Bất bình đẳng về vaccine có thể khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại hàng nghìn tỷ USD

19:25 | 27/08/2021;
Theo báo cáo của cơ quan phân tích kinh tế thế giới (EIU), nền kinh tế toàn cầu có thể mất hàng nghìn tỷ USD do lịch trình tiêm chủng bị trì hoãn. Đặc biệt, các nền kinh tế đang phát triển chịu phần lớn thiệt hại do việc triển khai chủng ngừa không đồng đều.

Châu Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất

Trong báo cáo này, EIU dự đoán các quốc gia không thể tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho ít nhất 60% dân số của mình vào giữa năm 2022 sẽ mất 2,3 nghìn tỷ USD từ năm 2022 đến năm 2025.

Tiến sĩ Agathe Demarais, Giám đốc dự báo toàn cầu của EIU chia sẻ: "Các nước mới nổi sẽ gánh khoảng 2/3 số thiệt hại này, làm trì hoãn sự hội tụ kinh tế của họ với các nước phát triển hơn".

Theo phân tích của EIU, châu Á sẽ là châu lục bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với thiệt hại dự kiến lên tới 1,7 nghìn tỷ USD, tương đương 1,3% GDP dự báo của khu vực. Các nước ở châu Phi cận Sahara sẽ mất khoảng 3% GDP dự báo của họ, mức cao nhất tính theo tỷ lệ phần trăm.

Sự bất bình đẳng về vaccine có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hàng nghìn tỷ USD - Ảnh 1.

Tiến sĩ Agathe Demarais, Giám đốc dự báo toàn cầu của EIU. Ảnh: AFP

EIU thừa nhận con số là không nhỏ, nhưng các ước tính chỉ mới nắm bắt được một phần các cơ hội kinh tế bị bỏ lỡ, đặc biệt là trong dài hạn. Các tác động của dịch Covid-19 đối với giáo dục cũng không được tính đến trong dự báo này. Các quốc gia giàu có hơn đã chuyển hướng sang dạy học trực tuyến khi phong tỏa, nhưng nhiều quốc gia đang phát triển không thể áp dụng rộng rãi phương thức đó.

Cho đến nay, đã có hơn 213 triệu người đã bị nhiễm Covid-19 và ít nhất 4,4 triệu người đã chết trong đại dịch, theo dữ liệu do Đại học Johns Hopkins (Mỹ) tổng hợp.

Khoảng cách giàu nghèo

Các quốc gia giàu có đang vượt xa về tỷ lệ tiêm chủng, tiến tới bổ sung mũi tiêm tăng cường và mở cửa lại nền kinh tế. Trong khi đó, các quốc gia nghèo lại đang tụt lại phía sau một cách trầm trọng trong cuộc đua chủng ngừa.

Hiện đã có hơn 5 tỷ liều vaccine được sử dụng trên toàn cầu, nhưng chỉ có 15,02 triệu liều trong số đó là ở các nước thu nhập thấp, theo Our World in Data. Trong khi đó, báo cáo của EIU chỉ ra rằng, ở những nền kinh tế có thu nhập thấp, các chiến dịch tiêm chủng đang diễn ra rất chậm chạp.

Sự bất bình đẳng về vaccine xuất hiện do sự thiếu hụt toàn cầu về năng lực sản xuất và nguyên liệu vaccine; khó khăn về hậu cần trong việc vận chuyển, lưu trữ vaccine và cả thái độ do dự vì không tin tưởng vào việc tiêm vaccine.

Nhiều nước đang phát triển cũng không đủ khả năng mua vaccine cho người dân của mình và phải tìm nguồn tài trợ từ các nước giàu hơn. Nhưng các sáng kiến toàn cầu đã không hoàn toàn thành công trong việc cung cấp vaccine cho những người đang cần.

Sự bất bình đẳng về vaccine có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hàng nghìn tỷ USD - Ảnh 2.

Một phụ nữ nhăn nhó trong khi được tiêm một liều vaccine ngừa Covid-19 tại trung tâm tiêm chủng ở Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: AFP

Theo tiến sĩ Demarais, Covax, sáng kiến do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tài trợ để vận chuyển vaccine đến các nền kinh tế mới nổi, đã không đạt được sự hiệu quả so với kỳ vọng. Bà Demarais nhận xét: "Mặc dù có những thông cáo báo chí tâng bốc và những lời hứa hào phóng, các khoản đóng góp từ các nước giàu cũng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ các yêu cầu, và thậm chí vaccine không được chuyển đến".

Sáng kiến Covax đặt mục tiêu cung cấp khoảng 2 tỷ liều vaccine trong năm 2021, nhưng cho đến nay, chương trình này mới chỉ xuất xưởng được 217 triệu liều.

Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF).

Theo EIU, sự bất bình đẳng về vaccine sẽ khiến các nước nghèo hơn có khả năng phục hồi sau đại dịch chậm hơn, đặc biệt nếu các biện pháp hạn chế cần được áp dụng lại do tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn.



Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn