Biến món chả chìa của bố thành đặc sản Hải Phòng

17:39 | 21/09/2022;
Lê Thùy Giang (SN 1985) tốt nghiệp Quản trị tài chính kế toán - trường Đại học Hàng Hải Việt Nam và đang làm việc tại trường Cao đẳng Công nghệ, Kinh tế và Thủy sản (Hải Phòng). Hiện cô là quản lý thương hiệu Chả Chìa Hạ Lũng bác Hoạt uy tín của Hải Phòng.

Giang có thể chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp của mình?

Gia đình tôi có nghề làm giò chả truyền thống. Từ nhỏ, tôi cũng như chị em trong nhà ngoài giờ đi học, thời gian rảnh sẽ phụ giúp bố mẹ. Ngày đó, công việc vất vả vì tôi phải dạy từ 4 rưỡi sáng để phụ việc rồi đi học và người tôi toàn mùi giò chả nên các bạn thường gọi tôi là "Giang giò". 

Khi lớn lên vì muốn có thời gian hỗ trợ gia đình nên tôi học tại Hải Phòng. Tôi từng nghĩ, sau khi ra trường sẽ theo nghề kế toán hoặc các nghề có liên quan đến ngành tôi học và không nghĩ sẽ gắn bó với nghề giò chả nữa.

Biến món chả chìa của bố thành đặc sản Hải Phòng - Ảnh 1.

Tuy làm công việc văn phòng, nhưng niềm đam mê với nghề truyền thống gia đình vẫn thôi thúc chị phải phát triển hơn đặc sản quê hương

Thế nhưng, đến năm 2008, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi làm nhân viên văn phòng, thực lòng trong quá trình học và làm, tôi cảm thấy mình hiểu rõ nghề giò chả hơn là nghề tài chính kế toán mà tôi được đào tạo.

Năm 2014, khi phòng Văn hóa quận Hải An, Hải Phòng mời bố tôi tham dự hội chợ ẩm thực - lễ hội Hoa phượng đỏ. Bố tôi đã từ chối, còn tôi muốn tìm hiểu mọi thứ, nhất là liên quan đến ẩm thực. Tôi thấy đây là cơ hội tốt để mình "khoe" sản phẩm nhà làm. Ngày tham gia hội chợ đó đã có kết quả tốt đẹp, tôi nhớ lãi mỗi ngày được tầm 1-2 triệu và món chả thìa rất được yêu thích, nhiều khách hàng biết đến và đặt hàng. Và tôi bị cuốn hút vào việc làm sao để thương hiệu giò chả nhà mình được phổ biến rộng rãi hơn, đặc biệt là món chả thìa của bố.

Vừa làm hành chính tại cơ quan, vừa có con nhỏ nhưng tôi vẫn mê mải việc phát triển chả chìa, hỗ trợ bố mẹ tiếp cận quảng bá sản phẩm. Tôi đã lập lên facebook cá nhân "Chả chìa Hạ Lũng bác Hoạt" để giới thiệu về món ăn do bố mình sáng tạo, để nói về những cảm nhận của khách hàng dành cho chả chìa…và nhận được phản hồi khá tốt.

Biến món chả chìa của bố thành đặc sản Hải Phòng - Ảnh 2.

Món "Chả chìa Hạ Lũng bác Hoạt" của chị Giang được nhiều thực khách xa gần đón nhận

Dường như món chả chìa của bố đã giúp bạn thêm năng lượng để kinh doanh về ẩm thực?

Đúng vậy. Tôi theo đuổi món chả chìa như 1 niềm tự hào, 1 tình yêu tri ân dành cho bố mẹ, cho quê hương. Lúc mới đầu, tôi cũng thấy cô đơn, buồn tủi khi ý tưởng của mình không được người nhà ủng hộ, nhưng trong thâm tâm tôi lại có một  niềm tin mãnh liệt, khiến tôi không dừng bước về phía trước. Tôi bắt tay vào nghiên cứu thị trường, chắt lọc, tổng hợp thông điệp của khách hàng, thiết kế bao bì và logo nhận diện thương hiệu, chụp ảnh sản phẩm... Tôi đã học được tính kiên trì, bền bỉ khi theo đuổi công việc này.

Làm dần rồi thành quen và tôi nắm bắt được xu thế thị trường bằng các sản phẩm mà gia đình đang có, thay đổi hình ảnh sản phẩm và học thêm các khóa học đào tạo về kinh doanh. 

Trong quá trình nghiên cứu và sản xuất bạn có gặp khó khăn, thách thức gì không? 

Cạnh tranh giữa một thị trường thực phẩm chế biến đa dạng phong phú, đã có nhiều nhà sản xuất công nghiệp lớn mạnh nên ngay từ khi bắt đầu tôi hiểu rằng cơ sở Chả chìa cần tìm ra sự khác biệt cho mình. Thay vì chỉ tập trung cho đối tượng là các bà nội trợ, chị em phụ nữ thì tôi đã thu hẹp đối tượng khách hàng là những người cần đặc sản quà tặng Hải Phòng, cần một sản phẩm lạ mang thương hiệu biển để mang biếu hay làm quà. Khi cụ thể đối tượng khách hàng như vậy, cơ sở cũng được phát triển theo định vị truyền thống nhưng hiện đại mới mẻ.

Biến món chả chìa của bố thành đặc sản Hải Phòng - Ảnh 3.

Với chị Giang, đặc sản Hải Phòng là một hành trình tương đối dài gắn liền với cuộc sống, văn hóa, thói quen, tính cách con người nơi đây

Để giới thiệu ra thị trường kể từ năm 2014, trước áp lực của nhiều sản phẩm công nghiệp chế biến sẵn, cơ sở của tôi phải tìm cách thu hút sự quan tâm của khách hàng lúc bấy giờ, điều đó không phải là ngày 1 ngày 2 mà phải có chiến lược lâu dài. Cơ sở chú trọng vào làm hình ảnh, đánh vào cảm xúc khách khàng với slogan "Vơi đầy nỗi nhớ".

Với tôi, hành trình tạo nên đặc sản Hải Phòng là một hành trình tương đối dài gắn liền với cuộc sống, văn hóa, thói quen, tính cách con người Hải Phòng. Nó không những mang giá trị vật chất còn là giá trị tinh thần của vùng đất con người nơi ấy làm ra. 

Cơ sở tạo việc làm cho bao nhiêu người lao động? 

Hiện tại, tôi có 9 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 6-15 triệu đồng/tháng. Sau khi tham gia chương trình OCOP, sản lượng tiêu thụ bình quân của cơ sơ tăng lên 1,5 lần so với trước, ước đạt 40 tấn năm 2022.

Liên hệ:

Chị Lê Thùy Giang - Quản lý thương hiệu Chả chìa Hạ Lũng Bác Hoạt

SĐT: 0934314189

Địa chỉ: Số 130 Chợ Lũng, phường Đằng Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng

Kênh bán hàng: http://chachiahalungbachoat.com/

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn