Để phòng dịch Covid-19, nhiều chị em chuyển sang mua sắm trực tuyến, tạo cơ hội cho các loại mỹ phẩm giả "đội lốt" hàng xịn bán tràn lan.
Shopping online đã trở thành thói quen của nhiều chị em. Trong đó, các loại mỹ phẩm của đủ các thương hiệu từ trong nước, đến nhập khẩu và cả sản phẩm được quảng cáo, giới thiệu là hàng nội địa, hàng xách tay được bán rộng khắp trên chợ mạng.
Chị Đặng Việt Hà (Q. Cầu Giấy, Hà Nội) mua son YSL (một thương hiệu son cao cấp của Pháp) tại một gian hàng mỹ phẩm trên Shopee, giá bán khuyến mãi là 450.000 đồng. Chủ gian hàng cam kết son chính hãng, có độ mịn, độ bám cao, không gây khô môi sau nhiều giờ sử dụng. Nhưng khi sử dụng, chị Việt Hà cho biết, chất lượng son rất kém, còn gây khô môi và bong da, rất khó chịu, không giống như sản phẩm chị từng mua và sử dụng.
Với các sản phẩm làm đẹp khác cũng vậy, chỉ cần vào bất kỳ nền tảng bán hàng online nào trên mạng xã hội như Facebook, Zalo hay các sàn thương mại điện tử như Shoppe, Lazada hay Tiki đều có thể dễ dàng đặt mua đủ loại mỹ phẩm, sản phẩm làm đẹp, với đủ mức giá bán khác nhau, của các thương hiệu từ cao cấp đến bình dân".
"Đủ loại mỹ phẩm được bán khắp các sàn, người tiêu dùng rất khó nhận biết được các sản phẩm các sản phẩm làm giả, "đội lốt" hàng xịn vì sản phẩm có bao bì đóng gói giống hàng thật, rất khó phân biệt khi quan sát bên ngoài. Chỉ khi sử dụng mới phát hiện là hàng kém chất lượng", chị Phạm Quế Chi (Q. Cầu Giấy) chia sẻ thêm.
Để kích cầu mua sắm bằng hình thức online, các thương hiệu cũng đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, đặc biệt là trong các đợt flash sale của các sàn, nên các loại mỹ phẩm luôn có sức hấp dẫn đối với chị em. Đây chính là kẽ hở để những sản phẩm hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc trà trộn trên các nền tảng thương mại điện tử.
Các sản phẩm làm giả, làm nhái, kém chất lượng bán tràn làn, đòi hỏi các cơ quan quản lý phải vào cuộc. Theo Tổng cục Quản lý thị trường, công tác thực thi ngăn chặn những hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng trên các trang thương mại điện tử hiện đã có khung pháp lý. Nhưng quy định để áp lên cho từng mặt hàng, từng loại sản phẩm hiện chưa hoàn thiện và đang là kẽ hở trong chế tài xử lý các nền tảng này.
Trước khi có các chế tài xử lý đối với các mặt hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ trên các nền tảng thương mại điện tử, chính bản thân người tiêu dùng sẽ phải ý thức hơn trong việc tìm hiểu và cẩn trọng chọn lựa, mua bán các mặt hàng tiêu dùng này.
Để tránh mua phải mỹ phẩm giả tràn lan trên sàn thương mại điện tử, Beauty Blogger Quỳnh Nga – một chuyên gia làm đẹp tại Hà Nội chia sẻ một số kinh nghiệm:
Hiện nay, mỹ phẩm trên sàn thương mại điện tử có từ 2 nguồn chính. Một là từ các shop đăng ký gian hàng. Các sản phẩm bán tại shop có thể là chính hãng hoặc không, không rõ nguồn gốc, hàng thật hay giả, rất khó biết được chất lượng thực sự. Hai là sản phẩm do sàn thương mại điện tử trực tiếp nhập và bán sản phẩm chính hãng. Các sản phẩm này hoàn toàn có thể yên tâm 100% về nguồn gốc, chất lượng và giá cả.
Để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, bạn nên mua sản phẩm chính hãng do trang thương mại điện tử phân phối (ví dụ như tại các gian hàng trên Lazada Mall, Shopee Mall...).
Nếu mua hàng tại các shop, bạn nên xem đánh giá sản phẩm ở mục nhận xét. Nên mua hàng tại những shop có điểm đánh giá cao, được nhiều người phản hồi và nhận xét. Tiếp đó, bạn có thể tìm hiểu xem các dịch vụ phản hồi, tư vấn và chăm sóc khách hàng của shop có chuyên nghiệp và nhiệt tình hay không. Bạn cũng có thể xem xét shop có nhiều lượt theo dõi hay không, số lượng hàng shop đã bán ra, nếu số lượng nhiều chứng tỏ shop uy tín.
Những chia sẻ trên có thể giúp bạn hạn chế được rủi ro khi mua mỹ phẩm trên các nền tảng bán hàng trực tuyến.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn