Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, đến trưa 12/9, bão số 5 và áp thấp nhiệt đới đã khiến 2 phương tiện bị chìm (tàu QNg-95058TS và xà lan ĐN 0494); 2 tàu mắc cạn (tại Đà Nẵng); 31 nhà tốc mái, hư hại (tại Thừa Thiên-Huế 29 nhà, Kon Tum 2 nhà); 1.070ha lúa bị ngập, hư hại (Quảng Bình 599 ha, Quảng Trị 450ha, Kon Tum 21ha).
Bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên vùng biển từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi, gây mưa lớn trên diện rộng khu vực Trung bộ một số nơi lượng mưa đo được trên 500mm như: Thượng Lộ (Thừa Thiên-Huế): 600mm; Trà Hiệp (Quảng Ngãi): 684mm; Bình Tân (Quảng Ngãi): 709mm.
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, đây là cơn bão có đường đi khó dự báo, ảnh hưởng đến khu vực đang có tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Để đảm bảo an toàn trong bão, đồng thời an toàn, không làm lây lan dịch bệnh Covid, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã chủ trì, phối hợp cùng các bộ ngành, chính quyền địa phương các cấp và người dân chủ động nắm bắt sâu sát tình hình diễn biến của bão, dịch bệnh Covid-19; Xây dựng các kịch bản ứng phó, tham mưu cho lãnh đạo Chính phủ ban hành các công điện kịp thời, triển khai linh hoạt cụ thể nên đã giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại do bão số 5 gây ra.
Cụ thể, đã tổ chức nhắn tin đến 5,8 triệu thuê bao và 2,9 triệu tin nhắn zalo; 50 báo và 150 bài viết. Kịp thời cứu nạn 18 người/2 phương tiện bị chìm (tàu QNg-95058TS/5 người; xà lan ĐNa0494/13người). Lên kế hoạch sơ tán tại chỗ và đảm bảo an toàn thiên tai, dịch bệnh với 11.057 hộ/32.529 người và tiến hành sơ tán sát với tình hình thực tế (Quảng Ngãi sơ tán 215 hộ/766 người); dừng thi công các công trình (tránh xảy ra sự cố như thủy điện Rào Trăng 3), trong đó có 27 Dự án điện gió ở Quảng Bình, Quảng Trị; đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập, lưới điện. Đồng thời, kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn đảm bảo an toàn trên biển cho toàn bộ 71.500 tàu thuyền/349.088 người.
Cũng theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn nên các địa phương chịu ảnh hưởng của áp thấp, cần theo dõi sát diễn biến mưa lũ, chủ động các biện pháp phòng tránh; rà soát khu vực nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất, thấp trũng; triển khai phương án đảm bảo an toàn; tổ chức kiểm tra và khắc phục kịp thời hậu quả do bão, mưa lũ. Bên cạnh đó, quản lý, hướng dẫn việc ra khơi của các tàu cá đảm bảo an toàn phù hợp; vận hành điều tiết và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ chứa và hạ du; tổ chức trực ban, duy trì lực lượng, phương tiện để ứng phó khi có tình huống xấu.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn