Ghép gan là cơ hội sống duy nhất
Bệnh nhi được ghép gan là bé N.N.T. (2 tuổi, ngụ tại Đồng Nai). Bé T. nhập viện trong tình trạng da vàng sạm, bụng báng to và bắt đầu nôn ra máu. Trước đó, bệnh nhi được phát hiện bị teo đường mật bẩm sinh khi gần 2 tháng tuổi, được phẫu thuật nối ruột và đường mật (phẫu thuật Kasai) tại Bệnh viện Nhi đồng 2.
Theo TS BS. Trần Công Duy Long, Phó trưởng khoa Ngoại Gan Mật Tụy, Trưởng Đơn vị Ung thư gan mật và ghép gan - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, đối với bệnh nhi bị teo đường mật bẩm sinh, phẫu thuật Kasai chỉ là giải pháp tạm thời vì nếu không được ghép gan, có đến 80% các bé mắc bệnh này sẽ không qua khỏi ở khoảng 2 tuổi.
Thời điểm nhập viện tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, bệnh nhi bị nhiễm trùng đường mật, nôn ra máu liên tục và tình trạng xơ gan đã vào giai đoạn cuối. Để cứu sống bệnh nhi, ghép gan là phương pháp duy nhất.
Khao khát cứu sống đứa con gái đầu lòng còn quá nhỏ tuổi, các thành viên trong gia đình đều mong muốn có thể hiến gan cho bé nhưng chỉ cha ruột là anh N.V.N. (30 tuổi) mới có các chỉ số y học phù hợp. Xót xa khi thấy con liên tục nôn ra máu, sức khỏe ngày càng suy kiệt, anh N. và gia đình quyết tâm cùng với các y bác thực hiện ghép gan cho con.
"Để kịp thời cứu sống bệnh nhi, chúng tôi đã hợp tác cùng các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 và các chuyên gia của Viện Ghép gan trẻ em Nhật Bản", BS Long cho hay.
"Sinh bé ra đời nhưng đến giờ này tôi mới được thấy con vui vẻ, khỏe mạnh như vậy"
Ngày 15/11, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM phối hợp với Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện phẫu thuật ghép gan cho bệnh nhi. Các ê-kíp đã phối hợp và ghép gan thành công cho bệnh nhi từ một phần lá gan được hiến từ cha ruột của bé. Sau phẫu thuật lấy gan 7 ngày, anh N. được xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Sau 4 tuần chăm sóc, da bé T. ngày càng hồng hào. Bé trở nên rất năng động, vui vẻ nô đùa cùng các bác sĩ, điều dưỡng. Ngày 21/12 vừa qua, bé T. đã được xuất viện.
Chị M.T.H. (mẹ của bé) chia sẻ: "Từ khi sinh ra bé đã mang căn bệnh hiểm nghèo. Suốt 2 năm qua chứng kiến con bị bệnh tật giày vò, chúng tôi đã rất xót xa. Thật may mắn khi các bác sĩ đã có thể mang đến cho con tôi một cuộc đời mới. Nhìn thấy bé dần dần phục hồi, ăn uống, đùa giỡn với các cô điều dưỡng làm chúng tôi vô cùng hạnh phúc. Sinh bé ra đời nhưng đến giờ này tôi mới được thấy con vui vẻ, khỏe mạnh như vậy".
Theo bác sĩ Long, so với ghép gan người lớn, ghép gan trẻ em có phần khó khăn hơn vì bệnh nhi rất mong manh, yếu ớt và nhạy cảm. Do bé còn quá nhỏ, việc chăm sóc cần sự tỉ mỉ, tinh tế để bé có thể hợp tác với các y bác sĩ.
PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết, ghép gan trẻ em được xem là một trong những kỹ thuật khó của ghép tạng, đòi hỏi nhiều hơn về trình độ chuyên môn lẫn kỹ thuật. Thành công bước đầu của kỹ thuật này tại Bệnh viện đến từ sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau rất tốt giữa các chuyên gia.
"Về phía Bệnh viện, chúng tôi đã phát huy được thế mạnh trong việc thực hiện các cuộc đại phẫu cho các bệnh nhi, những kinh nghiệm từ việc đã tự chủ kỹ thuật ghép gan ở người lớn cùng sự phối hợp đồng bộ, nhuần nhuyễn giữa các chuyên khoa", PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc chia sẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn