệu phụ nữ tham gia "ba mũi giáp công" (đấu tranh chính trị, quân sự, binh vận), góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Phong trào phụ nữ Miền Nam đã vinh dự được Trung ương Đảng tặng 8 chữ vàng: "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang". Ở miền Bắc, 2 phong trào lớn do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động là Phong trào thi đua "Năm tốt" và Phong trào "Ba đảm đang" đã tạo nên cao trào cách mạng trong các lực lượng phụ nữ để vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Phong trào "Ba đảm đang" là một trong những phong trào thi đua có quy mô lớn nhất trong lịch sử Việt Nam thời kỳ hiện đại, trở thành hoạt động nổi bật, tiêu biểu trong lịch sử tổ chức và hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giai đoạn 1965 - 1975. Trong thời kỳ này, đã có 42 nữ anh hùng, 9 đơn vị nữ anh hùng được tôn vinh; 1.718 chị em được tặng thưởng huy hiệu Bác Hồ, trên 5.000 chị em là chiến sĩ thi đua toàn quốc, gần 4 triệu hội viên đạt danh hiệu phụ nữ "Ba đảm đang"… Những phong trào phụ nữ ở 2 miền Nam - Bắc đã góp phần quan trọng vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bước vào giai đoạn xây dựng đất nước thời hậu chiến, phong trào thi đua "Người Phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" và "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" đã vận động phụ nữ tham gia hiện thực hóa các chỉ tiêu phát triển đất nước trong từng thời kỳ mà Đảng đã đề ra.

Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới có trách nhiệm với xã hội, đất nước

Hiện nay, xu hướng dân chủ hóa mọi hoạt động của đời sống xã hội ngày càng mạnh mẽ, dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện ngày càng được mở rộng. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, sự phát triển của các phương thức truyền thông hiện đại. Điều này vừa tạo điều kiện, vừa thúc đẩy phụ nữ nâng cao trình độ dân trí, nhận thức chính trị, trách nhiệm công dân, song cũng kèm theo nguy cơ phụ nữ dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo. Điều đó đặt ra những vấn đề mới trong công tác đoàn kết, vận động phụ nữ của tổ chức Hội.

Phát huy vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong đoàn kết, vận động phụ nữ tham gia xây dựng Đảng (Bài 2) - Ảnh 2.

Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027 - tháng 4/2027. Ảnh: Tuấn Dũng

Tính đến hết năm 2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có trên 18 triệu hội viên trong cả nước. Đây thực sự là một nguồn lực quan trọng cho sự phát triển chung của đất nước. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nêu rõ: "Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới"[4]. Đây chính là sự tiếp nối, phát triển quan điểm của Đảng về phụ nữ và công tác phụ nữ; đồng thời cũng xác định vai trò, trách nhiệm của các tầng lớp phụ nữ đối với khát vọng phát triển đất nước.

Quan điểm chỉ đạo của Đảng đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII. "Trong nhiệm kỳ 2022 - 2027, tập trung phát động cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước thực hiện Phong trào thi đua "Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới" (có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước) gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"[5]

Như vậy, sau 4 nhiệm kỳ thực hiện phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", bước sang nhiệm kỳ 2022 - 2027, trước những vấn đề mới của thời cuộc, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động phong trào thi đua "Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới" nhằm cụ thể hoá nội dung Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc XIII, đáp ứng yêu cầu vận động của xã hội. Nội hàm của người phụ nữ Việt Nam thời đại mới bám sát tiêu chí của con người Việt Nam được xác định trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và kế thừa các nội dung của phong trào thi đua của Hội. 

Có thể thấy, 4 nội dung cụ thể của phong trào thi đua "Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới" đều hướng tới xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại như Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 2, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, Tr.113

[2] Lịch sử Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tập 1, Nhà xuất bản Phụ nữ, 2016, Tr.58.

[3] Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, 2022, Tr.1.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr.169.

[5] Văn kiện Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, 2022, tr.75.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn