Những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống người dân được nâng lên nhưng đồng thời cũng làm gia tăng các tác nhân gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nguy cơ ô nhiễm môi trường cục bộ ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nam Định. Đáng lo ngại, các nguy cơ ô nhiễm từ chất thải rắn phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt và sản xuất đang ngày càng gia tăng.
Nam Định là tỉnh nông nghiệp, dân số ở khu vực nông thôn chiếm 79,76%, ước tính tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 678,6 tấn/ngày. Các xã, thị trấn đã thành lập các tổ thu gom rác thải, đội vệ sinh môi trường, hợp tác xã vệ sinh môi trường để thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải đến các khu xử lý rác thải tập trung. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn phân loại rác thải tại nguồn còn ở mức thấp, đạt 36,58%. Phần lớn chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại các hộ gia đình mà được vận chuyển về khu xử lý rác thải tập trung, sau đó mới tiến hành phân loại sơ bộ và đưa vào xử lý.
Bên cạnh đó, các công trình xử lý rác thải tập trung dần không đáp ứng được nhu cầu xử lý chất thải trên địa bàn. Một số công trình vận hành chưa đúng với hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, qua nhiều năm vận hành, nhiều công trình bãi chôn lấp và lò đốt đến nay đã xuống cấp, hư hỏng do thiếu nguồn kinh phí để duy tu, cải tạo, sửa chữa. Đồng thời nhân công vận hành nhiều khu xử lý rác thải tập trung chưa được đào tạo, thiếu kiến thức, kỹ năng để thực hiện phân loại, xử lý rác thải, dẫn tới hiệu quả xử lý rác thải tập trung chưa đạt yêu cầu, gây ô nhiễm môi trường cục bộ, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ người dân, cảnh quan môi trường.
Để giải quyết những vấn đề kể trên, cần có những giải pháp thúc đẩy người dân thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ ngay tại hộ gia đình. Từ đó làm giảm lượng rác thải vận chuyển ra khu xử lý rác tập trung, đặc biệt là đối với khu vực nông thôn, nơi có lượng rác thải hữu cơ chiếm 60% - 80% tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày. Qua đó làm tăng hiệu quả xử lý rác thải ở các khu xử lý rác thải tập trung, giảm thiểu tình trạng bãi tập kết rác tự phát, giảm áp lực cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn.
Trước thực trạng rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng, từ năm 2018, Hội Nông dân tỉnh Nam Định đã triển khai thực hiện mô hình "Thu gom, phân loại, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình". Để triển khai, nhân rộng mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình thực sự hiệu quả, Hội Nông tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức bảo vệ môi trường, hướng dẫn kỹ thuật phân loại rác thải sinh hoạt, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình cho các hội viên. Theo đó, rác thải hữu cơ sau khi phân loại được đưa vào thùng ủ (hố ủ có nắp đậy) bổ sung chế phẩm sinh học EMIC. Sau 30-40 ngày, rác phân hủy thành phân bón hữu cơ giàu dinh dưỡng, có ích cho cây trồng.
Trong quá trình triển khai mô hình, các cấp Hội Nông dân thường xuyên bám sát cơ sở để kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ các hộ thực hiện đúng kỹ thuật xử lý rác hữu cơ, kịp thời đưa ra giải pháp với những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn. Đến nay, toàn tỉnh Nam Định đã có 9/10 đơn vị huyện, thành phố đã triển khai nhân rộng mô hình ở 153/209 cơ sở Hội, 1.455 chi Hội; trong đó 89 cơ sở Hội trực tiếp xây dựng, 111 cơ sở Hội phối hợp. Tổng số hộ xử lý rác bằng thùng 103.857 hộ; bằng nắp 81.478 hộ.
Đến nay, mô hình đạt hiệu quả xử lý rác thải hữu cơ cao với chi phí thấp, giảm thiểu 60% - 70% lượng rác thải được đưa tới các khu vực tập kết, xử lý rác thải. Qua đó, giảm áp lực cho công tác phân loại, thu gom và xử lý rác thải tập trung trên địa bàn, nâng cao hiệu quả xử lý rác thải, giảm các tác nhân ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân. Đặc biệt, lượng rác thải hữu cơ được xử lý thành phân hữu cơ sử dụng vào trồng trọt, giúp người dân tiết kiệm chi phí chăm sóc cây trồng, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng và đảm bảo vệ sinh trong sản xuất nông nghiệp. Cán bộ, hội viên nông dân được tập huấn những kiến thức về bảo vệ môi trường và trở thành những tuyên truyền viên tích cực cho hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn