Dự án Luật Đất đai (sửa đổi): Cần minh bạch trong thu hồi đất, tránh khiếu kiện

PVH
11/05/2023 - 20:11
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi): Cần minh bạch trong thu hồi đất, tránh khiếu kiện

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu cho rằng, cần minh bạch quá trình, tiêu chí, điều kiện thu hồi đất để đảm bảo đúng tiêu chí, tránh khiếu kiện.

Tiếp tục hương trình Phiên họp thứ 23, chiều 11/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Thảo luận về các nội dung liên quan đến giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo vi phạm pháp luật về đất đai, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết: Điều 229 quy định về hòa giải tranh chấp đất đai, các khoản 1, 2, 3 có quy định 5 hình thức hòa giải tranh chấp về đất đai, gồm: Tự hòa giải; Hòa giải ở cơ sở; Hòa giải tại Tòa án; Hòa giải thương mại; Hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã.

Tuy nhiên, đối với trường hợp hòa giải thành mà có sự thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất, khoản 5 Điều 229 chỉ quy định về trình thự, thủ tục công nhận sự thay đổi đối với 2 hình thức hòa giải là: Hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã và Hòa giải tại Tòa án. Như vậy, đối với 3 hình thức hòa giải còn lại, nếu có sự thống nhất về thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất sẽ không có cơ chế để công nhận kết quả hòa giải. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị bổ sung các trường hợp này tại khoản 5 Điều 229 cho phù hợp.

Về nội dung về thu hồi đất rất được cử tri, nhân dân quan tâm, dự thảo Luật đã có quy định cụ thể, tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, cần minh bạch quá trình, tiêu chí, điều kiện thu hồi đất để đảm bảo đúng tiêu chí, tránh khiếu kiện. Cần làm rõ khái niệm thế nào là "phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh", thế nào là phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích công cộng. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị cần quy định thật rõ ràng, cụ thể, dự liệu các trường hợp xảy ra trong thực tế để đảm bảo tính chặt chẽ và khả thi trong áp dụng pháp luật.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần minh bạch trong thu hồi đất, tránh khiếu kiện - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu trại phiên họp

Về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết: Việc hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng, tại khoản 6, Điều 86 dự thảo Luật quy định: việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, việc bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi có quyết định thu hồi đất. 

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Ban soạn thảo cần rà soát về sử dụng từ ngữ chặt chẽ, tránh có cách hiểu khác nhau, bởi Nghị quyết Trung ương 8 quy định: việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước. Ngoài ra, Nghị quyết 18 của Trung ương nêu thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người sản xuất sau thu hồi đất nhưng vẫn chưa được thể chế hóa rõ trong dự thảo Luật.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần minh bạch trong thu hồi đất, tránh khiếu kiện - Ảnh 2.

Các đại biểu tại phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý một số nội dung cần tiếp tục rà soát để hoàn thiện sâu sắc hơn. Cụ thể như: cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, quy định mức thuế cao hơn với người sở hữu nhiều diện tích đất hoặc đầu cơ hoặc chậm sử dụng đất, bỏ hoang đất; quản lý tiết kiệm, hiệu quả nguồn thu từ đất giữa Trung ương và địa phương; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản; khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nhất là thị trường cho thuê đất nông nghiệp; cơ chế bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững; kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai.

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc lấy ý kiến Nhân dân đã được thực hiện tốt, được Nhân dân quan tâm với trên 12 triệu lượt ý kiến. Người dân quan tâm rất nhiều đến những vấn đề có liên quan sát sườn đến đời sống như vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, vấn đề giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tài chính đất đai và giá đất, vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. 

Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nên có hình thức báo cáo lại với Nhân dân về việc lấy ý kiến và tiếp thu giải trình ý kiến Nhân dân, ít nhất là phải đăng tải công khai báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân lên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm