Không biết bạn có trải nghiệm này không: Công việc khó khăn, bạn muốn hoàn thành nhanh chóng, nhưng càng làm càng sai. Viết lách không có hứng, bạn muốn ép bản thân ngồi thiền bình tĩnh lại, nhưng ngồi xếp bằng thả lỏng, suy nghĩ vẫn bế tắc, căng thẳng tột độ.
Thời đại đang phát triển không ngừng nghỉ, chúng ta không dám dừng lại. Thật sự không ngoa khi nhận định: Những con người trong xã hội này đang mắc “chứng bận rộn”. Nhưng con người giống như sợi dây thun, càng kéo căng càng dễ đứt.
“Biết nghỉ ngơi thì mới biết làm việc”. Cho bản thân thở hắt một hơi, nạp lại năng lượng để tỉnh táo giải quyết vấn đề. Cuộc sống và công việc sẽ phát triển như ý nguyện.
“Ông hoàng xe hơi” Henry Ford từng nói: “Người chỉ làm việc mà không biết nghỉ ngơi như chiếc xe hơi không có phanh, cực kỳ nguy hiểm”.
Con người cũng như cái máy, nếu một mực theo đuổi hiệu suất, không biết dừng lại nghỉ ngơi thì chỉ có thể nhận về quả đắng.
Lắm lúc, liều mạng làm việc không phải là biểu hiện của năng lực, mà chính là biết cách nghỉ ngơi.
Frederick Winslow Taylor, tác giả của cuốn Nguyên tắc quản lý khoa học (The Principles of Scientific Management), sau khi tiếp nhận quản lý nhà máy vận chuyển gang, vì để nâng cao hiệu suất làm việc, ông đã đưa ra 3 yêu cầu với nhân công:
1. Bắt buộc mỗi người nghỉ ngơi 5 phút sau 1 giờ làm việc, bất kể cảm thấy mệt hay không.
2. Giảm thời gian làm việc 10-12 giờ mỗi ngày còn 8,5 giờ.
3. Đảm bảo mỗi nhân công đều hết sức tập trung và tạo hiệu suất cao trong thời gian làm việc.
Ba yêu cầu này vô cùng đơn giản, nhưng lại thật sự đã nâng cao hiệu suất làm việc trong nhà máy. Trước đó, nhân công có thể xử lý 12 tấn gang mỗi ngày. Sau khi Frederick Taylor tiếp quản, năng suất đã tăng lên thành 48 tấn, đồng thời nhân công ít cảm thấy mệt mỏi và tiêu cực trong công việc.
“Biết nghỉ ngơi” có liên hệ mật thiết với “làm việc có hiệu quả”. Muốn cải thiện cái phía sau thì trước hết phải tập trung học được cái phía trước.
Người tài giỏi thật sự phải biết dung hòa giữa nghỉ ngơi và làm việc, tìm cách để bản thân luôn nhiệt huyết và rực lửa trong nỗi lo “cơm áo gạo tiền”.
Laura Vanderkam viết trong cuốn What the most successful people do on the weekend?: “Điều bạn cần chuẩn bị cho ngày thứ hai là tận dụng ngày cuối tuần để phục hồi sức sống cho bản thân, chứ không phải quần quật đến sức cùng lực kiệt và cảm thấy thất vọng về bản thân hay cuộc đời” (tạm dịch).
Vì để hoàn thành KPI nên dành hẳn ngày cuối tuần để hoàn thành, hủy hết mọi cuộc hẹn trước đó. Ngày thứ Hai đi làm, mặc dù hoàn thành công việc nhưng chất lượng không đủ, cả người lại mệt mỏi chán chường. Vì cuối tuần không nghỉ ngơi đầy đủ nên hiệu suất làm việc trong tuần làm việc tiếp theo không được đảm bảo. Cứ thế vòng tuần hoàn không hồi kết.
Nghỉ ngơi chất lượng thật sự không bao giờ là lãng phí thời gian, mà là quá trình nạp năng lượng cho cơ thể và tâm hồn.
Trên thực tế, người thông minh đều biết cách “xả stress” và làm mới bản thân. Nhiều lúc, ý tưởng mới hay ho xuất hiện trong những lúc chúng ta không ngờ tới, khi tinh thần thoải mái nhất.
Cơ thể là căn nguyên của sự tồn tại. Nghỉ ngơi là nhịp điệu đầu tiên trong guồng quay hối hả cuộc đời.
Chuyên gia nghiên cứu phát hiện, đại não con người cùng hoạt động năng suất như nhau trong trạng thái nghỉ ngơi và làm việc.
Biết cách nghỉ ngơi không chỉ giúp nạp năng lượng cho đại não đang mệt mỏi, mà còn tạo ra cơ hội “tạm nghỉ” trong cuộc sống bận bịu.
Nhà văn Mỹ, Dale Carnegie nói trong cuốn How to Win Friends and Influence People: “Nghỉ ngơi không phải là không làm gì cả, mà là sự bù đắp cho những tổn thất trên cơ thể con người”.
Nhiều lúc, chúng ta cảm thấy đời người ngắn ngủi, nhưng mục tiêu lại xa xăm, thế là bán mạng cho công việc, hối hả mà chạy. Song càng cố gắng muốn thành công mà bỏ qua nghỉ ngơi, chỉ có thể nhận về tổn thất nặng nề hơn.
Vậy thì làm sao để nghỉ ngơi? Hãy bắt đầu từ 3 điều đơn giản sau:
1. Kiên trì ngủ sớm, làm mới tinh thần.
2. Nuôi dưỡng sở thích, khơi dậy lòng nhiệt huyết trong cuộc sống.
3. Làm việc giãn cách, thả lỏng đầu óc. Bạn có thể quy định thời gian nghỉ ngơi mỗi tiếng tập trung làm việc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn