Theo hồ sơ, sau năm 1975, gia đình ông Nguyễn Văn Tân (91 tuổi) và bà Trần Thị Tám (78 tuổi, ngụ TPHCM) khai hoang được mảnh đất 6,8ha tại xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TPHCM (nay thuộc xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) để trồng mía, thơm (dứa).
Năm 1983, UBND huyện Bình Chánh quy thành phần gia đình ông Tân, bà Tám là phú nông nên ban hành quyết định trưng thu mảnh đất 6,8ha trên và chỉ cấp lại cho gia đình 2,7ha để sản xuất.
Cho rằng việc đưa gia đình vào thành phần gia đình phú nông là không đúng nên ông Tân và bà Tám đã làm đơn khiếu nại. Ngày 2/12/1990, UBND huyện Bình Chánh có quyết định công nhận gia đình ông Tân và bà Tám là thành phần nông dân lao động; gia đình chính sách có công với cách mạng, có 2 liệt sĩ là em ruột của ông Tân.
Tuy nhiên, gia đình ông bà chỉ được UBND huyện Bình Chánh trả lại chỉ 0,5ha đất bị thu hồi trước đó để canh tác. 3,6ha đất còn lại bị chính quyền địa phương giao cho một số người khác.
Ngày 16/9/1991, hai ông bà làm đơn khiếu nại lên UBND TPHCM để đòi lại 3,6ha đất trên. Ban Quản lý ruộng đất (thuộc UBND TPHCM) có Công văn 1216 chỉ đạo UBND huyện Bình Chánh xem xét: Gia đình ông Tân có 26 người thì diện tích đất hiện đang canh tác là không đủ sống, vì bình quân tại xã Bình Lợi là 2.000m2/nhân khẩu, tại xã Lương Hòa là 3.000m2/nhân khẩu. Huyện nên cấp theo bình quân nhân khẩu tại địa phương để gia đình ông Tân có điều kiện ổn định cuộc sống hoặc cùng phối hợp với huyện Bến Lức (Long An) để giải quyết.
Tuy nhiên, UBND huyện Bình Chánh lại ban hành Quyết định 300/QĐ-UB, không giải quyết thêm ruộng đất cho gia đình ông Tân, mà tiếp tục giao quyền quản lý điều phối phần đất 3,6 ha trên cho UBND xã Lương Hòa, huyện Bến Lức theo tinh thần hoán đổi ruộng đất trước đây giữa hai huyện Bến Lức và Bình Chánh. Đồng thời, UBND huyện Bình Chánh giải quyết bồi thường công khai hoang phục hóa cho hộ ông Nguyễn Văn Tân là 5,5 triệu đồng cho 3,6 ha đất tại xã Lương Hòa.
Khi gia đình ông Tân tiếp tục khiếu nại đòi lại đất, Chủ tịch UBND huyện Bến Lức và Chủ tịch UBND tỉnh Long An ban hành Quyết định số 6277/QĐ-UBND ngày 25/10/2016 và Quyết định 48/QĐ-UBND ngày 6/1/2017, bác đơn khiếu nại.
Sau đó, ông Tân và bà Tám nộp đơn khởi kiện đến TAND tỉnh Long An yêu cầu hủy Quyết định số 6277 và Quyết định số 48; đồng thời buộc cơ quan chức năng có thẩm quyền trả lại 3,6ha đất bị trưng thu sai. Bản án hành chính sơ thẩm số 55/2017/HCST ngày 18/7/2017 của TAND tỉnh Long An quyết định không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn Tân, bà Trần Thị Tám; kiến nghị cơ quan tổ chức có thẩm quyền xem xét thiệt hại mất 3,6ha của ông Tân, bà Tám do quy sai thành phần.
Không đồng ý với phán quyết sơ thẩm, ông Tân và bà Tám nộp đơn yêu cầu xét xử phúc thẩm đến TAND cấp cao tại TPHCM, với nội dung kháng cáo toàn bộ bản án hành chính sơ thẩm.
HĐXX phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Văn Tân và bà Trần Thị Tám; tuyên hủy Quyết định 6277 và Quyết định 48. Đồng thời, buộc Chủ tịch UBND huyện Bến Lức ban hành giải quyết khiếu nại theo thẩm quyền và quy định pháp luật.
HĐXX nhận định, Quyết định số 6277 và Quyết định số 48 của UBND tỉnh Long An ban hành đúng thẩm quyền nhưng sai về nội dung (áp dụng điều luật giải quyết khiếu nại không đúng).
Bản án phúc thẩm số 204/2020/HC-PT ngày 16/6/2020 của TAND cấp cao tại TPHCM cũng đã định hướng nhà chức trách tỉnh Long An, trong trường hợp không có đất để trả thì phải trả cho gia đình ông Tân giá trị quyền sử dụng đất cộng với công khai hoang phục hóa. Có như vậy mới đúng với quy định tại Điểm c Mục 3 Phần V Quyết định 201/CP ngày 01/7/1980 của Hội đồng Chính phủ về việc thống nhất quản lý ruộng đất cả nước và đúng với kiến nghị của bán án sơ thẩm đã tuyên.
Thế nhưng đến nay, gia đình ông Tân và bà Tám vẫn chưa nhận lại được 3,6ha bị trưng thu. Ông Tân cho hay việc UBND huyện Bến Lức ( tỉnh Long An) chậm bàn giao đất bị trưng thu do quy sai thành phần đã khiến gia đình ông thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về quyền, lợi ích hợp pháp.
"Bản án phúc thẩm số 204/2020/HC-PT ngày 16/6/2020 của TAND cấp cao tại TPHCM đã mang lại sự công bằng cho gia đình tôi. Tuy nhiên, đến hiện tại gia đình tôi đã ròng rã hàng chục năm đi khiếu nại, khiếu kiện mong lấy lại đất. Đến nay, đã có phán quyết của tòa án nhưng gia đình tôi đang rất mệt mỏi, không biết bao giờ mới đòi lại được phần đất 3,6ha" - ông Tân nói.
Đại diện Cục thi hành án Dân sự tỉnh Long An cho biết, cơ quan thi hành án đã nắm, nhận hồ sơ bản án phúc thẩm số 204/2020/HC-PT ngày 16/6/2020 của TAND cấp cao tại TPHCM. Trong quyết định thi hành, chỉ yêu cầu trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh là tuân theo bản án, hủy các Quyết định 48/QĐ-UBND ngày 06/01/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Long An và Quyết định 6277/QĐ-UBND ngày 25/10/2016 của Chủ tịch UBND huyện Bến Lức. Đồng thời, yêu cầu Chủ tịch huyện Bến Lức ban hành quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định pháp luật và huyện này đã thực hiện.
Theo đại diện Cục thi hành án Dân sự tỉnh Long An, việc theo dõi, đôn đốc và kiểm tra hành chính vụ việc đã xong. Còn các nội dung khác không liên quan đến án hành chính của Cục Thi hành án theo dõi.
Về phía UBND huyện Bến Lức, ngày 4/4/2023, UBND huyện Bến Lức (Long An) có Quyết định số 489/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại của ông Nguyễn Văn Tân và bà Trần Thị Tám (lần đầu). Nội dung quyết định bác đơn khiếu nại của ông Nguyễn Văn Tân và bà Trần Thị Tám đòi lại phần đất có diện tích 3,6ha. Trong quyết định cũng nêu rõ: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định, nếu ông Nguyễn Văn Tân và bà Trần Thị Tám không đồng ý với giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND huyện Bến Lức thì ông bà có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh Long An hoặc khởi kiện Chủ tịch UBND huyện tại Tòa án.
Ngày 18/4/2023, ông Nguyễn Văn Tân và bà Trần Thị Tám đã đơn khiếu nại gửi Chủ tịch UBND tỉnh Long An về quyết định của UBND huyện Bến Lức và được thụ lý giải quyết.
Như vậy, nhìn vào quá trình giải quyết khiếu nại của 2 cấp chính quyền ở Long An cho thấy, từ cái sai đầu tiên trong xác định thành phần nhưng đã không được giải quyết dứt điểm dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Ngay cả khi tòa án cấp cao đã ra bản án xác định rõ cái sai trong quyết định của cơ quan quản lý hành chính nhưng sau đó UBND huyện Bến Lức vẫn không ra quyết định giải quyết theo hướn giải quyết như bản án đã tuyên mà tiếp tục ban hành quyết định, về bản chất quyết định này có nội dung không khác gì quyết định đã bị tòa án tuyên hủy trước đó. Mấy chục năm đi đòi lại đất bị trưng thu sai, 2 ông bà đều ở tuổi trên dưới 90 không biết có còn sống đến ngày được trả lại đất hoặc bền bù thiệt hại hay không?
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn