Cách tránh sa bẫy đánh giá "5 sao" giả khi mua hàng online

Vũ Vũ
16/10/2020 - 07:38
Cách tránh sa bẫy đánh giá "5 sao" giả khi mua hàng online

Ảnh minh họa

Khi chọn mua hàng online, không ít người căn cứ vào các đánh giá (review) sản phẩm của khách hàng trên trang và... bị lừa.

Theo số liệu thống kê đánh giá sản phẩm thương mại điện tử của trang Marketing Land, 90% người mua thừa nhận rằng, các đánh giá online ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định mua hàng của họ. 72% khách hàng chỉ quyết định mua hàng khi họ đọc các nhận xét tích cực về sản phẩm.

Lợi dụng điều này, các chủ cửa hàng online đã sử dụng nhiều biện pháp nhằm tạo đánh giá "qua mặt" khách hàng và tăng thứ hạng sản phẩm tại sàn thương mại điện tử. Theo đó, người bán có thể lập ra nhiều tài khoản khác nhau, đóng vai trò khách hàng và để lại đánh giá tốt. Tuy nhiên, các chiêu trò hiện nay đã tinh vi và được lên kế hoạch bài bản hơn. Chẳng hạn, nhiều người bán hiện nay sử dụng chính khách hàng để lừa khách hàng. Ví dụ, tại Amazon, chủ cửa hàng đưa ra một số lợi ích như hoàn tiền, cộng xu vào tài khoản sau khi người dùng gửi ảnh chụp màn hình đánh giá tích cực khi mua một sản phẩm nào đó.

Ngay cả trên Amazon, Walmart, eBay là những trang bán lẻ lớn với hàng trăm triệu người dùng toàn cầu, nạn đánh giá giả, chấm "5 sao" giá... vẫn khiến người mua phải đau đầu.

Dưới đây là một số mẹo sẽ giúp bạn tỉnh táo khi đọc review sản phẩm, tránh tin lầm những bài đánh giá giả mạo.

Sử dụng một số trang web hữu dụng để nhận dạng

Các trang Fakespot, ReviewMeta... cung cấp một phương pháp lọc review sản phẩm hoàn toàn mới, cho phép bạn tìm kiếm và theo dõi những đánh giá khách quan, chính xác nhất. Trang web này sử dụng công nghệ độc quyền của mình để phân tích hàng triệu bình luận tích cực về sản phẩm, tìm những dấu hiệu bất thường và loại bỏ các đánh giá tích cực thái quá. Bạn chỉ cần copy link URL của sản phẩm mà bạn đang tham khảo vào. Lập tức, trang web này sẽ phân tích cũng như nhận dạng những bất thường trong cấu trúc, văn phong của phần review và đưa ra cho bạn những đánh giá "đáng tin cậy", "đáng báo động" và "giả mạo".

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng kết quả "giả mạo" không ám chỉ đến chất lượng của sản phẩm. Đó chỉ là đánh giá của thuật toán sau khi phát hiện ra những điểm bất thường từ những bài review quá tích cực và có phần phi thực tế.

Kiểm tra website của bên bán

Chỉ dựa vào phần review để tiến hành giao dịch thông qua nền tảng Amazon thôi là chưa đủ, bạn cần kiểm tra website của bên bán. Đặc biệt, nếu sản phẩm bạn mua cần phải có chế độ bảo hành chặt chẽ, như các thiết bị điện tử.

Quan tâm đến ngôn ngữ, văn phong

Bạn cần thận trọng với những phần review mang văn phong quảng cáo, tâng bốc sản phẩm quá nhiều. Cùng với đó, bạn cũng cần chú ý đến những đặc điểm trình bày bất thường như viết in hoa mọi cụm từ hay sử dụng dấu câu một cách vô tổ chức. Đây đều là những dấu hiệu của một bài review giả mạo.

Hãy chú ý đến hình ảnh sản phẩm

Hãy chịu khó đọc thật kỹ phần review khi tìm hiểu về một sản phẩm, có thể bạn sẽ phát hiện ra nhiều review khác nhau nhưng lại sử dụng chung hình ảnh minh họa. Đây có thể chỉ là một chiêu trò quảng cáo mà bên bán áp dụng nhằm thuyết phục người mua hàng.

Tìm hiểu thông tin về người đánh giá sản phẩm

Nếu người đánh giá sản phẩm mới chỉ viết duy nhất 1 review hoặc ngược lại, viết quá nhiều review trong một khoảng thời gian ngắn, đó có thể chỉ là tài khoản ảo được tạo ra nhằm mục đích quảng cáo cho sản phẩm. Bên cạnh đó, những phần review quá ngắn và mang nặng tính công thức cũng đáng để bạn phải lưu tâm.

Xem đánh giá sản phẩm ở các trang trung gian

Tốt nhất nên xem đánh giá ở trang độc lập trung gian, không nên xem đánh giá ở trang chính mà mình mua hàng. Nếu không, bạn phải tham gia vào các trang đánh giá, review tiêu biểu để có được những đánh giá khách quan.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm