Cô Lê Thị Nguyệt, giáo viên chủ nhiệm Lớp 5.6 - Trưởng Tiểu học Phước An, cho biết, để việc dạy học trực tuyến có hiệu quả thì bản thân giáo viên phải chuẩn bị bài giảng một cách chu đáo, có nhiều phương pháp dạy học đổi mới, có thể tổ chức các trò chơi để học sinh vừa học vừa chơi, không cảm thấy nhàm chán trong suốt tiết học. Bên cạnh đó, phụ huynh ở nhà cũng cần kèm cặp thêm các con, giáo viên chủ nhiệm chủ động trao đổi với phụ huynh để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của từng học sinh.
Theo cô Nguyệt, đối với những học sinh ở khối 4, 5 đã có khả năng sử dụng công nghệ thông tin nhất định. Vào đầu giờ học, giáo viên có thể cho các em nghe nhạc khởi động, tham gia các ứng dụng trò chơi mới hiện nay được áp dụng trong dạy học trực tuyến. Ngoài ra, đặt các câu hỏi cho học sinh trả lời; chia nhóm trong lớp học để các em trao đổi, thảo luận.
"Việc học trực tuyến trong thời gian dài có thể khiến học sinh cảm thấy nhàm chán. Ngoài việc tổ chức các trò chơi thì giáo viên có thể khuyến khích, động viên hoặc có những phần thưởng nhỏ nhất định. Trong các tiết giảng, ngoài các kiến thức trong sách giáo khoa thì giáo viên nên cập nhật thêm các kiến thức mới, hay trong thực tế cuộc sống hiện nay để tạo sự hứng thú cho học sinh", cô Nguyệt chia sẻ.
Cô Cao Thị Thu Hiền, giáo viên chủ nhiệm Lớp 2.6 cho biết, để việc dạy học trực tuyến có hiệu quả, cô thường tổ chức cho học sinh nhận xét, đánh giá lẫn nhau và chia học sinh thành các nhóm để thảo luận, trao đổi sôi nổi. Nội dung dạy học đi vào các vấn đề cốt lõi, trọng tâm.
Theo cô Hiền, để các em tập trung, tương tác trong các tiết học cô cũng thường xuyên gọi học sinh trả lời các câu hỏi. Bên cạnh đó, việc chấm bài một cách thường xuyên, sát sao, với những nhận xét kỹ càng cũng giúp cho việc học của học sinh đạt kết quả tốt; đồng thời nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ của phụ huynh học sinh.
Cô Nguyễn Thị Hải - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phước An cho biết, để đảm bảo việc dạy học trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19, ngay từ rất sớm, nhà trường đã phân công nhóm công nghệ thông tin tổ chức tập huấn cho giáo viên phần mềm dạy học online. Cùng các tổ trưởng chuyên môn xây dựng thời khóa biểu phù hợp, động viên giáo viên tích cực đổi mới phương pháp, chú trọng dạy học phát huy năng lực học sinh, quan tâm học sinh khó khăn về học tập và tích cực thăm lớp, tư vấn giúp đỡ giáo viên.
Ngay trong những ngày đầu tiên chuẩn bị cho năm học 2021-2022, các giáo viên nhà trường đã tìm hiểu và lập danh sách học sinh chưa có thiết bị thông minh để học online. Các cô giáo cùng chi hội lớp đã có những hình thức giúp đỡ các em học sinh lớp của mình như mượn điện thoại, máy tính của nhà ai dư không dùng đến hoặc bị hư hỏng nhẹ, nhờ người sửa chữa rồi cho các em chưa có mượn.
Bên cạnh đó, tập thể cán bộ giáo viên nhân viên nhà trường cùng hội phụ huynh học sinh cũng đóng góp được 80 triệu đồng, mua máy tính và Ipad hỗ trợ cho 23 học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Qua đó, đã góp phần giúp cho 100% học sinh của nhà trường tham gia học trực tuyến đầy đủ.
Theo cô Hải, dạy học online khiến thầy cô vất vả rất nhiều so với dạy trực tiếp. Để khắc phục những khó khăn trong việc dạy học online, sau mỗi ngày hoặc mỗi tuần, các giáo viên và các tổ khối lại có những buổi trao đổi kinh nghiệm, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và chia sẻ những phần mềm hữu ích, những phương pháp hình thức tổ chức dạy học hay… Đội ngũ nhà giáo đều cố gắng soạn giảng trình chiếu những hình ảnh, thước phim, video sinh động lôi cuốn sự hứng thú học tập của các em.
"Các thầy cô đã chắt lọc những nội dung cốt lõi cần thiết để tổ chức dạy học giúp các em giảm áp lực nhưng vẫn đảm bảo chuẩn kiến thức để khi đi học trực tiếp trở lại học tiếp chương trình nối tiếp đảm bảo đúng kế hoạch và hiệu quả", Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phước An nhấn mạnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn